* Đóng mới 3.000 tàu vỏ thép cho ngư dân
Phóng to |
Kiểm ngư Việt Nam - Ảnh: Đăng Nam |
Đây là lực lượng chấp pháp dân sự của Nhà nước, thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) có nhiệm vụ kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.
Khẳng định vị thế, chủ quyền
Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Cao Đức Phát - bộ trưởng Bộ NN&PTNT - cho rằng lực lượng kiểm ngư còn có nhiệm vụ góp phần hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân yên tâm sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tham gia bảo vệ an ninh, trật tự và chủ quyền quốc gia trên các vùng biển. Theo ông Cao Đức Phát, chỉ trong năm 2013, Bộ NN&PTNT huy động hơn 100 lượt tàu kiểm ngư đi làm nhiệm vụ, qua đó phát hiện nhiều tàu cá của nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam. Toàn bộ số tàu cá vi phạm đều bị đẩy đuổi ra khỏi lãnh hải.
Cũng theo ông Cao Đức Phát, sắp tới lực lượng kiểm ngư sẽ trình Chính phủ đề án phát triển lực lượng kiểm ngư từ nay đến năm 2030 theo hướng tăng cường hỗ trợ cho ngư dân trên biển, đồng hành cùng ngư dân bám biển. Còn theo ông Nguyễn Ngọc Oai - cục trưởng Cục Kiểm ngư, lực lượng kiểm ngư sau khi thành lập sẽ được biên chế thành bốn chi cục kiểm ngư vùng đóng dọc ven biển từ Quảng Ninh đến mũi Cà Mau. Sau khi thành lập, lực lượng kiểm ngư sẽ nhanh chóng hình thành hệ thống đường dây nóng tại các chi cục vùng. “Khi ấy, nếu ngư dân có vấn đề gì trên biển cần can thiệp, giúp đỡ thì gọi vào điện thoại đường dây nóng, lực lượng kiểm ngư trong khu vực sẽ có mặt kịp thời để hỗ trợ” - một đại diện của Cục Kiểm ngư cho biết.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ ra mắt, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương các bộ NN&PTNT, Quốc phòng, Bộ tư lệnh hải quân (Bộ Quốc phòng) đã nỗ lực xây dựng và cho ra mắt lực lượng kiểm ngư Việt Nam. Theo Phó thủ tướng, hiện Việt Nam có hơn 1 triệu lao động cùng hơn 120.000 tàu thuyền đánh bắt ngoài biển. Kinh tế biển đang được xác định là kinh tế chủ lực, phát triển mạnh. Việc thành lập lực lượng kiểm ngư là thêm một khẳng định nữa về chủ quyền vùng biển, quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông. Nhiệm vụ quan trọng nhất của lực lượng kiểm ngư là đảm bảo an toàn cho người cũng như tàu thuyền trên vùng biển và trên hết là chủ quyền quốc gia.
Ngư dân rất vui
Khi nghe tin lực lượng kiểm ngư ra mắt tại Đà Nẵng, ngư dân Lê Văn Sang (chủ tàu ở Đà Nẵng) vui ra mặt. Anh nói mấy lâu nay đi biển cứ hễ thấy tàu kiểm ngư màu trắng của Trung Quốc là phải lo tránh xa. Nay “có kiểm ngư đi song song, cứ thế mà thả lưới thôi”. Theo anh Sang, ngày trước nếu đi trên biển mà tàu có sự cố gì thì chỉ có cách bơi vào trạm bờ (trạm biên phòng) hoặc gọi cho tàu SAR (lực lượng cứu hộ cứu nạn). Nhưng chỉ khi nguy cấp lắm mới gọi các lực lượng này vì họ ở xa. “Khi Việt Nam có lực lượng kiểm ngư, anh em sẽ yên tâm bám biển mà không sợ bị tàu nước ngoài quấy rầy nữa” - anh Sang tâm sự.
Ngư dân Nguyễn Minh Vương (chủ tàu cá Bình Định) cũng nói: “Ngày trước đi khơi xa sợ nhất là sự quấy rầy của các tàu cá nước ngoài. Họ uy hiếp, cắt lưới mình. Mình thân cô thế cô nên phải chấp nhận rời đi kiếm chỗ khác đánh bắt. Giờ có kiểm ngư, mình gọi họ đến hỗ trợ”.
Còn ngư dân Dương Hưởng (An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi) - người từng bị tàu Trung Quốc bắt giữ nhiều lần - tâm sự: “Mỗi lần ra biển mà thấy các nước họ có tàu kiểm ngư đi theo cùng để bảo vệ ngư dân, tự nhiên mình thấy tủi thân. Nhưng giờ thì có lẽ khác rồi. Lực lượng kiểm ngư có mặt trên các vùng biển của Việt Nam sẽ giúp ngư dân mạnh tay, vững tâm hơn trong bám biển. Ông Hưởng còn nói nếu có thêm lực lượng kiểm ngư thì chắc chắn sẽ hạn chế tình trạng các tàu cá nước ngoài xâm phạm lãnh hải của Việt Nam để khai thác trái phép.
Đóng mới 3.000 tàu vỏ thép cho ngư dân Ngày 15-4, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra hội nghị bàn giải pháp, chính sách phát triển thủy sản. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng trong thời gian tới phải nhanh chóng hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ bằng việc đóng mới 3.000 tàu vỏ thép (gồm 1.000 tàu khai thác cá ngừ đại dương và 2.000 tàu dịch vụ hậu cần), đồng thời xây dựng hạ tầng tại sáu trung tâm nghề cá lớn dọc ven biển gắn với ngư trường trọng điểm. “Trước mắt tập trung đóng tàu dịch vụ hậu cần và các tàu câu cá ngừ với mức vay 80% giá trị con tàu, thời gian vay 10 năm, ân hạn 5 năm, lãi suất ưu đãi 2,5%/năm và tài sản thế chấp chính là con tàu được hình thành. Có như thế ngư dân mới đủ lực ra khơi” - ông Phát nói. Cũng theo ông Phát, tổng trị giá gói tín dụng này lên đến khoảng 48.000 tỉ đồng nếu thực hiện toàn bộ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cam kết sẽ sắp xếp được nguồn vốn chừng 10.000 tỉ đồng để đóng mới, hoán đổi tàu đánh bắt xa bờ. Nguồn vốn này triển khai trong 10 năm với lãi suất ổn định 6%/năm. Tuy nhiên ông Bình cũng quan ngại bởi: “Một chương trình lớn với chính sách rất tốt nhưng quản lý tồi thì không khéo ngân hàng cũng khó khăn theo”. Ngay khi nghe ý kiến của ông Bình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu lại lãi suất. “Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu nên giảm lãi suất xuống còn 5%, thêm vào đó các địa phương hỗ trợ 2% nữa. Như vậy ngư dân chỉ gánh 3% lãi suất là được rồi. Có như thế ngư dân mới phấn khởi ra khơi” - Thủ tướng nói. Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Đừng để ngư dân ra khơi bằng vốn vay nặng lãi mà phải ra khơi trên những con tàu vỏ thép với đầy đủ bảo hiểm từ thân tàu đến tính mạng thuyền viên”. Ngoài ra Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, đặc biệt là lực lượng kiểm ngư hỗ trợ tối đa cho ngư dân yên tâm bám biển. “Ngư dân có mặt trên biển càng nhiều, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc càng bền vững” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận