06/11/2014 08:31 GMT+7

Quan sát nghị trường: Kiêm nhiệm sẽ khó chu toàn

NGỌC HẬU ghi
NGỌC HẬU ghi

TT - Theo quy định, ĐBQH kiêm nhiệm phải dành 1/3 thời gian làm việc của mình cho Quốc hội, nhưng thời gian 1/3 này sẽ không đủ nếu đại biểu làm việc thật sự.

Nguyễn Đình Xuân (nguyên đại biểu Quốc hội) - Ảnh: N.H.

Ví dụ muốn góp ý một văn bản luật phải dành vài ngày nghiên cứu dự thảo luật, tìm tài liệu tham khảo, ngoài tham khảo sách báo còn tham khảo các kênh thông tin khác...

Một năm có khoảng 20 luật mới, khoản thời gian dành cho việc nghiên cứu và đóng góp ý kiến này không nhỏ, ngoài ra đại biểu còn tham gia các công việc khác của Quốc hội.

Nếu đại biểu làm đủ 1/3 thời gian này cho Quốc hội thì phần công việc ở địa phương (hay cho ngành mình đang công tác) sẽ không thể chu toàn.

Mà phần công việc này dù có giao cấp phó làm thay khi đi vắng thì trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về mình, nhất là khi đại biểu là người đứng đầu cơ quan.

Đại biểu Quốc hội nào lựa chọn ưu tiên công việc tại địa phương thì công việc ở Quốc hội lại tham gia một cách “được chăng hay chớ”.

Về mặt tâm lý, dân ta có câu “Ăn cây nào rào cây nấy”, đại biểu công tác ở địa phương thì hiện tại, tương lai toàn bộ gắn với địa phương đó, do đó họ phải đầu tư thỏa đáng công việc của mình ở địa phương.

Chưa kể những điều họ phát biểu mâu thuẫn với trung ương sẽ làm địa phương không hài lòng vì nó rõ ràng ảnh hưởng đến quyền lợi địa phương, nhất là các địa phương còn phụ thuộc ngân sách, dự án, công trình của trung ương.

Đại biểu còn bất đắc dĩ khoác áo của ngành dù luật không quy định.

Nếu đại biểu trong ngành giáo dục mà phản bác Bộ Giáo dục - đào tạo, ngành y tế mà phản bác Bộ Y tế là những việc rất khó, dễ bị cho là “vạch áo cho người xem lưng”, dù việc phản bác là đúng cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đối với họ và địa phương họ trong mối quan hệ với bộ ngành trung ương (ví dụ trường hợp đại biểu Phạm Khánh Phong Lan với phát biểu liên quan đến Bộ Y tế gần đây).

Điều này đặt đại biểu vào tình huống khó khăn, xung đột về lợi ích. Do đó khiến cho đại biểu khi cần đấu tranh thẳng thắn trong nghị trường phải suy tính rất kỹ càng. Nhiều đại biểu thường im lặng hoặc phát biểu khéo léo, nhẹ nhàng, thậm chí né tránh một phần sự thật...

Từ thực tế đó cho thấy muốn làm tốt công việc của mình, đại biểu Quốc hội phải chuyên nghiệp, chuyên trách chứ không thể kiêm nhiệm nửa vời.

Để nâng cao hiệu quả của đại biểu Quốc hội phải có cơ chế hoạt động càng chuyên nghiệp càng tốt, đại biểu Quốc hội phải qua đào tạo và trải qua một số công việc nhất định để khẳng định năng lực. Cần tránh việc đưa ra bầu cho đủ thành phần, cơ cấu mà xem nhẹ chất lượng.

Lúc tôi làm đại biểu Quốc hội, có kỳ họp dài nhất tính cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật là 43 ngày. Đây là thời gian quá dài, sẽ ảnh hưởng đến công việc địa phương và gây tâm lý mệt mỏi, nhất là đại biểu không chuyên trách ở các tỉnh.

Chắc chắn đại biểu sẽ gặp khó khăn khi trở lại công việc ở địa phương. Hơn thế, do cơ quan hành pháp và tư pháp hoạt động chuyên trách liên tục và thường xuyên, có những việc xảy ra thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, phải chờ đến 4-5 tháng mới được đưa ra bàn nên có giảm tính thời sự.

Vì thế trước đây đã có nhiều ý kiến góp ý nên để thời lượng họp không đổi nhưng chia kỳ họp Quốc hội theo từng quý sẽ giải quyết công việc kịp thời hơn.

NGỌC HẬU ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên