08/06/2022 09:09 GMT+7

Kiểm soát dòng vốn từ các lĩnh vực 'nóng'

NGỌC AN thực hiện
NGỌC AN thực hiện

TTO - Vốn được rót vào bất động sản, chứng khoán thời gian qua, trong khi vốn cho sản xuất gặp nhiều khó khăn. Làm sao để "nắn dòng" vốn vào sản xuất?

Kiểm soát dòng vốn từ các lĩnh vực nóng - Ảnh 1.

Minh bạch và lành mạnh hóa thị trường chứng khoán là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, mong muốn chất vấn tại Quốc hội - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kiểm soát vốn, lĩnh vực nóng là những vấn đề đặt ra cho 2 tư lệnh ngành tài chính và ngân hàng trong phiên chất vấn ngày 8-6.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội đoàn Cần Thơ, ông Nguyễn Mạnh Hùng - ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng chính sách đang được người dân, doanh nghiệp quan tâm nhất là đẩy nhanh triển khai gói hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội có quy mô 347.000 tỉ đồng.

Người dân, doanh nghiệp quan tâm nhất là đẩy nhanh triển khai gói hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội có quy mô 347.000 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng

Lành mạnh hóa thị trường chứng khoán

* Hôm nay 8-6, Quốc hội chất vấn 2 tư lệnh ngành tài chính, ngân hàng và người dân quan tâm là bao giờ các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi kinh tế được triển khai hiệu quả. Ông sẽ chất vấn về vấn đề này thế nào?

- Đây là vấn đề mà tôi quan tâm chất vấn, làm sao để việc triển khai gói hỗ trợ, chính sách tài khóa tiền tệ, trong đó có hỗ trợ lãi suất, thuế, phí, lệ phí. Từ đó giúp doanh nghiệp và hộ kinh doanh tiếp cận được các chính sách, khôi phục nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch.

Ngoài ra điều tôi muốn chất vấn là cần làm gì để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp? Làm sao cho quy định minh bạch hóa hơn, kiểm soát dòng vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp sử dụng đúng mục tiêu mục đích, nắn dòng vốn từ những lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản vào sản xuất để đảm bảo ổn định và tính chiến lược lâu dài hơn?

Rồi trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch, sức khỏe của nhiều doanh nghiệp vẫn còn yếu, nợ xấu nguy cơ gia tăng, doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng có quản lý tốt nợ xấu hay không? Đặc biệt tại kỳ họp này, ngân hàng tiếp tục xin gia hạn nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu. Đó là những vấn đề mà các tư lệnh ngành cần phải làm rõ và giải đáp với cử tri.

* Ngân hàng Nhà nước khẳng định không siết vốn vào bất động sản nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Việc kiểm soát là cần thiết, tuy nhiên không nên kiểm soát theo cách cực đoan. Ví dụ dự án bất động sản đang triển khai hiệu quả và có sản phẩm trong thời gian gần thì cần phải tiếp tục có hỗ trợ để có sản phẩm và nguồn cung đủ lớn, ổn định thị trường này. Còn với dự án hình thành trong tương lai, hiệu quả chưa được xác định, cần có sự thận trọng nhất định, rà soát lại để đánh giá, ứng xử phù hợp với từng dự án.

Hay với những lĩnh vực nóng như chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tích cực rà soát lại các tổ chức tín dụng để xem nguồn tiền khi tham gia vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp đến mức độ nào để kiểm soát. Tôi cho rằng cần phải công bố đầy đủ, rõ hơn về thông tin này.

Tuy nhiên cần lưu ý đến một lĩnh vực khác nữa là đầu tư vào tiền ảo hoặc các hình thức tín dụng rủi ro khác, hiện nay ta chưa có quy định cụ thể, nên với người dân tham gia vào lĩnh vực này chưa kiểm soát được. Vì vậy, sắp tới Ngân hàng Nhà nước cần phải có thêm các biện pháp kiểm soát về mặt công nghệ, các hệ thống tín dụng sao cho dòng chảy tài chính không đi vào những lĩnh vực rủi ro, chưa có cơ chế kiểm soát này. Thực tế đã có nguồn tiền chảy vào lĩnh vực này, tạo ra hệ lụy nhất định nên cần phải có cơ chế kiểm soát.

Kiểm soát dòng vốn từ các lĩnh vực nóng - Ảnh 3.

Công trình cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ nối quận Cái Răng với quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cũng là một trong những công trình có tiến độ giải ngân chậm - Ảnh: CHÍ QUỐC

Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, phát triển

* Với lĩnh vực sản xuất lại đói vốn, thiếu vốn. Vậy theo ông, cần làm gì để "nắn dòng" cho vốn chảy vào doanh nghiệp sản xuất kinh doanh?

- Tôi cho rằng ở góc độ quản lý nhà nước, cần minh bạch hóa thị trường chứng khoán và đặc biệt là phát hành trái phiếu. Cần cố gắng để tỉ lệ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tăng lên, giảm bớt trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, chứng khoán và các lĩnh vực rủi ro khác.

Các doanh nghiệp sản xuất cũng phải mạnh lên, có chiến lược đầu tư, công nghệ, sản phẩm tốt để thuyết phục nhà đầu tư, có phương án đầu tư tốt thì nhà đầu tư mới đầu tư. Tuy nhiên, để doanh nghiệp mạnh lên thì cần chính sách, cơ chế để tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, có được chế độ lãi suất, thủ tục vay vốn, hạn mức tín dụng ưu đãi, phù hợp với sản xuất.

Có chính sách ưu tiên cho những doanh nghiệp khoa học công nghệ, sản xuất chế biến chế tạo, những doanh nghiệp có tính ổn định bền vững lâu dài thì cần quan tâm. Như việc có cơ chế tiếp cận tài chính, đất đai, giảm chi phí đầu vào, có cơ chế để nguồn lao động quay trở lại làm việc. Đó là những khung chính sách tạo môi trường cho doanh nghiệp sản xuất phát triển. Việc tạo điều kiện cho họ phát triển mạnh hơn cũng giúp doanh nghiệp sản xuất thuyết phục các nhà đầu tư, thu hút được nguồn vốn.

* Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, 2 tư lệnh ngành tài chính - ngân hàng đã có giải trình về những vấn đề trên. Theo ông, việc giải trình đã đủ thỏa mãn, ông có hiến kế gì cho tư lệnh ngành?

- Tôi cho rằng cũng phải có những biện pháp, giải pháp đột phá hơn trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Những giải trình trước đó của các tư lệnh ngành chỉ nằm ở bối cảnh chung thôi, còn góc độ mỗi ngành và lĩnh vực cần phải có giải trình thuyết phục hơn. Tôi kỳ vọng bộ trưởng Bộ Tài chính và thống đốc có biện pháp quyết liệt hơn, giải pháp kỹ hơn, đặt ra mốc mục tiêu cụ thể nhằm đạt được kết quả trong năm nay. Trong đó cần rõ trách nhiệm cá nhân bộ trưởng, người đứng đầu chịu trách nhiệm trong từng lĩnh vực.

Tôi mong muốn trước hết 2 tư lệnh ngành cần bám sát nghị quyết 43 của Quốc hội và nghị quyết 11 của Chính phủ về chính sách tài khóa, tiền tệ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Gói phục hồi này cần phải làm nhanh, đúng thời điểm. Trong đó lưu ý gói lớn nhất đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường sá, do nguồn vốn được sử dụng là đầu tư công nên phải theo Luật đầu tư công và quy trình thủ tục của đầu tư công.

Để tháo gỡ, Quốc hội cũng đã ra những cơ chế đặc thù để giúp Chính phủ đẩy nhanh tiến độ. Ví dụ như cơ chế về chỉ định thầu, tách đền bù giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; cơ chế sử dụng nguồn nguyên vật liệu mà không cần phải theo đúng thủ tục về cấp mỏ của Luật tài nguyên môi trường.

Vì vậy, tôi cho rằng Chính phủ, các bộ ngành mà trực tiếp là 2 tư lệnh ngành này chỉ đạo rốt ráo, các địa phương và chủ đầu tư quyết liệt thực hiện các cơ chế này thì sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian, sớm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư cho các dự án, công trình. Vì những dự án này không chỉ là hạ tầng mà còn kéo theo nhiều ngành khác như sản xuất nguyên vật liệu, vận chuyển, lưu thông...

* Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội):

Chất vấn để tìm sự đồng thuận

Kinh tế thế giới đã và đang phục hồi thì chúng ta mới đang trong quá trình phục hồi nên người dân và doanh nghiệp cần được hỗ trợ bằng các giải pháp mạnh. Chúng ta đã duy trì kinh tế vĩ mô ổn định ngay cả trong đại dịch thì hiện tại, sự phối hợp, cộng hưởng, "chia lửa" giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp là vô cùng cần thiết, quan trọng.

Cử tri và nhân dân rất quan tâm đến ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ duy trì tăng trưởng, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Khi chọn 2 lĩnh vực tài chính và ngân hàng để chất vấn, 2 bộ trưởng, trưởng ngành sẽ được giãi bày cũng như lắng nghe ý kiến của các đại biểu, có thêm cơ hội để tìm ra sự đồng thuận.

* Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai):

Triển khai hỗ trợ lãi suất ra sao?

Với Ngân hàng Nhà nước, tôi mong muốn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng sẽ cho biết cụ thể về phương án phân bổ khoản ngân sách được sử dụng để hỗ trợ lãi suất 2%. Khoản ngân sách này sẽ được sử dụng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay với doanh nghiệp thuộc một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua, ngân hàng.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thời gian qua đã phát sinh một lượng nợ xấu mới, đòi hỏi phải có hướng dẫn, đốc thúc cho ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết lượng nợ xấu mới phát sinh này.

TIẾN LONG ghi

Khi nào hết "được mùa rớt giá"

Ngày 7-6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, các đại biểu đã đề cập đến nhiều vấn đề như: "được mùa, rớt giá", ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu, giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng...

bo-truong-bo-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-le-minh-hoan 1(Read-Only)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Trả lời chất vấn chiều 7-6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhiều lần nhận trách nhiệm về các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, ông cũng quên một số câu hỏi của đại biểu khiến có đại biểu phải giơ biển tranh luận để đề nghị trả lời.

Trả lời về những băn khoăn lo lắng của đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) về tình trạng ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu ở phía Bắc thời gian qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ sự chia sẻ với người nông dân trong bối cảnh thị trường đứt gãy, khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Với tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu phía Bắc, các bộ ngành đã vào cuộc, hạn chế thấp nhất thiệt thòi cho nông dân, nhưng đây là trường hợp bất khả kháng do giữa hai bên có cách thức kiểm soát dịch COVID-19 khác nhau và thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính, trong khi chúng ta quen tư duy đây là thị trường dễ tính.

"Khi nước bạn thay đổi yêu cầu về thị trường, nhưng ta lại chậm thông tin cho người dân biết, dù đã có nhiều truyền thông, tư vấn song 14 triệu hộ nông dân này sao mà truyền thông hết được", ông Hoan nói chỉ có thể tổ chức lại sản xuất, thay đổi tư duy nông nghiệp và cho biết thêm: Bộ NN&PTNT đang phối hợp Bộ Ngoại giao xây dựng đề án chuyển đổi hàng hóa từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Để chuẩn hóa hàng hóa đi sâu vào thị trường cấp cao Trung Quốc, cần chuẩn hóa lại sản phẩm, thương hiệu nông sản mới được nâng cao.

DucTrong_ChatThanhLong_16 1(Read-Only)

Do liên tục thua lỗ nên nhiều nhà vườn ở thủ phủ thanh long của tỉnh Bình Thuận phải chặt bỏ, chuyển hướng làm ăn - Ảnh: ĐỨC TRONG

Về câu chuyện được mùa rớt giá, ông Hoan cho rằng đó là luật từ "lời nguyền", là quy luật kinh tế cung - cầu và phải khống chế quy luật này qua hai cách. Khi dư thừa phải tăng chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản để thị trường thông suốt. Do đó, giải pháp cho câu chuyện được mùa mất giá là tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa. "Bộ NN&PTNT nhận khuyết điểm trong điều hành, chuẩn hóa nông sản", ông nói và cho hay sẽ sớm cùng các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giải quyết việc này.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) chất vấn về định hướng để đưa nông nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới khi nào có sản phẩm nông nghiệp an toàn. Trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: "Bộ trưởng không thoái thác trách nhiệm nhưng ngành nông nghiệp có tính liên ngành rất cao, có tính hệ thống trên dưới trong ngoài, vận hành theo kinh tế thị trường. Vì vậy, không thể bằng một mệnh lệnh hành chính là có thể thay đổi được".

Theo ông Hoan, không phải đất nước nào cũng làm nông nghiệp hữu cơ 100% và ngay cả sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng phải an toàn, được kiểm chứng bởi hệ thống phân phối. Song, đáng tiếc nước ta chưa có hệ thống để đánh giá chất lượng nông sản, dẫn đến nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi 3 "lời nguyền" là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Vấn đề này có trách nhiệm của Bộ NN&PTNT.

THÀNH CHUNG - TIẾN LONG

* Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định):

Cần quan tâm đến sản phẩm nông nghiệp sạch

Chất vấn lần đầu với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan là vô cùng hợp lý. Chúng ta luôn lấy con người là trung tâm nên sức khỏe luôn được quan tâm và việc đưa ra sản phẩm nông nghiệp sạch để nhân dân hưởng thụ, tiêu thụ tốt hơn cần quan tâm. Việc bao giờ người dân được hưởng sản phẩm sạch bộ trưởng đã trả lời, tuy nhiên bộ trưởng cần có quan điểm giải pháp mang tính chất chiến lược, dài hơi hơn.

Trách nhiệm lãnh đạo chỉ đạo định hướng của bộ trưởng nhưng phần thực thi cần sự vào cuộc của địa phương từ việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, làm sao khuyến khích động viên người dân sử dụng đúng thời điểm, loại cây trồng, loại đất sẽ giúp sản phẩm nông nghiệp sạch, tốt cho sức khỏe nhân dân.

* Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng):

Phối hợp để bình ổn giá

Giá một số vật tư, nguyên liệu ngành nông nghiệp tăng cao. Do đó vấn đề là làm sao mang lại cuộc sống tốt hơn cho người nông dân ở nông thôn, để bộ mặt nông thôn ngày càng cao hơn, phát triển hơn. Theo đó, cũng cần phối hợp để bình ổn giá cũng như tạo sự liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp vốn đang là vấn đề nóng hiện nay.

Tôi cho rằng Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã trả lời rất thẳng thắn các câu hỏi và tự nhận những tồn tại, nêu những giải pháp khắc phục thời gian tới để ngành nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững. Đặc biệt với việc khắc phục tình trạng phân bón giả và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành như quản lý thị trường, công an. Từ đó mới có thể đấu tranh với các đối tượng gây thiệt hại cho bà con nông dân, để xử phạt các đối tượng này.

vna_potal_ky_hop_thu_ba_quoc_hoi_khoa_xv_phien_chat_van_va_tra_loi_chat_van_ve_linh_vuc_nong_nghiep_va_phat_trien_nong_thon_6157501 2(Read-Only)

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Huy Thái đặt câu hỏi chất vấn - Ảnh: TTXVN

* Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu):

Cần sự chung tay

Bộ trưởng đã trả lời thẳng vào vấn đề mà đại biểu đặt ra. Từng nhóm vấn đề được trao đổi thẳng thắn, tâm huyết. Tôi để ý, bộ trưởng không dưới 4 lần xác định trách nhiệm của bộ trưởng về một số vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của bộ trưởng, trước khi nhắc đến vai trò của một số bộ ngành khác, trong câu chuyện liên quan đến xây dựng tư duy kinh tế nông nghiệp, thay vì sản xuất nông nghiệp.

Tôi hài lòng về nội dung mà bộ trưởng đã đăng đàn chiều nay. Tôi cho rằng với tâm huyết, trách nhiệm và mối quan tâm của mình, về phía bộ trưởng, những giải pháp đã đưa ra sẽ tạo tiền đề cho cải thiện chất lượng ngành nông nghiệp Việt Nam. Câu chuyện ở đây là sự vào cuộc, chung tay của các bộ liên quan và các địa phương, cùng với thay đổi tư duy của người nông dân...

T.CHUNG - T.LONG - N.AN

Bộ trưởng Lê Minh Hoan Bộ trưởng Lê Minh Hoan 'không thoái thác trách nhiệm'

TTO - Bày tỏ nỗi niềm sợ nhất câu hỏi "đến bao giờ" nêu tại Quốc hội, bộ trưởng Lê Minh Hoan "không thoái thác trách nhiệm" nhưng mong có sự vào cuộc, năng động của địa phương để khắc phục các khó khăn của ngành nông nghiệp.

NGỌC AN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên