Bao trái Vĩnh Kim chuẩn bị xuất khẩu - Ảnh: T.TÚ
Những ngày đầu tháng 11-2018, nông dân trồng Vĩnh Kim đang tất bật bao trái chuẩn bị xuất khẩu sang Mỹ.
Dù khoảng một tháng nữa vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim mới vào chính vụ, nhưng nhiều nông dân tham gia vùng trồng để xuất khẩu sang Mỹ (được cấp mã code) đang rất háo hức với vụ mùa mới. Đây là năm thứ hai loại trái cây này được phía Mỹ cho phép nhập khẩu.
Vừa bán cho Công ty TNHH Đại Lâm Mộc một kiện hàng khoảng 800kg vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim với giá 70.000 đồng/kg (đã xuất khẩu sang Mỹ thành công), ông Lê Ngọc Bình - nông dân ấp Phước Thịnh, xã Phước Thạnh - cho hay chỉ sử dụng phân chuồng đã được xử lý nấm vi sinh.
Với 8 công vú sữa, đến cuối mùa, ông Bình nhẩm tính ít nhất cũng bán được 15 tấn. Với giá 70.000 đồng/kg, chí ít cũng kiếm được hơn 1 tỉ đồng, con số chưa có năm nào ông đạt được.
Trong khi đó, ông Trần Trung Hiếu, đại diện Công ty TNHH Đại Lâm Mộc, cho hay cứ tính giá trung bình 60.000-70.000 đồng/kg, nông dân có thể thu 1 tỉ đồng/ha là không phải khó.
Ông Đoàn Văn Sang, giám đốc Công ty TNHH chế biến nông sản Cát Tường, cho biết mấy chục hecta vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim mà công ty của ông đã được cấp mã code tuy chưa xuất đơn hàng nào nhưng năm nay nhờ nông dân tuân thủ đúng quy trình, nên doanh nghiệp đảm bảo mua cao hơn năm trước ít nhất 10-20% (năm 2017 Công ty Cát Tường mua 30.000-35.000 đồng/kg).
Ông Cao Văn Hóa, phó giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, cho biết năm nay toàn tỉnh sẽ có 102ha vú sữa Lò Rèn được cấp chứng nhận vùng trồng. Nếu tính trung bình 1ha vú sữa Lò Rèn cho năng suất 14 tấn/vụ thì sản lượng xuất khẩu năm nay sẽ đạt gần 1.500 tấn.
"Tỉnh sẽ theo dõi sát các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu phát hiện doanh nghiệp nào xuất hàng vượt sản lượng đã đăng ký sẽ yêu cầu phải giải trình" - ông Hóa nói.
Ông Lê Văn Hưởng, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết năm đầu tiên Mỹ chấp thuận cho loại trái cây này vào thị trường của họ (2017) chỉ xuất được 176 tấn.
Năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim sang Mỹ phải tuân thủ đúng cam kết chỉ xuất sản lượng tính theo diện tích. Nếu doanh nghiệp nào gian dối trộn hàng không phải từ vùng trồng đã đăng ký sẽ bị xử lý nghiêm.
"Việc bảo vệ thương hiệu này đứng vững trên thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ sẽ tạo tiền đề cho các loại trái cây đặc sản khác của tỉnh như sapô Mặc Bắc, thanh long, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc... sẽ được xuất khẩu vào Mỹ" - ông Hưởng chia sẻ và khẳng định năm nay tỉnh có chủ trương siết chặt kiểm soát từ doanh nghiệp đến người dân khi họ tham gia xuất khẩu vú sữa Lò Rèn.
Mới cấp mã số vùng trồng 100ha
Ông Cao Văn Hóa, phó giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, cho biết năm 2008 vùng trồng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim có khoảng 3.200ha. Sau 10 năm, diện tích vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã giảm đến 2.700ha.
Hiện vùng trồng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn khoảng 500ha, năng suất bình quân 14 tấn/ha. Song, diện tích ngành chức năng cấp mã số vùng trồng chỉ hơn 100ha.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận