Đây là chia sẻ của TS Lê Xuân Nghĩa - viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) - tại tọa đàm: “Kinh tế tuần hoàn - trung hòa carbon: Con đường tất yếu” diễn ra tại TP.HCM hôm nay 27-11.
Theo ông Nghĩa, câu chuyện xanh hóa, phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành cuộc chiến sống còn của doanh nghiệp.
Nếu trước kia doanh nghiệp chỉ cần sản xuất được sản phẩm rẻ, chất lượng và khéo chào mời thì sẽ bán được hàng, thì nay nếu không xanh hóa sẽ bị đào thải. Muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp chỉ có con đường "xanh hóa" sản xuất.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng bày tỏ sự đồng cảm với doanh nghiệp Việt bởi câu chuyện xanh hóa trong bối cảnh kinh tế khó khăn, còn đang chật vật để sống sót trên thị trường, nỗ lực không cắt giảm nhân lực, doanh số… là thách thức lớn gấp bội.
Các nước lớn, đặc biệt ở châu Âu, đang ngày càng đặt ra những rào cản khắt khe. Ông Nghĩa ví những tiêu chuẩn này giống như các cơn bão. “Cơn bão sắp ập đến nhưng chúng ta chưa có lấy một hầm trú ẩn”, ông nói.
Đồng tình, các chuyên gia tại tọa đàm cũng cho rằng doanh nghiệp Việt dù hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi xanh nhưng còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc xanh hóa.
Đơn cử như việc kiểm kê khí nhà kính, đây được cho là hoạt động cơ bản nhất để bắt đầu hành trình xanh hóa, nhưng hiện số lượng doanh nghiệp làm được ít đến đáng báo động.
Bà Trần Anh Đào - phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành HOSE - dẫn số liệu trong số các doanh nghiệp thuộc rổ chỉ số VN100, chỉ có 12 doanh nghiệp thực hiện kiểm kê ở phạm vi 1 (phát thải khí nhà kính trực tiếp từ các nguồn do tổ chức đó sở hữu), và phạm vi 2 (phát thải khí nhà kính gián tiếp từ nguồn mua của tổ chức khác).
Đặc biệt chỉ có 7 doanh nghiệp đề cập đầy đủ phạm vi 1, 2 và 3 (phát thải khí nhà kính gián tiếp trong chuỗi giá trị của mình).
"Để ứng phó với "cơn bão carbon", việc đầu tiên doanh nghiệp Việt cần thực hiện là phải kiểm kê được khí nhà kính. Cần phải nắm được lượng phát thải của cơ quan mình bao nhiêu mới có chính sách phù hợp", PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ tọa đàm đã diễn ra lễ công bố Giải Báo chí phát triển xanh thường niên lần thứ I, do Câu lạc bộ Báo chí phát triển xanh hướng đến Net Zero Carbon phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức.
Giải thưởng nhằm tăng cường công tác truyền thông lan tỏa mạnh mẽ những hành động hướng tới Net Zero Carbon của các ngành, địa phương, góp phần hiện thực hóa công cuộc chuyển dịch xanh, thúc đẩy thực hiện các cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP26.
Ông Hoàng Mạnh Hà - tổng biên tập báo Tài Nguyên Và Môi Trường - cho biết Giải Báo chí phát triển xanh là hoạt động quan trọng, góp phần tuyên truyền, tham vấn, phản biện chính sách về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tài chính xanh, thúc đẩy thị trường carbon.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận