24/01/2018 08:54 GMT+7

Kiểm soát đặc biệt môi trường 28 dự án lớn

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Bộ Tài nguyên - môi trường đang lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương về đề án kiểm soát đặc biệt với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao với mục tiêu kiểm soát, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường lớn.

Kiểm soát đặc biệt môi trường 28 dự án lớn - Ảnh 1.

Ngư dân vá lưới bên Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

Có 28 cơ sở sản xuất, dự án lớn được đưa vào danh sách kiểm soát đặc biệt về môi trường.

Ô nhiễm tích tụ nhiều năm

Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết đề án đã được Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) gửi đi lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương. Bộ TN-MT cho rằng thời gian qua, nhiều vấn đề bức xúc, điểm nóng về ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng ở nhiều vùng, nhiều lĩnh vực, xảy ra nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bộ đánh giá từ nhiều sự cố gây ô nhiễm, nguồn ô nhiễm tích tụ đã khiến chất lượng môi trường tiếp tục "xuống cấp" ở một số nơi, đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, gây tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân. Trong đó, sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung thời gian qua đã trở thành bài học đắt giá.

Bộ này cũng thẳng thắn cho rằng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa cũng đã làm gia tăng nhu cầu khai thác tài nguyên cũng như nguy cơ tác động xấu đến môi trường trên diện rộng. 

Cá biệt có tình trạng một số địa phương ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, nhưng chưa quan tâm đúng mức đến bảo vệ môi trường dẫn đến phát sinh, tích tụ nhiều vấn đề môi trường.

Chưa hết, Bộ TN-MT cũng thống kê trên phạm vi cả nước vẫn còn tồn tại một số lượng lớn các lĩnh vực, loại hình công nghiệp, công nghệ sản xuất lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao. 

Vì vậy, đề án cảnh báo thời gian tới, công tác bảo vệ môi trường sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường ở phạm vi rộng, liên vùng với tính chất, mức độ phức tạp ngày một cao.

26 loại hình sản xuất nguy cơ ô nhiễm cao

Bộ TN-MT đã chọn 16 loại hình sản xuất phổ biến ở Việt Nam có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để đưa vào đề án kiểm soát đặc biệt về môi trường.

Gồm luyện gang thép, nhiệt điện, khai thác - chế biến khoáng sản kim loại có sử dụng hóa chất độc hại, sản xuất giấy - bột giấy, nhuộm vải - sợi, mạ, chế biến mủ cao su, chế biến tinh bột sắn, sản xuất ximăng, sản xuất hóa chất - thuốc bảo vệ thực vật - phân bón hóa học, lọc hóa dầu, thuộc da, chế biến thủy sản, chế biến mía đường, sản xuất pin - ăcquy, xử lý chất thải.

Nguy cơ ô nhiễm cả ở dự án cũ và dự án mới

Ông Hoàng Văn Thức, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết từ 16 loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, Bộ TN-MT đã đưa vào đề án kiểm soát đặc biệt với 28 cơ sở sản xuất, dự án, khu công nghiệp trong nhóm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Trong 28 cơ sở sản xuất, dự án có tên danh sách, có cả những dự án đang hoạt động, đã có vi phạm như Formosa, Núi Pháo hay những dự án lớn như dự án Tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng. Điều đáng nói là trong số 28 dự án được đưa vào danh sách, có khá nhiều dự án mới đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, đang xây dựng, thậm chí có cả những dự án chưa xây dựng.

Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết đơn cử ở lĩnh vực nhiệt điện, đề án đề nghị kiểm soát đặc biệt với 5 nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (tỉnh Bình Thuận), trong đó có Nhà máy Vĩnh Tân 2 đã hoạt động, còn 4 nhà máy đang xây dựng. 

Tại tỉnh Trà Vinh, Bộ TN-MT cũng đề nghị kiểm soát đặc biệt với 4 nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Duyên Hải, trong đó chỉ có Nhà máy Duyên Hải 1 đã hoạt động, 2 nhà máy đang xây dựng và Nhà máy Duyên Hải 2 chưa xây dựng.

Ở loại hình sản xuất giấy và bột giấy, dù chưa hoạt động chính thức nhưng trước lo lắng về nguy cơ "bức tử" sông Hậu và nằm trong nhóm loại hình sản xuất nguy cơ gây ô nhiễm, Bộ TN-MT cũng đưa Nhà máy giấy Lee & Man VN tại huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) vào trong đề án kiểm soát đặc biệt.

Ngoài 28 cơ sở kiểm soát đặc biệt, theo ông Thức, trong đề án còn có khoảng 300 dự án thuộc diện phải kiểm soát nhưng giao cho cấp tỉnh chủ động kiểm tra, định kỳ giám sát, đôn đốc về đầu tư, khắc phục về môi trường. 

"Sau sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung vừa rồi, chúng tôi nhận thức rõ là không để bị động. Đề án kiểm soát đặc biệt với các cơ sở có nguy cơ cao là giải pháp chủ động tình hình" - ông Thức khẳng định.

Theo kế hoạch, sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, Bộ TN-MT sẽ hoàn thiện đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kiểm soát đặc biệt môi trường 28 dự án lớn - Ảnh 3.

28 dự án đề nghị kiểm soát đặc biệt về môi trường - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Chủ động kiểm soát

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định việc lập đề án kiểm soát đặc biệt đối với cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao là kế hoạch chủ động từ phía cơ quan quản lý để chủ động kiểm soát, hạn chế tối đa các sự cố môi trường lớn.

Ông Hà cũng nêu rõ quan điểm phải chuyển từ bảo vệ môi trường cuối đường ống sang bảo vệ môi trường ở đầu đường ống. Đặc biệt là phải kiên quyết loại trừ quan điểm sản xuất trước làm sạch sau.

"Từ đề án kiểm soát đặc biệt, những dự án thuộc diện kiểm soát sẽ phải rà soát tổng thể, định ra lộ trình cho từng dự án phải khắc phục từ công nghệ đến quy trình xử lý, đảm bảo không còn nguy cơ ô nhiễm, sự cố. Tiếp nữa là hướng đến mục tiêu tương lai trong một vài năm tới không còn những dự án phải kiểm soát đặc biệt nữa" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

lee & man 6 2(read-only)

Nhà máy giấy Lee & Man tại tỉnh Hậu Giang - Ảnh: CHÍ QUỐC​

Lee & Man VN: mùi hôi đã nhẹ hơn

Ghi nhận tại Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam (thị trấn Mái Dầm, H.Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) ngày 23-1 cho thấy nhà máy hoạt động bình thường và không phát tán mùi hôi ra xung quanh.

Đại diện nhà máy cho biết vừa nhận được giấy hoàn công công trình, nhà máy giấy đang hoạt động 100% công suất. Công ty có cử người trực 24/24 giờ giám sát tại khu vực dân cư mà người dân phản ảnh có phát tán mùi hôi trước đó.

Ông Trần Văn Long (ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm) cho biết thỉnh thoảng theo hướng gió vẫn có mùi hôi thoáng qua. "Khi có mùi hôi thì báo cho nhà máy hoặc số điện thoại đường dây nóng của UBND thị trấn Mái Dầm, lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Hậu Giang để giải quyết" - ông Long nói.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm, xác nhận vẫn còn nhận phản ảnh của người dân nhưng tần suất ít hơn và mùi hôi cũng nhẹ hơn.

Ông Trương Cảnh Tuyên, phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết ngoài hệ thống quan trắc tự động tại hệ thống xử lý nước thải của nhà máy, tỉnh còn lắp 6 điểm quan trắc nước mặt trên sông Hậu đoạn từ Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu đến vàm Cái Côn, trong đó có nhà máy giấy.

Các thông số sẽ được lựa chọn phù hợp với nguồn thải gây tác động đến nguồn nước mặt với tần suất 1 tháng/lần, thu mẫu vào 2 thời điểm trong ngày (triều cường lên và xuống).

"Tổ giám sát môi trường do Bộ TN-MT thành lập đã giải tán, tuy nhiên UBND tỉnh chỉ đạo địa phương, ngành chuyên môn tiếp tục theo dõi, giám sát môi trường Nhà máy giấy Lee & Man. Phối hợp xử lý khi có sự cố môi trường xảy ra" - ông Tuyên cho biết.

L.DÂN

Vĩnh Tân: cá tôm biển vơi dần

Làng chài xóm Bảy (còn gọi là thôn Vĩnh Phúc) nhỏ thó nằm cạnh đại công trường Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Nơi đây đã có nhiều thế hệ ngư dân sinh ra và lớn lên nhờ vào "mẹ biển". Nay các ngư dân cho biết họ chỉ cố bám được ngày nào hay ngày đó. Nguồn hải sản gần bờ đã cạn. Muốn tiếp tục bám biển, các ngư dân phải đánh xa khơi hơn.

Vì sao không vào công trình trung tâm nhiệt điện xin việc làm ổn định hơn? Nhiều ngư dân cho rằng nếu vào đó thì cũng làm công nhân phổ thông. "Tụi tui lâu nay sống bằng đi biển, nay vào công trường thì biết làm gì ngoài phụ hồ? Thôi thì cố bám biển mà sống được ngày nào hay ngày đó" - bà Võ Thị Tám, ngư dân làng chài xóm Bảy, nói.

Bà Tám cho biết thêm trước đây gia đình bà thu mỗi chuyến biển khoảng 400.000 đồng/ngày, nay chỉ dưới 100.000 đồng.

Hiện nay gió đang thổi theo hướng ra biển nên khói bụi từ đại công trình Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân không ảnh hưởng lớn đến người dân xung quanh.

Trước đó khoảng 1 tháng, bụi bay mịt mờ từ khu vực công trình bãi xỉ đã ảnh hưởng lớn đến nhiều khu dân cư. Khi người dân phản ảnh, chính quyền yêu cầu giải quyết thì các chủ đầu tư bãi xỉ khắc phục xong.

ĐỨC TRONG

Formosa Hà Tĩnh: 1 triệu tấn thép

Theo một lãnh đạo Hà Tĩnh, hiện nay mọi hoạt động vận hành thử của Formosa đang diễn ra bình thường, ổn định. Các thông số về nước thải, khí thải đều đang nằm trong ngưỡng cho phép.

Tổ công tác Bộ TN-MT và các ngành chức năng Hà Tĩnh vẫn đang giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa trong quá trình vận hành thử.

Được biết ngày 29-5-2017, Formosa Hà Tĩnh chính thức đốt lửa lò cao số 1, cho ra những mẻ gang lỏng, phôi thép đầu tiên để sản xuất ra thép thành phẩm. Đến cuối năm 2017, lượng thép cuộn cán nóng mà Formosa sản xuất được đã đạt mốc 1 triệu tấn.

Dự kiến Formosa Hà Tĩnh đặt mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn thép cuộn thành phẩm đợt 2 hoàn thành vào tháng 5-2018, đồng thời từng bước hướng đến mục tiêu sản xuất 10 triệu tấn thép cuộn thành phẩm.

VĂN ĐỊNH

Lập hành lang cách ly hồ bùn đỏ Nhân Cơ

Ông Nguyễn Anh Tuấn, phó tổng giám đốc Tập đoàn Than - khoáng sản VN, chủ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ, cho biết sẽ xây dựng hành lang bảo vệ rộng chừng 35m để ngăn cách giữa hồ bùn đỏ với đất sản xuất của dân.

Việc lập hành lang này được triển khai sau khi quanh khu vực hồ bùn đỏ alumin Nhân Cơ xuất hiện các vết nứt.

Được biết trước đó, trong cuộc làm việc với tỉnh Đắk Nông, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục các điểm sụt lún xung quanh hồ, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra. Chủ đầu tư cũng cần giám sát chặt chẽ môi trường, nếu xảy ra sự cố sẽ rất nguy hiểm cho ngườidân phía hạ du.

Như tin đã đưa, các vết nứt tại thôn 1 (xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp), gần hồ bùn đỏ alumin Nhân Cơ khiến 1ha đất (cao su, cà phê, hồ tiêu...) của người dân bị sụt lún với chiều dài khoảng 100m; độ sâu trung bình từ 50-70cm, có vị trí tới 1,5m.

TRUNG TÂN

GS Trần Hiếu Nhuệ (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN): Chủ động kiểm soát những "điểm nóng"

Tôi cho rằng việc lập đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt sau sự cố môi trường biển miền Trung, là rất cần thiết, kịp thời.

Về mặt quản lý, đây là việc phải làm trước thực tế những vấn đề tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, trong hoạt động sản xuất đã hình thành từ nhiều năm trước, trong đó có những cơ sở sản xuất đã gây ô nhiễm và còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm.

Cá nhân tôi ủng hộ việc kiểm soát đặc biệt này vì chỉ có đưa ra được danh sách, chỉ ra được những tồn tại ở từng dự án sau rà soát mới có thể định ra được lộ trình yêu cầu chủ dự án phải khắc phục.

Quan trọng hơn, khi đã chỉ rõ những địa chỉ cụ thể, khi đó mới chủ động được việc kiểm soát tình hình, hạn chế và ngăn ngừa các sự cố môi trường xảy ra.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên