Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh
Chọn cách tiếp cận, không chọn bên
Cùng lúc này, sự cạnh tranh giữa các nước lớn vẫn diễn ra bên cạnh những cuộc khủng hoảng - bao gồm khủng hoảng vũ trang - tạo ra hệ lụy về trật tự thế giới lẫn tình hình thương mại. Ngoài ra, các thách thức an ninh phi truyền thống cũng nổi lên. Ngoài dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu trở thành điểm nóng.
Trong khi đó, nội bộ ASEAN cũng gặp một số thách thức, đơn cử là vấn đề Myanmar và mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN 2025.
Mối quan tâm lớn nhất của ASEAN và đối tác sẽ là phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng. ASEAN cũng phải xử lý các điểm nóng liên quan tới hòa bình, an ninh, như câu chuyện Myanmar, eo biển Đài Loan, hệ lụy của tình hình Ukraine và kể cả vấn đề Triều Tiên.
Và tất nhiên ASEAN cũng phải đối diện với một vấn đề lâu dài là áp lực "chọn bên" trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc. ASEAN khẳng định không muốn chọn bên, nhưng đồng thời phải có tiếng nói chủ động với căn cứ là nguyên tắc của ASEAN và luật pháp quốc tế.
Đáp ứng được yêu cầu hợp tác với nhiều bên nhưng vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc của ASEAN cũng là điểm mấu chốt cho việc xây dựng cộng đồng trong thời kỳ mới, đặc biệt khi cột mốc 2025 đã đến rất gần.
Nói cách khác, ASEAN hiện nay muốn hợp tác được với tất cả các bên nhưng đồng thời phải chọn một cách tiếp cận, một tầm nhìn hợp lý cho các sáng kiến đôi khi xung đột nhau ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Lấy ví dụ, ở cuộc cạnh tranh công nghệ, ASEAN cần hợp tác công nghệ với mọi bên để phát triển kinh tế, và vì vậy "không chọn bên nhưng không đồng nghĩa không được chọn sản phẩm". Điều gì phù hợp với lợi ích quốc gia sẽ phải được ưu tiên.
Thách thức và cơ hội
Việt Nam luôn xem vai trò của ASEAN và hợp tác giữa ASEAN với các nước là ưu tiên trong chính sách đối ngoại và chắc chắn sẽ tham gia đóng góp chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong vấn đề này.
Do đó việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao ASEAN 2022, trước hết Việt Nam sẽ tìm cách tăng cường vai trò của ASEAN, trong đó có vai trò đối với các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và phát triển.
Thứ hai, Việt Nam ưu tiên đóng góp vào việc tăng cường tình đoàn kết và xây dựng nội lực. Thứ ba, Việt Nam và ASEAN đều ưu tiên hợp tác chủ động với các đối tác để giải quyết những thách thức cấp bách hiện nay như phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế, các thách thức an ninh...
Các thách thức trên cũng đi cùng cơ hội và đây là dịp để Việt Nam chia sẻ tầm nhìn, thúc đẩy các chương trình nghị sự tận dụng cơ hội ấy. Các cuộc tiếp xúc song phương trong chuỗi hội nghị này là lúc Việt Nam chia sẻ quan điểm về chính sách đối ngoại.
Thế giới càng phức tạp, cạnh tranh càng gắt gao thì độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa càng quan trọng. Thêm vào đó, Việt Nam sẽ ưu tiên hợp tác phát triển chất lượng, nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam cũng như ASEAN nói chung.
Những thách thức hiện nay đòi hỏi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không chỉ cần thích ứng với tình hình mới, mà còn có thể chủ động phát huy vai trò để nắm bắt thời cơ.
Không chỉ là "thích ứng"
Trong bối cảnh hiện nay, khi kỳ vọng từ khu vực và quốc tế dành cho ASEAN ngày càng cao, sự chú ý về cách ASEAN xử lý thách thức sẽ càng lớn, ví như Biển Đông, Myanmar, cạnh tranh Mỹ - Trung và cả tình hình Ukraine.
ASEAN đã từng và chắc chắn tiếp tục thể hiện các nguyên tắc quan trọng như tuân thủ luật pháp quốc tế, lợi ích chung của khu vực và mong muốn quan hệ tốt với các bên.
Để làm được điều này trong một thế giới phức tạp, ASEAN sẽ cần nhiều hơn hai chữ "thích ứng" - vốn được nhấn mạnh trong suốt đại dịch vừa qua.
Thay vào đó, ASEAN có thể phát huy tính chủ động để đề ra giải pháp, trong đó không chỉ vượt qua khó khăn mà còn tranh thủ được cơ hội từ các thách thức ấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận