23/12/2014 08:18 GMT+7

Kiểm toán Nhà nước không phải báo cáo Chính phủ

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT -  Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng Hiến pháp đã quy định rất rõ Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội lập, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

 Ngày 22-12, thảo luận về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi), một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định “Kiểm toán Nhà nước quyết định chương trình kiểm toán hằng năm và báo cáo Quốc hội, Chính phủ trước khi thực hiện” trong luật hiện hành không còn phù hợp.

“Kiểm toán Nhà nước có cần xin ý kiến Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác trước khi thực hiện không? Hiến pháp đã quy định Kiểm toán Nhà nước độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nếu chúng ta buộc phải báo cáo Chính phủ trước khi thực hiện, nếu Chính phủ không đồng ý thực hiện kiểm toán thì dừng lại không kiểm toán nữa à? Tôi đề nghị chỉ quy định Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội là đủ” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý bày tỏ.

Nhất trí với lập luận này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng Hiến pháp đã quy định rất rõ Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội lập, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị quy định nếu các đối tượng chịu sự kiểm toán không nhất trí với kết luận kiểm toán và giải quyết khiếu nại của tổng kiểm toán thì có quyền khởi kiện ra tòa án.

Thảo luận về dự thảo pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND, một lần nữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thông qua dự án pháp lệnh này và yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu.

Một trong những quy định gây tranh cãi của dự thảo dự án pháp lệnh này là nhà báo có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 1 triệu đồng nếu “không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa; không chấp hành đúng hướng dẫn của thư ký phiên tòa hoặc lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa về khu vực tác nghiệp; không chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa mặc dù đã được nhắc nhở”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng quy định như vậy là chưa chặt chẽ bởi thẻ nhà báo có giá trị pháp lý cao hơn giấy giới thiệu, hơn nữa chưa phân biệt được trường hợp tòa xử kín và xử công khai.

“Tòa chỉ xử phạt khi nhà báo không xuất trình thẻ và gây cản trở tại tòa. Quy định thêm giấy giới thiệu để làm gì, cứ giấy to đẻ giấy nhỏ, đưa vào như thế không đúng. Hành vi xử phạt phải đích đáng với vi phạm. Phải phân biệt trường hợp xử kín với xử công khai...” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Tuy nhiên, chánh án TAND tối cao cho biết quy định trên đây chính là đề nghị của Hội Nhà báo VN.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Luật ban hành văn bản pháp luật, Luật MTTQ VN (sửa đổi).

 

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên