Phóng to |
Bữa cơm đạm bạc của các em học sinh nội trú Hướng Lộc với rau rừng nấu mì gói - Ảnh: Quốc Nam |
Phóng to |
Cùng nhau nấu ăn - Ảnh: Quốc Nam |
Ngành giáo dục gọi các lớp này là “nội trú dân nuôi” để phân biệt với các trường dân tộc nội trú do Nhà nước nuôi. Cha mẹ các em tự vào rừng chặt cây, hái lá về lợp thành những chiếc lều nội trú ở cạnh trường học. Cuối tuần, các em lội bộ hàng chục cây số đường rừng về nhà. Đầu tuần lại băng rừng trở lại khu nội trú với một bao gai đựng khoảng chục bát gạo, một nhúm muối. Còn thức ăn các em phải tự tìm lấy để “qua bữa”. Vì vậy sáng lên lớp, chiều lại vào rừng, có khi phải leo lên vách núi hái rau rừng, tối lại lội bì bõm dưới suối lạnh tê cóng mò cá bắt ốc.
Kiếm ăn giữa mùa đông giá
"Không phải ngày nào cũng có rau để hái, đêm nào con suối cũng lặng lẽ cho bắt cá. Những ngày mưa rừng, các em chỉ biết ngồi co ro trong phòng. Đành ăn cơm với muối" Thầy Hồ Văn Mười |
Đêm đông ở khu nội trú rét căm căm. Từng đợt gió bấc cứ thốc lên giật tung tấm bạt quây tạm bên gian bếp. Đây là thời điểm kiếm ăn của nhóm học sinh nam ở khu nội trú này. Từ trong gian bếp, Hồ Văn Hơn - học sinh lớp 8, trưởng nhóm học sinh khu nội trú - giũ tấm lưới đánh cá tập hợp một nhóm 5-6 học sinh lớn nhỏ. Ánh đèn pin leo lét quệt một vệt dài bóng các em đổ dần xuống con suối. “Phải đi bắt cá mới có thức ăn cho ngày mai” - Hơn nói rồi chạy vụt đi.
Thầy Hồ Văn Mười, người được giao phụ trách nhóm học sinh nội trú, cho biết đó là chuyện thường nhật ở khu nội trú này. Các em đều là con em đồng bào dân tộc Vân Kiều, cha mẹ chỉ biết vào rừng làm rẫy. Khi thầy cô vận động các em xuống trường học cấp II, cha mẹ các em cũng chỉ chu cấp được cho con gạo và muối. Hơn và Lanh là hai học sinh lớn nhất trong nhóm. Tấm lưới cá được mắc theo mấy chục cục chì nặng trịch nên Lanh được giao nhiệm vụ quăng lưới. Các em còn lại không ngần ngại đứa xắn quần, đứa cởi áo nhảy ào xuống làn nước lạnh ngắt giũ lưới tìm cá.
Hồ Văn Thua, học sinh lớp 6, vừa mò được con cá bống nhỏ bằng ngón tay út đã mừng rơn như bắt được vàng. Hơn nói mỗi đêm nhóm phải đổi chỗ quăng lưới. Có khi phải đi xuống phía cuối nguồn cả cây số mới có cá. Mỗi đêm lặn lội mò mẫm như thế nhóm học sinh cũng kiếm được một bát cá đủ loại. Đủ cho cả chục đứa xúm vào gắp trong bữa cơm trưa hôm sau. Hơn 9g đêm, các em mới lục tục thu lưới về học bài.
Mờ sáng, trời giá rét và vẫn còn nhá nhem nhưng các em đã gọi nhau dậy. Đây là lúc nhóm bạn gái làm công việc của mình. Mỗi người một bao nilông kéo nhau hái rau rừng. Hồ Thị Liễu, học sinh lớp 8, nói phải hái vào buổi sáng sớm bởi trưa đi học về đã 11g30, không kịp nấu cơm. Khi bữa cơm trưa kết thúc cũng là lúc các em lại đổ vào rừng tìm cái ăn. Do buổi chiều nhiều thời gian hơn nên các em phải đi xa hơn để kiếm rau, bởi rau gần nhà mọc không kịp.
Phóng to |
Hằng đêm các em phải ra suối bắt cá - Ảnh: Quốc Nam |
Miệt mài nuôi chữ
Ra Ty là bản xa nhất và cao nhất của xã Hướng Lộc. Từ trường vào đến Ra Ty mất gần chục cây số leo đèo lội suối, các em không thể đi về hằng ngày như những học sinh khác. Nhưng các em ở bản Ra Ty về học tại trường này lại là những học sinh ngoan và học khá nhất trường.
Thầy Mười cho biết trong hơn 30 em ở khu nội trú này, quá nửa trong số đó là học sinh tiên tiến của trường. Trong đó các em Hồ Văn Lanh, Hồ Văn Hơn là học sinh được chọn đi thi học sinh giỏi của huyện. Những lứa học sinh từ khu nội trú này ra trường hai năm trước hiện nhiều em cũng cố gắng theo học cấp III. Trong khu nội trú, sau giờ đi kiếm ăn mỗi đêm là đến giờ các em học bài. Hơn và Lanh được giao nhiệm vụ kèm cặp các em khác nhỏ hơn. Thường quá nửa đêm các em mới xong bài vở để đi ngủ. “Khó khăn là thế, nhưng các em ở bản Ra Ty ở khu nội trú này mấy năm qua chưa em nào bỏ học giữa chừng. Ngày mưa gió, chưa về kịp ngày học bởi nước suối lên cao, các em phải quay ngược lên bản. Sau đó về các em luôn ghé qua khu nhà giáo viên nhờ thầy cô bổ sung kiến thức” - thầy Mười kể trong niềm vui.
Khu nội trú này ra đời cách nay hơn bốn năm, trước đó gần như không có em học sinh Ra Ty nào đi học nổi cấp II vì trường xa quá. Thương trò, lo cho tương lai các em, các thầy cô trong trường bàn nhau xây nhà nội trú gần trường cho các em ở để tiện việc học. Thầy cô trong trường cùng phụ huynh kéo nhau lên rừng chặt cây về làm một căn nhà sàn nhỏ để các em ở tạm.
“Mùa rét, nhìn các em co ro bên góc nhà vì lạnh, chúng tôi không an lòng. Nên mới rồi chúng tôi phải nhường lại hai phòng học để làm chỗ ở vững chãi kín đáo cho các em” - thầy Đinh Văn Dũng, hiệu trưởng nhà trường thời điểm đó, kể. Có chỗ ở, nhưng các em không có cơm gạo để ăn hằng ngày. Các thầy cô lại bàn với phụ huynh mỗi tuần trích ra vài bát gạo cho các em mang về trường dành ăn trong tuần. Nhưng bố mẹ các em đều nghèo khó, cả gia đình thường chỉ ăn cơm với muối và rau rừng là chính nên đành “phó thác” việc kiếm ăn lên vai con.
Ra Ty có đến hơn 50% là hộ nghèo nên việc lo đủ gạo cơm cho cả nhà đã là điều khó. Những em học sinh trong khu nội trú chủ yếu là con em những gia đình nghèo này. Vì thế, chuyện các em phải ăn mì gói qua bữa không phải chuyện hiếm ở đây. Ghé khu nội trú này, “khoe” bao gạo thì em nào cũng thủ sẵn vài gói mì chống “cháy” vào mỗi cuối tuần. “Hầu như chưa bữa cơm nào các em khỏi trộn mì tôm vào rau để đỡ gạo” - thầy Mười chua xót.
Cuối tuần trước trời rét quá không vào rừng được, không có gì bán lấy tiền mua gạo cho con, bố mẹ Hồ Văn Thua phải dúi tạm cho con một ít gạo trộn nếp mang về. Đến giữa tuần đã vơi, các bạn cùng phòng phải chia sẻ mỗi người mỗi nhúm cho Thua cầm cự đến hết tuần. Những ngày mùa mưa tình cảnh của khu nội trú mới bi đát. Như mùa lũ năm trước nước lũ dâng lên đúng cuối tuần, các em không về được.
“Gạo cơm gia đình chu cấp cũng chỉ trong tuần nên không về được là đói. Các thầy cô ở nội trú gần đó phải “cấp cứu” bằng cách chia gạo của mình cho các em. Tuần đó cả cô và trò đều sống khổ cùng nhau” - cô Thủy, tổng phụ trách đội của trường, chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Tuận, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hướng Hóa, cho hay không chỉ Hướng Lộc mà các khu nội trú dân nuôi ở các xã Pa Tầng, A Dơi, A Túc... đều chung tình cảnh như thế. Các em vừa phải lo học lại vừa phải lo ăn. “Nhiều khi vào thăm thấy các em ăn uống chỉ cơm với rau rừng, xôi với muối qua bữa, chúng tôi cũng xót xa lắm. Hằng năm chúng tôi đều đề xuất, kêu gọi sự giúp đỡ từ khắp nơi nhưng chẳng đáng là bao so với những gì các em đang chống chọi” - ông Tuận nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận