Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền tâm sự rằng ông cùng với Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh là những người tham mưu khởi soạn dự luật về phòng chống tham nhũng khi tóc còn xanh, đến nay cả hai đã sắp về hưu rồi mà nhiều vấn đề đặt ra vẫn loay hoay mãi.
Trong không ít những vấn đề cơ bản mà VN vẫn loay hoay thì trên thế giới đã thành thông lệ, ví dụ như việc xử lý tài sản bất minh của quan chức (tài sản cố ý kê khai thiếu trung thực, che giấu; tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp...).
Chính vì vậy, tại các cuộc hội thảo trước đây, chuyên gia quốc tế đã bình luận Luật phòng chống tham nhũng của VN như "cọp không răng", có nghĩa luật quy định chế tài xử phạt rất nặng nhưng các biện pháp phòng ngừa, truy cứu lại thiếu tính khả thi.
Trở lại với đề xuất của Chính phủ, nhiều người mới nghe qua đã phản ứng: tại sao tài sản bất minh mà chỉ thu thuế (thuế thu nhập cá nhân) 45%? Thậm chí có ý kiến gay gắt: tài sản ăn cắp tại sao không tịch thu toàn bộ mà chỉ thu thuế có phân nửa?
Về điều này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã giải thích rõ: việc truy thu thuế 45% với tài sản bất minh không loại trừ với các biện pháp hình sự nếu phát hiện các tài sản đó do tham nhũng, phạm pháp mà có.
Trong trường hợp chứng minh người sở hữu tài sản có hành vi phạm tội và tài sản đó do phạm tội mà có thì sẽ tịch thu.
Việc phân biệt giữa tài sản bất minh (bị đánh thuế) với tài sản phạm pháp (bị tịch thu), trong nhiều trường hợp là không hề đơn giản.
Cũng có những ý kiến đề nghị phải cẩn trọng khi xử lý tài sản cá nhân, bởi Hiến pháp quy định quyền tư hữu là một trong những quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm.
Xin nhớ rằng, bảo hộ tư hữu là quyền hiến định, nhưng hẳn là không hiến pháp nào bảo hộ những tài sản bất hợp pháp và cũng không thể bảo hộ toàn vẹn đối với những tài sản bất minh.
Trên thế giới, thuế được coi là một trong những công cụ phòng chống phạm pháp và tham nhũng có hiệu quả.
Vấn đề còn lại là làm thế nào để điều luật trên có tính khả thi, khiến mọi tài sản bất minh của quan chức phải bị lộ ra ngoài ánh sáng, khiến những kẻ ngồi ghế quan viên làm giàu bất chính không thể bỡn cợt dư luận bằng cách giải thích đất vàng nọ, biệt phủ kia, siêu xe ấy là do chạy xe ôm, bán chổi đót... mà có.
Muốn như vậy, luật phải quy định các giải pháp đồng bộ và khả thi khác, ví dụ phải công khai rộng rãi bản kê khai tài sản quan chức để báo chí, dư luận có quyền giám sát khi cần thiết; quan chức phải giải trình công khai về những tài sản bị nghi vấn.
Việc giao dịch bằng tài khoản và các công cụ kiểm soát giao dịch cần thúc đẩy nhanh hơn.
Thậm chí có ý kiến đề nghị VN nên thực hiện một cuộc cách mạng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi công dân bằng cách tiến hành cuộc tổng kiểm kê, đăng ký tài sản, làm nền tảng cho việc kiểm soát sự dịch chuyển của các khối tài sản trong xã hội.
Đây không phải là việc làm đơn giản, nhưng thiết nghĩ nếu Nhà nước thực sự quyết tâm, với vận động, giải thích đúng đắn thì nhân dân sẽ ủng hộ, bởi đa số người dân đều "ghét thói mọt như nhà nông ghét cỏ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận