TTCT- Khoảng giữa những năm 1980, Nhà nước đột ngột bỏ bao cấp. Đó là thời ông Tố Hữu làm phó thủ tướng, tiền lạm phát mất giá từng ngày. Bảo là đột ngột nghe cho văn vẻ thôi chứ lúc ấy ngân khố rỗng tuếch, muốn bao cũng chẳng có sức mà bao, nên Nhà nước đành buông. Tranh: Lê Thiết Cương Cán bộ viên chức ăn lương khốn đốn tìm đường kiếm sống trong cảnh đói no thất thường. Các cơ quan phải nghĩ ra việc làm thêm. Hầu hết ngơ ngẩn như đám gà công nghiệp, chẳng biết làm gì. Một hôm, đứng ở sân cơ quan, ông kế toán trưởng ngửa mặt lên trời than: Giờ có ba vạn đôla để kinh doanh thì mới gỡ được thế bí. Tôi ngứa mồm hỏi: có ba vạn đô ông kinh doanh gì? Ông ta bảo có tiền thì thiếu gì cách kinh doanh. Tôi bảo người biết kinh doanh thì có mười nghìn cũng là vốn. Còn ông nói ba vạn đô kinh doanh để cuối năm lãi vài trăm nghìn thì đó là kinh doanh cái ba vạn chín nghìn... Tôi hiểu kinh doanh thì phải có vốn. Nhưng vốn không phải là tiền. Vốn là hiểu môi trường kinh doanh, mặt hàng kinh doanh, khả năng tiếp thị, đáp ứng thị trường, rồi còn các mối quan hệ bạn hàng và hiểu biết luật pháp nữa... Tiền không phải là vốn mà là phương tiện cuối cùng để thực hiện việc kinh doanh. Tiền thì vay được, còn kinh doanh được hay không thì các điều kiện kia mới là mấu chốt. Nghe vậy, ông kế toán trưởng vằn mắt nhìn tôi khiêu khích: Ông chỉ là họa sĩ, biết đếch gì về kinh doanh, người ta học ngành ngân hàng ra mà còn chưa xoay xở nổi đây này. Đây nói có tiền thì xong tất chả có gì khó. Từ câu chuyện ngẫu nhiên đó, về nhà tôi đâm suy nghĩ. Phải làm cái gì đó để chứng minh mình nghĩ đúng. Trước đó tôi vẽ tranh, một năm may ra bán được một hai bức. Tiền bán một tranh thì to nhưng chi tiêu trong gia đình năm người thì như muối bỏ bể. Có lần nhà tôi bảo: Này anh, bức tranh anh bán vừa rồi được ba năm lương đấy. Lúc ấy lương tôi 72 hay 74 đồng, không nhớ nữa, mà tranh bán được ba ngàn đồng. Nhưng vẫn đói. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Bao nhiêu thứ chi nên thiếu vẫn hoàn thiếu. Giữa lúc đó chị Mỹ, một người bạn vong niên biết gia cảnh gọi tôi bảo: Cậu làm cho ba ngàn tấm thiệp lụa pốt-xoa, mẫu có rồi, giấy đế cũng đủ rồi, làm lấy tiền nuôi con. Loay hoay một tuần không làm nổi, tôi đành trả lại cho chị. Tôi không có kỹ năng về công việc này. Vẫn đói. Nhưng tôi vẫn nhớ chuyện làm bưu thiếp. Việc này có thể tranh thủ tất cả thời gian rỗng trong ngày. Tôi quay sang vẽ bưu thiếp bán. Lúc này tôi nghĩ: mười người vẽ may ra mới có một người mua tranh, còn bưu thiếp là nhặt những đồng tiền lẻ cuối cùng của những người du lịch. Mười người nuôi một thì lo gì đói nữa. Tôi đã chọn đúng hướng, bưu thiếp dù tiền rất mọn, nhưng vẽ cái nào bán cái nấy. Hồi đó họa sĩ xịn không ai làm việc này, đói vẫn chỉ nghĩ đến sáng tác, làm tác phẩm, hão mà không biết. Có lần một đàn em, họa sĩ Trần Nguyên Hiếu thân tình bảo: “Sao anh không vẽ tranh, tuần nào cũng thấy anh đi bỏ hàng và nhặt tiền lẻ, em thấy nhếch nhác và phí quá”. Ý chú là phí thời gian, sao không dành để vẽ tranh. Tôi không nói gì, chú ấy không biết gia đình tôi không những bước ra khỏi cảnh chạy ăn từng bữa bằng hàng bưu thiếp, mà còn thừa dự trữ. Rồi một hôm tôi nghĩ đến chuyện tranh luận với kế toán, tôi thử xem suy nghĩ có chuẩn không. Tối, tôi bàn với vợ: Anh sẽ thử kinh doanh một mặt hàng, giờ có sáu mươi ngàn trong tủ, em để nguyên cho anh làm vốn, thiếu thì mượn chỗ khác chi tiêu. Đầu tiên tôi rút hơn 10.000 mua hai chục tờ giấy phấn 79x109 loại 125 gram/m. Mỗi tờ pha được 24 đế bưu thiếp. Tổng cộng 20 tờ được 480 cái. Tối tối tranh thủ vẽ trên giấy dó những bức tranh xinh xắn với kích cỡ 7x5cm dán lên đế. Cách vạch khuôn nổi do chú Vượng trong cơ quan bảo cách. Tôi chỉ ghi tiền mua vật liệu, còn tiền bán hàng thu về gói ném vào góc tủ. Sáu tháng sau, gom cả đống tiền cho vợ đếm, tổng cộng được một triệu tám trăm ngàn, trừ 200.000 tiền mua vật liệu, thành quả là một triệu sáu trong sáu tháng. Vậy là lương làm thêm buổi tối cũng được trên 266.000 đồng/tháng, trong khi lương ở cơ quan có 38.000 đồng/tháng. Đó là thời gian cuối những năm 1980. Cứ 10 tờ giấy phấn 79x109 mua mất 6.000 đồng, làm hàng thu về 480.000 đồng. Thế là tôi gạn chắt thì giờ vẽ thiệp, thiết kế nhiều loại, có loại cầu kỳ bán lên 100.000. Hầu như ngày nào cũng thu được tiền hàng. Có những món gửi sáng chiều đã bán hết. Hồi ấy hàng bưu thiếp ít người làm, vẽ không kịp nhu cầu. Tôi dốc sức âm thầm làm việc. May là cũng có vợ giúp cho những công đoạn đơn giản. Vào những tháng 11, 12 giáp ngày Noel, đột biến có tháng thu đến 6,5 triệu đồng, bình thường vẫn 3-4 triệu vì có đến cả chục chủng loại thiệp làm tay từ giấy dó, với đủ cữ giá khác nhau. Tôi mua chiếc xe máy DD đầu tiên bằng tiền bán bưu thiếp. Bất ngờ đạt được giấc mơ từ những đồng tiền bé, từ 12.000 đồng tiền vốn và nhân lên từ đó. Tôi đã đúng khi cãi nhau với kế toán trưởng về kinh doanh và vốn. Đó là những ngày kiếm sống đầu tiên khi bao cấp tan rã.■ Tags: Kiếm sống
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
TP.HCM thưởng Tết cao nhất 1,9 tỉ đồng từ một doanh nghiệp vốn nước ngoài VŨ THỦY 23/12/2024 Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM về tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mức thưởng Tết cao nhất năm nay là 1,908 tỉ đồng từ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Chính thức: Trả gộp lương hưu 2 tháng đầu năm 2025 trước Tết HÀ QUÂN 23/12/2024 Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thông báo về chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội gộp 2 tháng đầu năm 2025 trước Tết Nguyên đán.
Người phụ nữ trong clip đẩy thùng rác ra giữa đường Nha Trang rồi lái xe hơi bỏ đi nói gì? NGUYỄN HOÀNG 23/12/2024 UBND phường Tân Tiến (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang xác minh để xử lý theo đúng quy định vụ một phụ nữ đẩy thùng rác ra giữa đường rồi lái xe đi.
Đàm Vĩnh Hưng rút đơn kiện tỉ phú Gerard Williams vì sợ công khai hồ sơ thuế? HOÀI PHƯƠNG 23/12/2024 Trong đơn kiện ngược, luật sư của ông Gerard Williams đưa ra bằng chứng Đàm Vĩnh Hưng vẫn nhảy múa vui vẻ sau tai nạn, chứ "không tàn phế".