Kiểm soát giá thuốc được không?

DANH ĐỨC 16/11/2003 18:11 GMT+7

TTCN - Những ngày qua, tại phiên chất vấn Quốc hội, các đại biểu đã có phần tranh luận rất gay gắt và quyết liệt những vấn đề xoay quanh giá thuốc, kiểm soát giá thuốc. Giá thuốc có kiểm soát được không? Chúng ta hãy nghe câu trả lời từ những thầy thuốc không biên giới: WHO, UNICEFT, MFS.



Từ kiểm soát giá cả trong nước ...

Có thể thấy, qua nhập đề cơ bản trên, thông điệp của WHO: nhiệm vụ của các chính phủ là “làm sao cho dân chúng có được thuốc trị bệnh” và trách nhiệm của các chính phủ là phải “nắm rõ giá cả dược phẩm (cho đến) giá bán đầu cuối”.

Chính vì thế, WHO mới phát hành rộng rãi cuốn cẩm nang dày 136 trang này ngay trên website của mình. Cẩm nang này, từ chương 2 đến chương 12, trình bày đủ các bước tiến hành nghiên cứu đo lường, theo dõi, kiểm soát giá cả chủ yếu trong thị trường nội địa.


Nếu muốn tìm ra phương cách sao cho dân chúng dễ “rớ” được đến dược phẩm điều trị, các chính phủ phải nắm rõ hơn giá cả, những chênh lệch giá cả, các yếu tố dẫn đến giá bán đầu cuối của một dược phẩm”.

Thông cáo báo chí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong phần mở đầu giới thiệu quyển cẩm nang Giá cả dược phẩm 2003 (Medicine Prices, a new approach to measurement 2003 edition).

Trong thông cáo báo chí giới thiệu cẩm nang này, WHO càng nêu rõ ý nghĩa liên quan đến trách nhiệm của các chính phủ trong việc kiểm soát giá dược phẩm qua mô tả thực trạng sau: “1/ 3 dân số thế giới thiếu khả năng tiếp cận các dược phẩm cần thiết. Theo các ước tính của WHO năm 2000, tình hình càng tồi tệ hơn tại các nước Á - Phi nghèo nhất, nơi mà hơn 50% dân số không thể có được thuốc men cần thiết (WHO/WTO 2001).


Có đến 90% dân số các quốc gia đang phát triển phải tự bỏ tiền túi ra mua thuốc trong khi tại các nước có thu nhập cao con số này chỉ là 20%. Tại các nước OECD (công nghiệp phát triển) các qui định giá cả dược phẩm gián tiếp hoặc trực tiếp vẫn còn hiệu lực; trong khi đó tại nhiều nước đang phát triển, các chính sách quốc gia về việc ấn định giá cả dược phẩm lại bị thả lỏng (tr7).

Thuế má, chi phí phân phối... thường cao, từ 30 - 45% giá bán lẻ, có khi lên đến 80% hoặc hơn. Giá cả còn bị ảnh hưởng trong trường hợp một nước có bảo vệ bằng sáng chế hay không, mức độ sản xuất của nền công nghiệp dược phẩm trong nước, tình trạng thiếu cạnh tranh giữa các hãng dược phẩm hoặc do tình trạng thiếu hoặc không có hệ thống kiểm soát giá cả (tr8).

WHO đã đề xuất một số gợi ý nghiên cứu (tr10):

- Giá mà dân chúng phải trả cho các dược phẩm thiết yếu là như thế nào?

- Cũng cùng những loại thuốc đó, giá cả khác biệt như thế nào và có dễ mua hay không giữa các cơ sở y tế công cộng, hiệu thuốc bán lẻ tư nhân, các cơ sở y tế khác?

- Khác biệt như thế nào giữa giá thuốc “sáng chế” và thuốc “có gốc tương đương”?

- So sánh giá cung ứng thuốc bán lẻ nội địa với giá tham khảo quốc tế?

- Thuế khóa các loại đến mức nào, tác động gì nơi giá thuốc, việc ghi giá bán tác động gì đến giá bán lẻ?

- Dân thường có khả năng mua thuốc đến đâu?...

Ngày 11-11-2003, tại Guatemala, bà Rigobeta Menchu (giữa) - giải Nobel hòa bình 1992 - cùng nữ tài tử nổi tiếng của Mexico, Araceli Arambula, khai trương một hiệu thuốc mới của bà trong hệ thống hiệu thuốc “dược phẩm tương tự” - nơi chỉ bán thuốc "sao chép" giá rẻ cho dân chúng

Cẩm nang này chắc không xa lạ gì với những người có trách nhiệm. Vấn đề là đã có bài bản của WHO, nhưng trong thực tế nó đã được áp dụng bao nhiêu hay mới chỉ dừng lại ở việc lập bảng danh mục mấy mươi loại thuốc thiết yếu?

Đối chiếu với thực tế ở VN, có thể không hồ nghi rằng đang có một sự thả lỏng giá dược phẩm, thả lỏng hệ thống phân phối, và nhất là tình trạng độc quyền nhập khẩu và cung cấp thuốc do một số công ty nước ngoài đang nắm trong tay.

Hậu quả là chi phí phân phối (hoa hồng cho các nấc trung gian, chi phí tiếp thị, quảng cáo, tiền lãi mặc định cho các nhà bán lẻ...) không thể dưới ngưỡng 30 - 45% giá bán lẻ như theo “khung” của WHO. 

Việc một số hãng thuốc ngoại vào đầu tháng mười này đã “biểu diễn” màn ghi giá bán ở mức tối đa dự trù cho các vùng sâu vùng xa, “trừ hao” cho những “chi phí phân phối” đến tận những nơi này, mà không hề bị “hỏi thăm sức khỏe” là một minh chứng cho sự thả nổi. 

Cũng đã có ý kiến phân trần trong buổi chất vấn tại Quốc hội sáng 12-11-2003 rằng “chúng ta hội nhập rồi, chúng ta có đưa ra những cái chế tài gì thì chúng ta cũng không thể vi phạm các luật lệ chung”... Thế nhưng, WHO đã khẳng định: “Giá dược phảm cần phải được giám sát” (tr8).

Đến nắm vững giá cả trên thị trường quốc tế...

Một trong những cái cớ thường nghe thanh minh là: các công ty đa quốc gia giấu kỹ giá thuốc của mình như... mèo giấu...

Một tài liệu được các tổ chức WHO, UNICEF, ONUSIDA, MSF phát hành tháng 5-2002 ghi: “Nguồn cung ứng và giá cả một số thuốc và bộ test chẩn đoán chọn lọc dành cho người đang sống với bệnh HIV/AIDS” (Sources et prix d'une sélection de médicaments et tests diagnostiques pour les personnes vivant avec le VIH/ SIDA) với mục đích giúp các nước nghèo tìm kiếm được nguồn thuốc điều trị HIV-AIDS một cách “sát giá” nhất.

Có thể sử dụng tài liệu này như một gợi ý tham khảo để điều tra giá thuốc trên thị trường quốc tế. Tuy tập trung vào các thuốc chủ yếu trị bệnh HIV/AIDS cùng các bệnh bội nhiễm kèm theo, song nó cũng cho thấy:

- Hoàn toàn có khả năng đánh giá về mặt giá cả của các nhà cung cấp dược phẩm quốc tế. Tài liệu trên đã đánh giá được tám nhà cung cấp, đang đánh giá 13 nhà cung cấp khác (tính đến thời điểm tháng 5-2002 khi tài liệu này được phổ biến).

- Giá cả các loại thuốc này, từ các nhóm thuốc chống virus, chống nhiễm, chống khuẩn... đến các nhóm thuốc thông dụng nhất như các thuốc giảm đau, chống trầm cảm, thuốc trị bệnh dạ dày - ruột thông thường (gần 20 nhóm thuốc khác nhau) đều có thể được tham khảo ở địa chỉ http://www.who/int/medecines hoặc http://erc.msh.org, chứ không phải là một “bí mật đa quốc gia” gì!

- Tại một số nước, giá cả được chính thức công bố. Tỉ như: ở Tây Ban Nha, nước được đánh giá là giá thuốc bán lẻ hạ nhất châu Âu, địa chỉ website tham khảo giá cả là http://www.cof.es hoặc http://www.canaldefarmacia.com; ở Anh là http://www.drugtariff.com hoặc http://www.doh.gov.uk/generics; châu Mỹ Latin là http://www.pmprb-cepmb.ca...

Ngoài ra, ngay trên website của WHO, còn có trang thông tin về giá thuốc (WHO Fact Sheet on Drug Price Information Services), công bố giá cả của các nguyên liệu ban đầu cho đến các thành phẩm.

Cũng phải kể đến website Tổ chức Khoa học quản lý sức khoẻ (Management Sciences for Health - MSH) ở địa chỉ: http://erc.msh.org/mainpage.cfm?file=1.1.htm&id=6115&temptitle=Why%20this%10Guide%3F&module=dmp&language=English

Chỉ cần vài cú nhấp chuột vào trang web này sẽ thấy hiện ra trên màn hình lời phi lộ:

“Cuốn Chỉ dẫn chỉ số giá cả dược phẩm quốc tế này (The International Drug Price Indicator Guide) đã được MSH công bố bởi từ năm 1986, cung cấp một bảng giá cả từ các nhà cung cấp dược phẩm cùng các cơ quan cung ứng dược phẩm, dựa trên các quyển catalog hiện thời của các cơ sở này hoặc các bảng giá.

Cuốn chỉ dẫn này cũng chứa đựng giá cả thu thập được từ các tổ chức phát triển quốc tế cùng các cơ quan chính phủ. Để đặt mua bản in của cuốn chỉ dẫn này, hãy đến nhà sách điện tử của MSH click vào eBookstore. Các dữ kiện từ các ấn bản các năm 1996, 1999, 2000, 2001 và 2002 được cung cấp trên mạng...

Chúng tôi hiện đang sử dụng số liệu của ấn bản năm 2002. Nếu có bất cứ câu hỏi nào về các dữ kiện trên mạng này, hoặc của các ấn bản trước hoặc bất cứ gì liên quan đến quyển sách này, xin vui lòng email cho chúng tôi ở địa chỉ [email protected].”.

Tất nhiên để truy cập chi tiết hơn từng loại thuốc, từng nhãn hiệu thuốc, phải có account của website này - chắc các vị có thẩm quyền thừa khả năng có account để truy cập. 

Thế nhưng, lời phi lộ tiếp theo cũng đủ để trả lời câu hỏi “giá thuốc có phải là một bí mật của các công ty đa quốc gia không?”. 

Câu trả lời của cuốn chỉ dẫn này: là “Cuốn Chỉ dẫn chỉ số giá cả dược phẩm quốc tế, đúng như tên gọi của nó, là một chỉ dẫn về giá cả trên thị trường quốc tế”.

Những nhà sáng lập ra MSH đã vì lý do gì mà lại mất công hoàn thành các quyển chỉ dẫn như thế? Câu trả lời của MSH: “MSH, cùng cộng tác với WHO, đang làm việc với các đối tác của mình để cho thông tin hiện có về giá cả dược phẩm có thể được tiếp cận một cách rộng rãi hơn nhằm cải thiện việc cung cấp thuốc men với giá thấp nhất song vẫn có chất lượng đảm bảo. 

Điều này sẽ đóng góp vào việc tiếp cận một cách công bằng các dịch vụ y tế, bao gồm cả các loại thuốc thiết yếu, cần thiết cho việc ngừa bệnh và trị bệnh”.

Các khuyến cáo của MSH không thừa: “Có thể đạt đến giá thấp bằng cách mua số lượng lớn, qua cạnh tranh, bằng thương thuyết khéo léo và quản lý sự cung cấp một cách rõ ràng. Thông tin so sánh về giá cả là quan trọng để có được giá hời nhất”. 

Không biết MSH quan niệm như thế nào về y đức, song ít nhất họ cũng đã tâm niệm công việc của mình là “một đóng góp vào việc làm cho các loại thuốc thiết yếu đến tay mọi công dân thế giới” và MSH nói là làm.

Có cách nào "trị các công ty đa quốc gia?

Từ các cuốn chỉ dẫn trên, có thể thấy giá thuốc không thể là bí mật của các công ty đa quốc gia. Mặt khác, cũng không thể than thở rằng “các công ty đa quốc gia quá mạnh” để thả nổi giá cả. Một minh chứng hùng hồn: các loại thuốc gọi là “thuốc gốc” (génériques, nôm na hiểu là thuốc “sao chép” từ một công thức gốc) nhập khẩu từ châu Á lại đắt gần ngang thuốc “dzin” của các viện bào chế chính gốc Âu - Mỹ!

Trong khi đó, WHO lại cổ xúy cho việc sử dụng các thuốc “sao chép” này vốn dĩ giá bán phải rẻ hơn gấp bội do không (còn) phải trả tiền bản quyền sáng chế.

Tại nhiều nước, chính sự xuất hiện của các thuốc “sao chép” đã đưa giá các thuốc “sáng chế” xuống thấp. Như tại Pháp, chỉ vài tháng sau khi chính phủ loan báo sẽ chỉ hoàn trả tiền thuốc bảo hiểm y tế cho 70 nhóm dược phẩm (tổng cộng hơn 450 biệt dược khác nhau) theo một khung giá “khoán” căn cứ trên giá của các thuốc “sao chép”, thì một số đại công ty như MSD-Chibret, Sanofi-Synthelabo, BMS-Upsa, Cephalon... đã hạ giá thuốc “dzin” của mình ngang với bảng giá “khoán”.

Thế là nay các thuốc đặc hiệu như Buspar, Cefaperos, Ditropan, Dogmatil, Exacyl, Primpéran, Tiapridal, Lexomil, Ocracefal, Renitec, Sotalx, Spasfon Lyoc... đã được bán với giá của thuốc “sao chép” (nguồn: Doctissimo). Chưa hết, nhờ “chiến dịch” của bác sĩ Dirk Van Duppen mà giá các thuốc chống cholestérol đã giảm đến 50%.

Tiếc thay, trong khi giá thuốc “sao chép” trên thế giới thấp hơn giá thuốc “dzin”, thậm chí được dùng làm bàn đạp để cho các chính phủ “trị” các công ty đa quốc gia, buộc họ hạ giá, thì tại VN giá một số thuốc “sao chép”, nhất là những sản phẩm từ các nước châu Á, lại hầu như ngang giá thuốc “dzin”.

Dường như vấn đề không phải ở nơi người, mà nơi chính ta.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận