Quốc lộ 29 (tỉnh lộ 645 vừa nâng cấp) được xem là một trong những cửa ngõ lâm sản từ các tỉnh Tây nguyên đến các tỉnh miền Trung sau đó xuôi về phía Nam hoặc ra Bắc. Lợi dụng vị trí “đắc địa” này, một số cá nhân mặc sắc phục kiểm lâm đã chặn bắt các xe chở gỗ và kiếm chác bằng cách làm sai lệch hồ sơ.
Read this on Tuoitrenews.vn Kỳ 1:
Phóng to |
Xe chở gần 300 hộp gỗ nhưng Hạt kiểm lâm Tây Hòa (Phú Yên) chỉ lập biên bản chở... 4 hộp gỗ không có giấy tờ. Từ việc làm sai lệch hồ sơ, các cán bộ ở đây đòi “bồi dưỡng” 10 triệu đồng - Ảnh: Nhóm PV |
Rạng sáng 19-7, một chiếc xe tải chở trên 270 hộp (khoảng 13,6m3) gỗ gõ (nhóm IIa) từ Cư Jút (Đắk Nông) theo quốc lộ 29 qua Sông Hinh xuống Tây Hòa (Phú Yên). Theo tài liệu, số gỗ chở trên xe được ông Xuân (Hà Nội) mua tại xưởng và thuê tài xế Tài chở ra Đông Anh (Hà Nội).
Lập biên bản sai sự thật
Sáng sớm 19-7, xe gỗ đến địa phận Mỹ Lệ Đông (Hòa Bình 2, Tây Hòa, Phú Yên) và bị tổ công tác cơ động của Hạt kiểm lâm Tây Hòa chặn bắt. Theo thông báo của kiểm lâm, xe này bị người dân tố giác chở gỗ lậu nên phải đưa về hạt kiểm tra, xử lý. Liên tiếp từ ngày 20 đến 27-7, tài xế, chủ hàng phải “ăn nằm” gần Hạt kiểm lâm Tây Hòa để chờ giải quyết vụ việc nhưng chưa ngã ngũ vì kiểm lâm và chủ hàng chưa có “tiếng nói chung”.
Sáng 28-7, ông Xuân, ông Tài vào gặp ông Võ Văn Phước - phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Tây Hòa - yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc. Ông Phước cho biết có một số gỗ không khớp hồ sơ, lý lịch gỗ. Ông Xuân cãi: “Gỗ mua có hồ sơ làm sao sai được”. Ông Phước nói phải xác minh toàn bộ số gỗ trên xe, khi đó sẽ lòi ra nhiều cái sai khác. Biết khó qua “ải”, ông Xuân xuống giọng: “Nhờ các anh tạo điều kiện”.
Ông Phước nói: “Muốn giải quyết nhanh phải chấp nhận bị giữ 1,3 khối (m3) nhưng chỉ lập biên bản 1 khối, thuộc khung phạt của hạt nhẹ hơn”. Ông Xuân hỏi: “Phạt bao nhiêu?”. Ông Phước: “Hạt chỉ phạt 10 triệu đồng trở xuống, trên 10 triệu đồng huyện xử lý. Bây giờ lập biên bản dưới 1 khối, phạt chủ gỗ, tài xế ở khung 10 triệu đồng, số gỗ vi phạm phải bỏ lại, không giữ xe và giấy phép lái xe”. Ông Phước hứa nếu chịu giải quyết theo hướng này thì không cần xác minh số gỗ còn lại để tránh liên quan nhiều người, lại bị mức phạt cao hơn.
Thấy ông Xuân im lặng, ông Phước chỉ đạo Mai Xuân Luôn (cán bộ pháp chế): “Làm lại toàn bộ hồ sơ, lời khai ban đầu”. Xem qua hồ sơ, ông Luôn thông báo phạt 20 triệu đồng về hành vi mua, vận chuyển lâm sản trái phép. Để hợp thức hóa hồ sơ, trong biên bản vi phạm, ông Luôn ghi thời gian phát hiện vụ việc ngày 28-7 (thực tế ngày 19-7), trên xe chỉ chở bốn hộp gỗ, tương đương 0,622m3.
Chiều 29-7, ông Luôn đọc cho ông Tài, ông Xuân viết tường trình với nội dung do ông Luôn “sáng tác”. Theo đó, thời gian ông Xuân mua và thuê xe vận chuyển số gỗ trên là ngày 27-7. Ông Xuân cự: “Tôi mua trước ngày 19-7 và trên xe chở gần 300 cục”. Ông Luôn nói: “Chỉ làm bốn cục thôi, phạt nhanh, khỏi xác minh”. Ông Luôn nói nếu làm đúng quy định, có lập hồ sơ thì buộc phải đưa lên trên rất phức tạp. Ông Xuân rên rỉ: “Làm hồ sơ kiểu này chết em...”.
Tiếp đó, ông Luôn đưa biên bản hỏi - đáp đã được ông Luôn làm sẵn để ông này ký vào. Đến phần xử lý số gỗ vi phạm, ông Xuân cho biết mặc dù trong biên bản ghi số gỗ vi phạm là bốn hộp nhưng thực tế phải bỏ xuống 19 hộp, gồm tám hộp lớn và 11 hộp nhỏ.
Ngay trong buổi chiều cùng ngày, ông Trần Ngọc Miên, hạt trưởng Hạt kiểm lâm Tây Hòa, ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phạt ông Xuân và ông Tài mỗi người 10 triệu đồng. Ông Phước kể công: “Tụi tui đã cố gắng xử lý nhanh gọn, từ 50-60 triệu đồng còn 20 triệu đồng là nhẹ rồi”.
“Làm luật”
Sau khi đóng phạt, ông Xuân vào gặp ông Phước nói chưa “bồi dưỡng” cho anh em kiểm lâm được vì hết tiền và hứa trước khi lấy xe sẽ làm tròn “bổn phận”. Ông Phước nói: “Sáng mai anh em nghỉ hết rồi”. Ông Xuân năn nỉ: “Tối nay có người cầm tiền xuống”. Ông Phước hỏi: “Hồi nãy nộp phạt bao nhiêu?”, ông Xuân trả lời: “20 triệu đồng”. Ông Phước dặn: “Nộp phạt rồi còn phải gửi thêm”. Ông Xuân hỏi: “Bao nhiêu?”, ông Phước: “Tài xế không nói lại sao?”. Ông Xuân nói chưa. Ông Phước: “Cứ gửi cho Luôn”. Ngay lúc đó ông Luôn bước vào phòng. Ông Phước liền nói: “Bây giờ nó nói không đủ tiền, cứ gửi xe lại đó, khi nào đủ tiền thì đi”.
Vừa ra khỏi Hạt kiểm lâm Tây Hòa, ông Phước gọi điện cho tài xế Tài hỏi: “Chủ gỗ đưa tiền chưa?”. Tài nói đang đi rút tiền và hỏi: “Đưa cỡ bao nhiêu?”. Ông Phước đáp: “Gửi cho Luôn 10 triệu đồng, còn riêng tư gì nữa tùy ý”. Tài hỏi: “Còn anh thì như thế nào?”, ông Phước: “Chỗ anh em, gửi Luôn cho tui 1 triệu đồng cũng được”.
Lát sau ông Phước gọi lại cho Tài nhắc “gửi cho tập thể 10 chai” và dặn mọi chuyện chỉ giao dịch với Tài chứ không qua chủ hàng. Tài hỏi mai giao tiền cho ai, ông Phước nói: “Làm việc với Luôn”. Tài hỏi bồi dưỡng cho ông Miên bao nhiêu, ông Phước: “Tùy, tình nghĩa là chính”.
Người trong cuộc nói gì?
Chiều 26-8, chúng tôi có cuộc làm việc với các ông Trần Ngọc Miên, Võ Văn Phước và Mai Xuân Luôn. Chúng tôi hỏi ngày 29-7 hạt có xử lý vụ vận chuyển gỗ trái phép nào không, ông Miên khẳng định: “Không có”. Chúng tôi đặt nghi vấn: “Có khi nào bỏ ngoài sổ sách?”, ông Miên đáp: “Không thể”. Chúng tôi cung cấp thông tin vụ xe 47P-13... vận chuyển bốn hộp gỗ trái phép, phạt 20 triệu đồng vào ngày 29-7. Ông Miên khẳng định trong tháng 7-2011 không có vụ nào như vậy và đưa ra tình huống: “Có thể nằm trong số liệu của tháng 8”. Hỏi vì sao phát hiện ngày 19-7 mà đến 27-7 mới lập biên bản vi phạm, ông Miên nói: “Chỉ sau 3-4 ngày chứ không lâu như vậy”.
“Tại sao trên xe chở gần 300 hộp gỗ nhưng cán bộ kiểm lâm lại hướng dẫn tài xế, chủ hàng khai chở bốn hộp?” - chúng tôi đặt vấn đề. Ông Miên bực bội: “Ai mà hướng dẫn tào lao vậy?”. Về việc có hay không tịch thu 19 hộp (1,3 khối) nhưng lại ra quyết định xử phạt bốn hộp (theo hướng dẫn của ông Phước), ông Miên trả lời: “Không có chuyện đó, bắt bao nhiêu lập biên bản bấy nhiêu, không có cái nào để ngoài”. Lúc này, ông Luôn bước ra khỏi phòng làm việc.
Khoảng 20 phút sau ông Luôn quay lại đưa ra bộ hồ sơ và thừa nhận ngày 28-7 có lập biên bản vụ việc như trên. Chúng tôi hỏi tại sao ghi lùi ngày, ông Luôn khẳng định: “Bắt ngày 27-7”. Hỏi: “Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn chủ hàng, tài xế viết tường trình và lập hồ sơ không đúng thực tế để nhằm mục đích gì?”, ông Luôn cãi: “Đâu có ai hướng dẫn vậy đâu”. Hỏi lý do tịch thu bốn hộp gỗ, ông Luôn: “Không có giấy tờ”. Hỏi: “Có xác minh số gỗ trên xe không?”, ông Miên nói: “Đối chiếu hồ sơ không đúng thì xác minh làm gì”. Hỏi: “Có đưa toàn bộ số gỗ trên xe xuống để kiểm tra không?”, ông Miên khẳng định có (thực tế chỉ kiểm tra một số ít).
Liên quan đến số tiền “bồi dưỡng”, chúng tôi hỏi: “Ngoài tiền xử phạt theo quy định, cán bộ kiểm lâm có được nhận tiền từ tài xế, chủ hàng không?”, ông Miên: “Ông hỏi tào lao, ai quy định chuyện đấy ông. Cán bộ công chức không được làm chuyện đấy. Ai vi phạm thì chịu trách nhiệm”. Chúng tôi cho biết: “Cán bộ cấp dưới của ông đã làm điều đó”, ông Miên nói: “Nếu có dấu hiệu vi phạm, dù anh to anh nhỏ gì cũng phải sẽ xử lý”. Trong khi đó ông Phước khẳng định “đã phạt thì làm gì bồi dưỡng”.
Chúng tôi cung cấp thông tin về việc một cán bộ của trạm đề nghị “bồi dưỡng” cho tập thể 10 triệu đồng và một số cá nhân, ông Miên nói: “Nếu chủ hàng, tài xế có đơn thưa, cơ quan pháp luật sẽ xác minh, xử lý” và hứa “sẽ kiểm tra lại”. Chúng tôi hỏi ông Phước: “Có nhớ trường hợp nào ông trao đổi với tài xế không?”, ông Phước nói “không”. Hỏi đến lần thứ năm, ông Phước im lặng.
Cục Kiểm lâm yêu cầu: Kiểm điểm sai phạm Ngay sau khi Tuổi Trẻ đăng bài “Kiểm lâm làm luật” (kỳ 1), sáng 3-10 lãnh đạo Tổng cục Kiểm lâm đã họp và chỉ đạo Cục Kiểm lâm có ngay các biện pháp để “xử lý hiện tượng tiêu cực của kiểm lâm qua phản ánh của báo Tuổi Trẻ”. Chiều cùng ngày, Cục Kiểm lâm có hai văn bản gửi trực tiếp chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và gửi tất cả chi cục kiểm lâm các địa phương. Trong văn bản thứ nhất, Cục Kiểm lâm yêu cầu chi cục trưởng chi cục kiểm lâm ba tỉnh tổ chức kiểm tra, xác minh nội dung bài báo nêu. Cụ thể, tổ chức kiểm điểm làm rõ những sai phạm đối với công chức kiểm lâm mà báo Tuổi Trẻ đã nêu tên. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải tạm đình chỉ công tác để điều tra làm rõ, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo kết quả giải quyết về Cục Kiểm lâm trước ngày 13-10-2011. |
Ông PHÍ ĐỨC QUẾ (chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa): “Nếu đúng như vậy thì quá trắng trợn” Chiều 3-10, ông Phí Đức Quế - chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa - đã có buổi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh bài “Kiểm lâm làm luật” (kỳ 1). Tham gia buổi làm việc còn có ông Lê Quốc Việt - trưởng phòng thanh tra - pháp chế thuộc Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa. Ông Quế cho biết: “Ngay sau khi đọc báo Tuổi Trẻ, được sự chỉ đạo của đồng chí chi cục trưởng, trong buổi sáng 3-10 tôi cùng đồng chí Lê Quốc Việt đã có buổi làm việc với đồng chí Phạm Văn Chiến - đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động số 1 và đồng chí Vương Vi Tuấn - cán bộ pháp chế của đội này (hai ông Chiến và Tuấn đều có tên trong bài báo Tuổi Trẻ phản ánh). Theo báo cáo của đồng chí Chiến, báo Tuổi Trẻ nêu hai vụ việc liên quan đến cán bộ chiến sĩ Đội kiểm lâm cơ động số 1 trong khi làm nhiệm vụ ngày 12 và 31-8”. Theo lời ông Quế, báo cáo này cho biết lực lượng kiểm lâm đã xử phạt 6,5 triệu đồng đối với xe vi phạm bị bắt giữ ngày 12-8, còn vụ vi phạm ngày 31-8 chưa có báo cáo do những người thụ lý hồ sơ đang đi công tác ở miền Nam. Trả lời câu hỏi từ trước đến nay lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã nhận được thông tin phản ảnh của người dân về việc cán bộ kiểm lâm cơ động “làm luật” hay chưa, ông Quế khẳng định: “Đến khi báo Tuổi Trẻ phản ánh chúng tôi mới có những thông tin về việc kiểm lâm làm luật, mặc cả giá cả khi xử lý vụ việc vi phạm. Nếu đúng như vậy thì quá trắng trợn. Chúng tôi đang yêu cầu các đồng chí có tên trong bài báo phải tường trình vụ việc cụ thể bằng văn bản”. Ông Quế còn cho biết thêm: “Đội kiểm lâm cơ động số 1 vừa được tăng cường một số cán bộ mới và trẻ, không thể loại trừ có những biểu hiện tiêu cực”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận