16/02/2025 05:31 GMT+7

Kiểm soát dư lượng hóa chất trong trái cây: phải làm từ gốc, phối hợp với công an

Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các cục chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: sử dụng giấy chứng thư kiểm dịch thực vật giả, làm giả các kết quả kiểm nghiệm để làm thủ tục thông quan, xuất khẩu trái cây.

Phải kiểm soát chặt dư lượng hóa chất - Ảnh 1.

Hàng hóa nông sản, trái cây xuất khẩu tại một cửa khẩu phía Bắc - Ảnh: C.TUỆ

Ông Hoàng Trung - thứ trưởng Bộ NN&PTNT - đã cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về các biện pháp nhằm kiểm soát chất lượng trái cây trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc, sau khi phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc áp dụng một số biện pháp bổ sung đối với các loại trái cây Việt Nam xuất sang thị trường này.

Ông Trung nói: Bộ NN&PTNT cũng phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nếu bạn phát hiện vi phạm hay cảnh báo lô hàng nào, phía Việt Nam sẽ lập tức thu hồi, dừng xuất khẩu các mã số vi phạm.

Tuyệt đối không sử dụng hóa chất bị cấm

* Cụ thể, cơ quan chức năng Việt Nam đã có phản ứng gì?

- Ngay sau khi nhận được thông báo, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật tích cực phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để phía bạn công nhận các phòng kiểm định. Đến nay đã có 9 phòng kiểm định được Trung Quốc công nhận.

Ngoài ra, bộ đã gửi thêm 6 hồ sơ để phía bạn phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong bối cảnh sầu riêng cùng nhiều loại trái cây Việt Nam đang thu hoạch và sắp thu hoạch với lượng rất dồi dào.

Bộ cũng đã chỉ đạo các cục chuyên ngành phối hợp với các địa phương triển khai ngay các mô hình quản lý an toàn thực phẩm nông sản, đặc biệt là việc sử dụng hóa chất từ các vùng trồng, cơ sở đóng gói. Các địa phương có trái cây xuất khẩu đang tích cực triển khai việc này.

Chúng tôi cũng yêu cầu các cục chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để xử lý nghiêm các hành vi như sử dụng giấy chứng thư kiểm dịch thực vật giả, làm giả các kết quả kiểm nghiệm để làm thủ tục thông quan.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nếu bạn phát hiện vi phạm, cảnh báo lô hàng nào, phía Việt Nam sẽ lập tức thu hồi, dừng xuất khẩu các mã số vi phạm.

* Một số doanh nghiệp còn e dè xuất khẩu trở lại do lo ngại khâu hậu kiểm của phía Trung Quốc, ông có khuyến cáo gì với các doanh nghiệp?

- Theo thông tin từ cơ quan kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu báo cáo về hằng ngày, các xe trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng đều bảo đảm thủ tục kiểm dịch nhanh chóng, đều xuất khẩu được, không có một xe hàng nào bị ách tắc tại cửa khẩu.

Còn khi xuất khẩu sang Trung Quốc, phía bạn kiểm tra theo quy định, việc có vi phạm hay không thì theo từng thời gian, phía bạn sẽ trao đổi, thông báo cho chúng ta. Khi đó, bộ sẽ tiếp tục phối hợp để có giải pháp khắc phục đối với những trường hợp làm chưa tốt.

Tuy nhiên người dân, doanh nghiệp phải xác định hàng hóa khi xuất khẩu phải đảm bảo đúng quy định, yêu cầu của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là tuyệt đối không sử dụng các hóa chất bị cấm hoặc mức dư lượng tối đa cho phép vượt ngưỡng theo quy định của nước nhập khẩu.

Giải pháp căn cơ nhất là phải có các chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm tại vườn, vùng trồng, tại các cơ sở đóng gói, chế biến, bảo quản.

Sớm triển khai chương trình kiểm soát tại gốc

* Với 9 phòng kiểm nghiệm được Trung Quốc công nhận, liệu có đáp ứng được nhu cầu xét nghiệm khi vào mùa thu hoạch sầu riêng?

- Đến nay, các phòng kiểm nghiệm hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Với nguyên tắc không vì thiếu các phòng kiểm nghiệm, không vì lượng mẫu xét nghiệm quá lớn mà gây ùn ứ, ách tắc việc xuất khẩu, bộ đã chỉ đạo bổ sung, củng cố nguồn lực, nhân lực, trang thiết bị cho các phòng kiểm nghiệm.

Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp phối hợp với phòng kiểm nghiệm để kiểm soát việc sử dụng các loại hoạt chất theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Việc này, các đơn vị đang làm rất tốt. Vừa qua, hai bên đã họp và thống nhất cách thức lấy mẫu, do vậy số lượng lô hàng vi phạm đã giảm đáng kể.

* Về lâu dài, Bộ NN&PTNT có những giải pháp gì để Trung Quốc sớm gỡ bỏ quy định này?

- Theo yêu cầu của phía Trung Quốc, bộ đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với địa phương kiểm tra, đánh giá, xác định các nguyên nhân và rủi ro cao đối với các hoạt chất có thể có mức dư lượng tối đa vượt ngưỡng cho phép theo quy định của Trung Quốc. Đồng thời có hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật canh tác bài bản, bền vững để người dân, doanh nghiệp sản xuất bài bản, có trách nhiệm hơn.

Bộ cũng chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện các báo cáo kỹ thuật (xác định nguyên nhân, giải pháp khắc phục) gửi Trung Quốc và hai bên cùng đàm phán để làm sao quay lại thực hiện theo nghị định thư mà hai nước đã ký kết, khi đó chúng ta không phải áp dụng các biện pháp bổ sung như hiện nay nữa.

Ngoài ra, bộ cũng đang chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật xây dựng và triển khai ngay chương trình giám sát dư lượng các hoạt chất cho tổng thể các vùng trái cây xuất khẩu và phải kiểm soát tại gốc.

Ví dụ như Tiền Giang và Long An tất cả các loại trái cây xuất khẩu đi đều đã được kiểm tra, kiểm soát theo chương trình này tại gốc và bảo đảm không vượt mức dư lượng tối đa mà Trung Quốc cho phép.

Xuất khẩu sầu riêng giảm mạnh

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu mặt hàng sầu riêng từ đầu năm đến ngày 10-2 của Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 3.500 tấn, giảm 80% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Hoàng Trung, nguyên nhân là do phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp bổ sung đối với các loại trái cây như sầu riêng, mít, thanh long xuất khẩu vào nước này, không chỉ áp dụng với Việt Nam mà cho tất cả các nước.

"Quy định mới yêu cầu các lô hàng trái cây trước khi xuất khẩu phải có kết quả phân tích một số hoạt chất mà phía Trung Quốc quan tâm, đồng thời các phòng kiểm nghiệm các hoạt chất này phải được phía Trung Quốc công nhận", ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, Bộ NN&PTNT tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để ký nghị định thư xuất khẩu quả bưởi. Thúc đẩy ký kết nghị định thư đối với chanh leo và ớt (hiện đang thí điểm). Đồng thời thúc đẩy, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hai bên ký kết hợp đồng để xuất khẩu dừa tươi và sầu riêng đông lạnh.

Đến nay đã có bảy doanh nghiệp được Trung Quốc công nhận để xuất khẩu, đây là động lực để gia tăng xuất khẩu.

Sầu riêng rớt giá, nhà vườn còn bị thương lái ép

Cách đây đúng một năm, giá sầu riêng tại miền Tây vượt mốc 200.000 đồng/kg, hiện giá rớt chỉ còn 50.000 - 80.000 đồng/kg tùy loại khiến nhà vườn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Lợi (41 tuổi, ngụ thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy) cho biết gia đình ông vừa bán cho thương lái hơn 1 tấn sầu riêng Thái với giá 39.000 đồng/kg. Mức giá này chưa bằng 1/5 mức giá cách nay một năm.

"Năm rồi cùng diện tích, tui bán được hơn 200 triệu đồng. Còn hiện nay chỉ được khoảng hơn 40 triệu đồng", ông Lợi chua chát nói và cho biết thêm với mức giá này nhà vườn không có lãi.

Phải kiểm soát chặt dư lượng hóa chất - Ảnh 2.

Anh Tùng, ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, năm nay xử lý sầu riêng nghịch vụ thành công, bán trước Tết Nguyên đán 2025 và thu lợi hơn 2 tỉ đồng sau khi trừ các chi phí - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Theo ông Lợi, năm nay do thời tiết không thuận lợi nên chi phí phân thuốc đầu tư vào cây sầu riêng khá cao nhưng năng suất vẫn thấp hơn các năm trước. Nhà vườn chỉ còn hy vọng vào giá bán cao để bù lỗ, không ai ngờ giá sầu riêng lại giảm mạnh như vậy.

Ông Nguyễn Văn Bảy (chủ nhà vườn cũng trên địa bàn này) vừa chốt với thương lái vườn sầu riêng hơn 3 tấn với giá 30.000 đồng/kg. Lý do giá sầu riêng của vườn ông Bảy thấp hơn các vườn khác là do chất lượng trái không đồng đều.

"Nếu như hồi trước thương lái mua sầu riêng vườn tui rất dễ thì nay họ lấy đủ thứ lý do để ép giá xuống. Thương lái cho rằng trái sầu riêng không đẹp, gai sầu riêng xấu... để ép giá", ông Bảy nói.

Theo ghi nhận cùng ngày tại một số khu vực của huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, huyện Cái Bè... (tỉnh Tiền Giang) và huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre), nhiều vựa nông sản thu mua sầu riêng Thái loại A với giá từ 78.000 - 80.000 đồng/kg (2,7 hộc, từ 1,9 - 5,2kg), loại B có giá 58.000 - 60.000 đồng/kg (2,5 hộc, từ 1,7 - 5,5kg). Trong khi đó, một số vựa lại mua xô (mua trái lớn, bé lẫn lộn) với giá 52.000 đồng/kg.

Theo một doanh nghiệp kinh doanh sầu riêng tại huyện Cai Lậy, dù đã khai trương trở lại sau Tết nhưng đến nay công ty vẫn hoạt động cầm chừng bởi việc xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc vẫn còn nhiều rủi ro.

Sản lượng không còn nhiều

Theo thống kê, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có diện tích trồng sầu riêng lớn thứ hai của cả nước (chỉ đứng sau vùng Tây Nguyên) với hơn 33.000ha, sản lượng 371.000 tấn, chiếm hơn 43% sản lượng sầu riêng của cả nước.

Riêng tỉnh Tiền Giang, địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất vùng với khoảng 21.790ha. Còn tỉnh Bến Tre có khoảng 2.000ha vườn sầu riêng.

Ông Huỳnh Quang Đức (phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre) cho biết do sầu riêng của tỉnh bán nội địa là phần lớn nên không bị ảnh hưởng nhiều trong đợt giảm giá.

Ngoài ra, các nhà vườn trồng sầu riêng tại Bến Tre thường rải vụ và đã bán trước Tết Nguyên đán 2025 nên thời điểm này không còn nhiều vườn có trái. Còn tại Tiền Giang, sầu riêng nghịch vụ của các nhà vườn bán từ trước Tết có giá trên 100.000 đồng/kg.

Phải kiểm soát chặt dư lượng hóa chất - Ảnh 3.Nhiều tầng kiểm tra, vì sao thực phẩm bẩn vẫn lọt vào siêu thị?

Nhiều siêu thị cho biết hàng bán trên quầy kệ đều phải qua nhiều tầng lớp kiểm tra, cơ quan chức năng cũng khẳng định có kiểm tra. Vậy tại sao vẫn có những trường hợp thực phẩm bẩn "lọt" vào kênh bán lẻ này?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên