Trên các diễn đàn thu hút đông đảo người tham gia như voz, webtretho, haiv… các chủ đề về scandal của nhân vật nổi tiếng nào đó luôn có nhiều luồng dư luận trái chiều, đấu đá nhau kịch liệt.
Vừa "ném đá" vừa lượm tiền
Ít ai biết rằng đa số những cuộc đấu đá trên đều là kịch bản được dựng sẵn, với một đội ngũ “chiến binh bàn phím” hùng hậu chia thành nhiều phe và tự đánh lẫn nhau. Họ còn được gọi là dư luận viên, nhiệm vụ duy nhất là đi "ném đá" để cuộc chiến ảo càng gay cấn, kịch liệt càng tốt.
“Bố mẹ không biết, chứ nếu biết mình là tác nhân góp phần đưa một số thể loại quái lạ trở thành nổi tiếng thì chắc cấm túc Internet ngay. Nhiều bạn hồi trước làm chung với mình bây giờ thành “côn đồ” trên mạng, hung hăng về lời lẽ. Gọi là say việc thì buồn cười, nhưng đúng là có nhiều bạn từ giả vờ thành thật, sẵn sàng mỉa mai, thóa mạ và chửi bới bất cứ ai có quan điểm trái chiều”. Trần tình của dư luận viên A.D. |
Việc "ném đá" qua lại này không những duy trì chủ đề luôn hiện lên trang đầu mà còn khiến nhân vật tăng thêm độ hot.
A.D., một dư luận viên có “nghề” cho biết đa số các bạn nhận việc "ném đá" này là sinh viên bởi họ có nhiều thời gian rảnh, công việc này không tốn công đi lại và tiền công cũng kha khá.
A.D. từ chối cho biết bên trả tiền cho những dư luận viên, chỉ tiết lộ mức lương hiện tại của bạn là 50.000 đồng/ngày với điều kiện phải đăng được 50 bình luận trên 4 diễn đàn khác nhau.
A.D. đang làm cho hai nơi, nhẩm tính lương tháng này được nhận trên 3 triệu đồng.
Còn M.T. tự nhận mình là dư luận viên cấp thấp, chỉ đi khen chứ không đủ "trình độ" để lao vào những cuộc đấu võ bàn phím. Nhiệm vụ của M.T là vào các trang bán hàng của chủ trên Facebook, trên các diễn đàn mua bán để khen sản phẩm dùng tốt, đẹp, bền, rẻ… M.T đang nhận việc “khen” cho 8 sản phẩm khác nhau, tổng thu nhập khoảng 1,6 triệu một tháng.
M.T. cho biết khách hàng cần khen nhiều nhất là các chủ bán hàng kem tắm trắng lột da, mỹ phẩm tự chế… “Đi khen người ta nhưng nói thật, mình cũng chẳng bao giờ tin và dám dùng những sản phẩm như thế. Nếu là hàng tốt, người ta đã không phải thuê mình giả bộ khen” - M.T. nói.
A.D. cũng nói làm việc này được một thời gian rồi đâm ra nghi ngờ mọi thứ, nhìn ai cũng đặt câu hỏi “thật hay giả?” hết sức mệt mỏi.
Bán “sự lắng nghe”
“Bạn đang trăm mối tơ vò/Cứ gọi cho tớ, nửa giờ là xong” - đó là lời rao của nhân vật tên "chị Thanh Tâm" trên diễn đàn rao vặt. Khi liên hệ mới biết “chị Thanh Tâm” thực chất là bạn gái tên Kiều Liên, sinh viên ngành tâm lý học của một trường đại học tại Hà Nội. Liên nói nghề của mình là bán sự “lắng nghe” - điều nhiều người đang cảm thấy thiếu.
Khách hàng của Liên chủ yếu là học sinh cấp II, cấp III, số ít khác là dân công sở. “Làm công việc này một thời gian mới thấy các bậc phụ huynh bây giờ quá thiếu thốn thời gian cho con mình. Con có kinh nguyệt, bị điểm kém, bị loại khỏi đội tuyển thi môn chuyên, phải lòng một bạn cùng lớp… toàn những vấn đề mà đáng lẽ ra cha mẹ phải là người lắng nghe hơn ai hết”.
Kiều Liên bán “sự lắng nghe” với giá 50.000 đồng, thanh toán qua thẻ điện thoại. Sau khi nhận thẻ, Liên sẽ gọi lại cho bạn đó để nghe bạn nói chuyện. Liên sử dụng các dịch vụ gọi điện thoại giá rẻ của các nhà mạng, mỗi cuộc gọi kéo dài 15-20 phút. Mỗi tháng Liên bỏ túi được 2 triệu đồng cùng với một bồ kinh nghiệm tâm lý học.
Sự cố hi hữu nhất là một khách hàng 17 tuổi nhờ Liên… chép lại di chúc. Khách hàng ở TP.HCM, lại vừa khóc vừa nói khiến Liên chỉ nghe được đại ý bạn đó muốn tự tử vì cha mẹ mới chia tay, muốn để lại di chúc mong cha mẹ quay lại với nhau để nuôi dạy cậu em trai 11 tuổi. Vận dụng mọi lời lẽ và chiến thuật tâm lý, Liên mới thuyết phục được khách hàng từ bỏ ý định tự tử.
Sau đó một thời gian ngắn, khách hàng đó gọi lại cho Liên, thông báo gia đình đã đoàn tụ vì mẹ vô tình nghe được cuộc điện thoại đòi tự tử hôm nào. Liên chia sẻ: “Đấy là phi vụ tư vấn tâm lý lỗ lớn, nhưng lời lãi được hạnh phúc cả một gia đình”.
Phóng to |
Những quảng cáo nhận đăng bài, đăng bình luận, "ném đá"... dạng này tràn lan trên các trang rao vặt |
Phóng to |
Một lời sao trên mạng về dịch vụ lắng nghe |
Phóng to |
Bạn trẻ làm công việc chơi đùa với chó cưng - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Chơi đùa với chó cưng
Trong khi đó, một số bạn khác kiếm tiền bằng nghề khác.
Nhà anh Minh Tiến ở Q.7 (TP.HCM) nuôi một “em” bulldog quý tộc, được anh Tiến mua từ Anh đem về Việt Nam. Anh Tiến cho biết: “Giống bulldog rất vui vẻ và quấn quýt người, nhưng nếu không thường xuyên chơi đùa nó dễ buồn, dẫn đến trầm cảm, bỏ ăn, ốm và chết”. Vì bận rộn công việc, anh Tiến thuê một sinh viên chỉ để dắt chó cưng đi dạo, chơi đùa hằng ngày.
Theo lời anh Tiến, trên các diễn đàn thú nuôi như yeuthucung, vietpet…, dịch vụ dắt chó đi dạo, dạy chó chơi trò chơi, tắm rửa, sấy chải lông cho chó ngày càng nhiều. Người làm dịch vụ chủ yếu là sinh viên, học sinh nhiều thời gian rảnh, tranh thủ dịp hè kiếm thêm.
Được biết như một người chăm chó rất mát tay, Mai Hạnh cho biết lịch làm việc trong hè của mình dày đặc. Mỗi ngày Hạnh phải chạy tới 3 nhà khác nhau trong thành phố để chơi với chó cưng. Hạnh nhận thù lao 350.000 đồng/tuần cho mỗi chú chó, chưa kể khoản thưởng thêm.
Hạnh rất rành rẽ đặc tính của từng giống chó, thậm chí còn khoe mấy vết sẹo lớn nhỏ, dấu tích của những lần “làm quen” chó mới. Theo Hạnh, công việc nghe thì nhàn hạ nhưng phải cực kỳ kiên nhẫn. Có chú chó bị chủ ít quan tâm suốt thời gian dài nên sinh ra khó tính, cục cằn, không muốn tiếp xúc với người.
Gặp trường hợp như vậy Hạnh phải dành nhiều ngày ngồi nói chuyện từ xa, dụ bằng đồ ăn ngon và tìm cách chơi trò chơi chúng thích. Mệt nhất là những giống chó cần vận động, mỗi lần chạy bộ với chúng về nhà được phen cả người đau ê ẩm.
“Nhưng đây vẫn là công việc hấp dẫn với mình, vừa có tiền, vừa được chơi cả ngày với loài vật mình yêu nhất” - Hạnh thích thú chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận