Bộ Công thương đề nghị hạn chế xuất khẩu thép. Ảnh bên trong nhà máy sản xuất thép của doanh nghiệp - Ảnh: N.AN
Bộ Công thương cho biết giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao đã làm giá thép thành phẩm tăng theo, gây ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất liên quan sử dụng sản phẩm thép.
Cụ thể, giá quặng nguyên liệu đã tăng trên 220 USD/tấn vào ngày 10-5-2021, phá vỡ kỷ lục cũ là 194 USD/tấn cách đây hơn 1 thập kỷ khiến giá thép phế đã tăng gần gấp đôi trong vòng hơn 9 tháng qua.
Trong khi đó, lượng tiêu thụ thép tăng mạnh trên toàn cầu, trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục sau cú sốc COVID-19, đang đưa giá quặng sắt tiến tới mức cao chưa từng có tiền lệ. Các mỏ quặng lớn đang hoạt động hết công suất nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu. Đáng chú ý, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới là Trung Quốc đang có một số động thái làm giảm lượng xuất khẩu.
Bộ Công thương cho hay ngành thép của Việt Nam cơ bản phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài nên khi giá các nguyên liệu đầu vào biến động sẽ làm giá thép thành phẩm trong nước cũng phải điều chỉnh theo.
Trước tình hình đó, Bộ Công thương cho hay đã có văn bản báo cáo Chính phủ và kiến nghị chỉ đạo cơ quan liên quan một số giải pháp nhằm ổn định cung - cầu và giá thép trong nước trong năm 2021.
Đáng chú ý, cơ quan này muốn triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại, trong đó theo dõi và xem xử lý việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ Công thương cho hay đã kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu. Đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.
Mặt bằng giá mới có thể được thiết lập
Cũng theo đánh giá từ Hiệp hội Thép Việt Nam, xu hướng diễn biến giá cả nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm 2021 sẽ có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính 2008.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận