17/12/2024 10:50 GMT+7

Kiểm định khí thải xe máy trên 5 năm: Cần làm từng bước

Theo thông tư 47/2024 của Bộ GTVT, chủ sở hữu mô tô, xe máy sản xuất từ 5 năm trở lên bắt buộc phải mang xe đi kiểm định khí thải từ 1-1-2025.

Kiểm định khí thải xe máy: Cần làm từng bước - Ảnh 1.

TP.HCM có lượng xe máy sản xuất trên 5 năm lưu thông rất lớn. Trong ảnh: xe máy nối đuôi nhau trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) vào tối 16-12 - Ảnh: TRÍ ĐỨC

Tuy nhiên lộ trình thực hiện kiểm định khí thải mô tô, xe máy sẽ thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường. Do còn chờ quyết định về lộ trình thực hiện nên việc kiểm định khí thải mô tô, xe máy chưa thực hiện ngay từ 1-1-2025.

Hiện chưa có dự thảo

Theo ông Nguyễn Tô An - phó cục trưởng Cục Đăng kiểm, thông tư 47/2024 do bộ trưởng Bộ GTVT ban hành khi thực hiện các nhiệm vụ mà Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định. Còn Luật Bảo vệ môi trường giao nhiệm vụ cho Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT trình Thủ tướng ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, trong đó có mô tô, xe máy.

Do vậy thời điểm cụ thể thực hiện kiểm định khí thải định kỳ với mô tô, xe máy sẽ được Thủ tướng ban hành lộ trình. "Kế hoạch phối hợp của hai bộ là trong năm 2025 Bộ TN&MT sẽ trình Thủ tướng ký ban hành, hiện nay chưa có dự thảo", ông An thông tin.

Với lo ngại của người dân là dễ có nguy cơ ùn tắc các trung tâm đăng kiểm khi thực hiện kiểm định khí thải định kỳ với xe máy, ông An cho rằng không có lo ngại. Ông nêu rõ thực tế các trung tâm đăng kiểm ô tô hiện tại có khả năng thực hiện được kiểm định khí thải mô tô, xe máy. Tuy nhiên để kiểm định khí thải định kỳ sẽ triển khai thêm hệ thống cơ sở kiểm định. 

Qua nghiên cứu, khảo sát của cơ quan chức năng, sau này sẽ sử dụng các đại lý, cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng của các nhà sản xuất lắp ráp, nhập khẩu mô tô, xe máy trong cả nước thực hiện kiểm định khí thải mô tô, xe máy. Lúc đó cả nước sẽ có hàng ngàn cơ sở thực hiện kiểm định khí thải mô tô, xe máy.

Về mức phí kiểm định khí thải mô tô, xe máy cụ thể, ông An cho biết sẽ đợi Quốc hội đưa bổ sung vào biểu giá của Luật Giá, sau đó Bộ GTVT sẽ ban hành mức cụ thể.

Kiểm định khí thải xe máy: Cần làm từng bước - Ảnh 2.

Chủ sở hữu xe máy sản xuất 5 năm trở lên bắt buộc phải kiểm định khí thải. Trong ảnh: xe máy chạy kín khu vực vòng xoay Dân Chủ, quận 3, TP.HCM - Ảnh: VĂN TRUNG

Cần tính toán kỹ lưỡng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Phạm Văn Hòa, ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng hiện nay, theo thống kê của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, trong giai đoạn 2005 - 2022, số lượng xe máy được đưa vào đăng ký sử dụng tăng bình quân 9,1%/năm.

Hiện nay số lượng xe máy đăng ký tại Việt Nam đã đạt khoảng hơn 70 triệu chiếc, trong đó hơn 45 triệu xe được sử dụng hằng ngày. Ở góc độ môi trường, xe máy đang là một trong những tác nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường do sản sinh lượng khí thải không hề nhỏ. 

Đặc biệt là những chiếc xe cũ đã được sử dụng nhiều năm, lượng khí thải lớn hơn rất nhiều lần. Sự ngột ngạt khó thở tại các đường phố nườm nượp xe máy các loại, trong đó có cả những xe đã cũ nát, xộc xệch đi đến đâu cũng để lại một luồng khói đen đặc, đã không quá khó có thể chứng kiến ở các thành phố, đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. 

Do đó ông Hòa cho rằng việc quản lý, giám sát chất lượng khí thải của các loại xe máy là vô cùng cần thiết, không nên trì hoãn thêm nữa.

Tuy nhiên theo ông Hòa, để thực hiện được việc kiểm định khí thải đối với xe máy cần phải có những phương án tính toán kỹ lưỡng và thực hiện từng bước, có lộ trình. Trong đó nên nghiên cứu thí điểm ở một số đô thị lớn sau đó mới làm đại trà trên cả nước. 

Bởi có quá nhiều xe máy lưu hành và việc triển khai một quy định mới, liên quan gần như mọi gia đình, đa số người dân trong cả nước là một công việc cực kỳ lớn.

Chưa kể dù quy định này là cần thiết nhưng trước mắt sẽ làm ảnh hưởng tới quyền lợi trực tiếp của một bộ phận người dân, nhất là ở các đô thị, khi xe máy vẫn là phương tiện chính để họ mưu sinh. "Với những người có thu nhập thấp, có thể họ biết rằng chiếc xe của mình không đảm bảo yêu cầu. 

Nhưng để chuyển đổi sang một phương tiện khác thân thiện hơn như xe điện cần có thời gian để chuẩn bị và quan trọng hơn phải có cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ", ông Hòa nói.

Bên cạnh đó, theo ông Hòa, một số vấn đề nhiều người dân quan tâm bao gồm ngưỡng khí thải cụ thể từ mức nào trở lên thì xe máy phải xử lý và xử lý cụ thể ra sao. 

Thêm vào đó, các trạm kiểm tra khí thải với xe máy sẽ hoạt động thế nào, có thuận tiện không, chi phí cho việc kiểm định này cũng cần đảm bảo người dân có thể chịu được.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cũng đề nghị việc kiểm tra khí thải xe máy nên thí điểm kiểm tra, áp dụng trước ở những thành phố có mật độ dân cư, lượng xe lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Đồng thời nên thực hiện trước với các xe máy thường xuyên lưu thông của những người làm công việc vận chuyển hàng hóa, chở hành khách...

Về lâu dài, ông Cừ tiếp tục đề nghị cần có chính sách tài chính mạnh hơn để hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi sang các phương tiện xanh, sạch và phát triển mạng lưới giao thông công cộng để hạn chế sử dụng xe cá nhân, nhất là xe máy, ở các thành phố lớn hiện nay.

Kiểm định khí thải xe máy: Cần làm từng bước - Ảnh 3.

Người lao động hầu hết đều sử dụng xe máy để đi làm việc nên cần có cơ chế thuận lợi để kiểm định, tránh gây ảnh hưởng nhiều đến thời gian và việc làm - Ảnh: TỰ TRUNG

Đề xuất 3 hướng triển khai

TS Khương Kim Tạo, nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nêu rõ việc kiểm định khí thải xe máy đã được đề xuất từ năm 2008 nhưng đến nay chưa thực hiện được. Tới thời điểm này đã là chín muồi để triển khai việc kiểm soát khí thải xe máy. 

Bởi việc này đã được luật hóa trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có nguyên nhân từ nguồn khí thải xe máy đã rất nghiêm trọng, nhất là ở các đô thị lớn. "Rõ ràng đây là vấn đề rất cấp thiết, buộc phải thực hiện. Nhất là khi các cấp chính quyền ủng hộ, người dân cũng đã có sự đồng thuận", ông Tạo nói.

Ông Tạo cho rằng cần nghiên cứu các giải pháp một cách bài bản, căn cơ để triển khai kiểm soát được khí thải xe máy khả thi, hiệu quả, làm trong sạch môi trường mà ít ảnh hưởng, xáo trộn đời sống người dân. 

Trong đó nên nghiên cứu để làm từng bước, giải quyết vấn đề kiểm soát khí thải xe máy ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, sau đó mở rộng ra trên toàn quốc.

Về các hướng cụ thể, ông Tạo nêu quan điểm có ba cách triển khai.

- Cách thứ nhất là tiến hành kiểm định khí thải với các xe máy đang lưu hành và yêu cầu phải có mức chất lượng khí thải ở ngưỡng nhất định mới được tham gia giao thông. 

Với các xe có mức khí thải kém yêu cầu phải bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các bộ phận, động cơ để đảm bảo tiêu chuẩn được phép lưu hành. Nếu kiểm soát một cách hợp lý sẽ đạt được đích cuối cùng kiểm soát được ô nhiễm môi trường do khí thải xe máy gây ra nhanh nhất.

- Cách thứ hai, theo ông Tạo, cần kiểm soát khí thải với các xe máy mới được sản xuất, lắp ráp trong nước cũng như nhập khẩu. Với các loại xe mới này phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải rất cao được đưa ra. Việc này đã và đang được triển khai thực hiện rất tốt. Các xe máy mới đạt chuẩn về phát thải sẽ từng bước thay thế xe cũ nát.

 Đồng thời loại xe mới này sẽ dần được di chuyển sang các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Nhưng cũng cần có một thời gian nhất định để loại bỏ dòng xe "hết đát". Khi đủ nguồn lực về kinh tế cần quy định thời hạn để thanh lý dòng xe này, không cho sử dụng trong các thành phố lớn nữa sẽ giải quyết vấn đề khí thải thông qua kiểm soát hành chính và thay đổi lượng lớn phương tiện.

- Cách thứ ba: tập trung các cơ chế, chính sách để thay thế các xe chạy xăng bằng các loại xe sử dụng năng lượng xanh như xe điện. Khi các xe điện thay thế xe xăng sẽ không cần phải kiểm định khí thải.

Những xe máy nào sẽ phải kiểm định khí thải?

Thông tư 47/2024 của Bộ GTVT có hiệu lực từ 1-1-2025 quy định mô tô, xe máy dưới 5 năm được miễn kiểm định khí thải. Với xe có thời gian tính từ năm sản xuất trên 5 năm thì chủ xe phải mang xe đến cơ sở đăng kiểm để kiểm định khí thải. Chủ xe nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ sở đăng kiểm.

Đối với xe có thời gian sản xuất đến 5 năm, chu kỳ kiểm định khí thải là 60 tháng tính từ ngày xuất xưởng của xe. Trường hợp xe trong cơ sở dữ liệu không có thông tin về ngày xuất xưởng thì tính từ ngày 31-12 của năm sản xuất xe.

Đối với xe có thời gian sản xuất trên 5 năm đến 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 24 tháng; xe có thời gian sản xuất trên 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 12 tháng.

Thế nào là mô tô, thế nào là xe gắn máy?

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định:

Xe mô tô gồm xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, trừ xe gắn máy; đối với xe ba bánh thì khối lượng bản thân không lớn hơn 400kg.

Xe gắn máy là xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có vận tốc thiết kế không lớn hơn 50km/h; nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không lớn hơn 50cm3; nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất của động cơ không lớn hơn 4kW; xe gắn máy không bao gồm xe đạp máy.

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2019) do Bộ GTVT ban hành:

Xe mô tô (hay còn gọi là xe máy) là xe cơ giới hai hoặc ba bánh và các loại xe tương tự, di chuyển bằng động cơ có dung tích xy lanh từ 50cm3 trở lên, trọng tải bản thân xe không quá 400kg.

Xe gắn máy là chỉ phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50km/h. Nếu dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương dưới 50cm3.

TP.HCM chờ thông tư hướng dẫn

Kiểm định khí thải xe máy: Cần làm từng bước - Ảnh 4.

Một xe máy sản xuất trên 5 năm chạy xả khói mù mịt tại khu vực cầu Sài Gòn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - chia sẻ lộ trình thực hiện kiểm định khí thải mô tô, xe máy còn thực hiện căn cứ theo Luật Bảo vệ môi trường. Cho nên TP.HCM sẽ chờ các thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể rồi mới thông báo đến người dân, chứ chưa bắt buộc kiểm định khí thải mô tô, xe máy ngay từ 1-1-2025.

Sau khi có hướng dẫn từ các bộ ngành, TP.HCM sẽ nghiên cứu chuẩn bị về nhân lực, cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu kiểm định xe máy.

Hiện nay tất cả trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM chủ yếu phục vụ kiểm định ô tô, nên việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kiểm định gần 9 triệu xe máy cũng cần thời gian chuẩn bị.

Trước đó TP.HCM đã thí điểm kiểm định khí thải xe máy lưu hành trên địa bàn thành phố từ ngày 15-5-2020 đến 2-9-2020. Qua đó các đơn vị tổ chức 8 điểm kiểm định khí thải xe máy miễn phí, dự kiến tổ chức cho 5.000 xe. Kết quả đến khi kết thúc chương trình, có đến hơn 13.000 xe máy tới kiểm định khí thải.

TS Trần Quang Thắng - viện trưởng Viện Kinh tế quản lý TP.HCM - nhấn mạnh từ năm 2025, việc kiểm định khí thải xe máy cần được thực hiện chặt chẽ hơn để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Tuy nhiên việc thực hiện kiểm định này có thể gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là những người sử dụng xe máy để sinh sống.

Chính vì vậy lộ trình kiểm định khí thải xe máy phải triển khai một cách rõ ràng và hợp lý tránh gây khó khăn cho người dân. TP.HCM có thể nghiên cứu thực hiện từng bước và thí điểm. Ban đầu thí điểm ở một số khu vực nhất định để đánh giá hiệu quả và phản hồi từ người dân. Sau khi thí điểm thành công, mở rộng chương trình ra toàn thành phố theo lộ trình từng bước, tránh việc thực hiện đột ngột gây xáo trộn.

Song song đó, các chính sách hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cũng phải được nghiên cứu; cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính, vay vốn với lãi suất thấp hoặc miễn giảm chi phí kiểm định cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Đối với trường hợp có thể cho phép sửa chữa thì cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng xe máy để đảm bảo đạt tiêu chuẩn khí thải. Đặc biệt, Nhà nước tăng tuyên truyền và nâng cao nhận thức của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường.

Cung cấp công khai, minh bạch thông tin chi tiết về quy trình kiểm định, địa điểm và thời gian kiểm định để người dân nắm rõ và chuẩn bị tốt.

Nâng cấp giao thông công cộng, hỗ trợ mua xe điện

Ông Trần Quang Thắng gợi ý nhất thiết phải phát triển các giải pháp thay thế như tăng cường và nâng cấp hệ thống giao thông công cộng để người dân có thêm lựa chọn thay thế cho xe máy cá nhân.

Các chương trình hỗ trợ mua sắm và sử dụng xe điện, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng phải được đẩy mạnh.

"Chúng ta cũng cần xây dựng, mở rộng đầy đủ trạm kiểm định khí thải để người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ để đảm bảo kiểm định hiệu quả, chuyên nghiệp. Suốt quá trình triển khai, Nhà nước phải giám sát, lắng nghe ý kiến người dân để kịp thời điều chỉnh", ông Thắng nói thêm.

Kiểm định khí thải xe máy: Cần làm từng bước - Ảnh 5.Xe máy có thời gian sản xuất trên 5 năm phải kiểm định khí thải

Việc kiểm định khí thải xe máy theo định kỳ sẽ được áp dụng với xe có thời gian sản xuất trên 5 năm. Chủ xe phải mang xe đến cơ sở đăng kiểm để kiểm định.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên