17/05/2016 14:34 GMT+7

​Kiểm soát mặn, trữ ngọt để ứng phó biến đổi khí hậu

KHOA NAM
KHOA NAM

TTO - Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ sáng 17-5, UBND tỉnh Kiên Giang đã phản ánh khó khăn nhất của tỉnh hiện nay là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng thấy.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng các địa phương nên kiểm soát mặn, trữ ngọt để ứng phó biến đổi khí hậu - Ảnh: K.Nam

Ông Trần Quang Củi - phó giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang - cho biết đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có trên 56.500ha lúa mùa và lúa đông xuân bị thiệt hại. Tỉnh đã xuất ngân sách trên 108 tỉ đồng hỗ trợ nông dân mua lúa giống để khôi phục sản xuất.

Ngoài ra, từ đầu năm tới nay do nắng hạn gay gắt, cộng thêm lượng nước từ thượng nguồn đổ về thấp kỷ lục so với trung bình nhiều năm khiến độ mặn trong nước tại các vùng nuôi tôm luân canh ở vùng U Minh Thượng tăng rất cao.

Tính tới thời điểm này, bốn huyện: An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận đã thống kê có trên 13.000ha diện tích nuôi tôm bị thiệt hại nặng nề.

Để khắc phục phần nào hậu quả của đợt hạn hán 2015-2016, tỉnh Kiên Giang đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ trên 565,5 tỉ đồng, trong đó có 102 tỉ hỗ trợ cấp bách cho 40.000ha lúa đông xuân vừa qua và vụ hè thu sắp tới.

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chính phủ bố trí vốn trung hạn cho các dự án xây dựng cống trọng điểm là: cống Kênh Nhánh (TP Rạch Giá); cống Tà Niên, Vàm Bà Lịch (huyện Châu Thành); cống sông Cái Lớn, sông Cái Bé (huyện An Biên) và 24 cống trên đê biển từ huyện An Biên tới huyện An Minh.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhất trí về mặt chủ trương với các dự án ngăn mặn, ứng phó biến đổi khí hậu của Kiên Giang. Riêng các khoản hỗ trợ cấp bách, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính bố trí ngay.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định trong đợt hạn hán lịch sử đã và đang diễn ra, tỉnh Kiên Giang là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Về mặt giải pháp, Phó thủ tướng thống nhất với những gì các địa phương đã và đang triển khai là đắp đập tạm thời, làm cống ngăn mặn đi đôi với tích trữ nước ngọt.

“Giải pháp khả thi hiện nay là kiểm soát nước mặn, tích trữ nước ngọt. Nói kiểm soát mặn là bởi chúng ta vẫn cần có nước biển để nuôi hải sản, nhưng khi cần phải ngăn mặn, giữ ngọt để trồng lúa, hoa màu.

Các cống lớn như hai cống trên sông Cái Lớn, Cái Bé còn điều tiết nước cho cả vùng, cho nên đề nghị Bộ NN&PTNT đưa vào cân đối nguồn vốn trung hạn giai đoạn sắp tới” - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Cống Sông Kiên - một trong những công trình kiểm soát mặn quan trọng của bán đảo Rạch Giá - sắp hoàn thành -  Ảnh: K.Nam

Dự án nhiệt điện Kiên Lương không còn cần thiết

Cũng tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, ông Huỳnh Văn Gành - giám đốc Sở Công thương Kiên Giang - đã bức xúc nêu ý kiến đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành trả lời dứt khoát về “số phận” dự án xây dựng Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương (tại thị trấn Ba Hòn, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) do Tập đoàn Tân Tạo làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng nguồn vốn trên 6 tỉ USD, đã đình trệ hơn 8 năm nay.

Theo ông Gành, nguyên nhân kiến nghị nói trên do dự án nhiệt điện Kiên Lương không được đề cập trong quyết định 428 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030” vừa ban hành.

Mặt khác, dự án này sử dụng nhiên liệu than rất ô nhiễm. Nếu dự án triển khai, sẽ không thể phát triển du lịch cả vùng Kiên Lương - Hà Tiên - Phú Quốc. Chưa kể dự án còn cần trưng dụng phần lớn đảo Nam Du để làm cảng trung chuyển than.

“Việc triển khai tiếp hay không phải trả lời sớm vì dự án thu hồi đất của dân rồi bỏ không mấy năm nay khiến người dân rất bức xúc” - ông Gành nói.

Nội dung kiến nghị này, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương trả lời cho địa phương bằng văn bản.

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên