KTV Hoàng Thọ (cửa hàng Tường Nguyên, Q.1) đo khí thải miễn phí cho xe máy. Đây là chương trình thí điểm tại TP.HCM kiểm định khí thải xe máy ở một số quận, huyện - Ảnh: T.T.D.
Cần 553 tỉ đồng để giảm 60.000 tấn khí độc/năm
Nhóm nghiên cứu xác định xe máy đã lưu hành trên 10 năm ở TP có khoảng 5 triệu xe, đảm nhận hơn 90% vai trò vận chuyển và xe ngoại tỉnh chiếm 16%.
Nguồn khí thải từ xe máy gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân, đặc biệt với các xe đã sử dụng trên 5-10 năm. Sở Giao thông vận tải TP tính toán cần 553 tỉ đồng để thực hiện đề án kiểm soát khí thải xe máy tại TP.HCM trong 10 năm tới, qua đó giúp giảm 60.000 tấn khí độc ra môi trường/năm.
Đề án cũng nêu ra lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn như: năm 2021 sẽ ban hành quy định kiểm định khí thải xe máy trên địa bàn, đồng thời xây dựng 88 trạm kiểm định. Giai đoạn 2022-2023, áp dụng kiểm định khí thải xe máy tại các quận 1, 3, 5 và sẽ tính chi phí kiểm định mỗi xe 50.000 đồng/xe/năm, người nghèo được miễn phí.
Đến năm 2024-2025, TP đầu tư thêm 78 trạm kiểm định, mở rộng khu vực cần kiểm định khí thải thêm các quận 10, Tân Bình. Từ năm 2026 trở đi mở rộng kiểm định khí thải thêm các quận 6, 8, 11, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Gò Vấp.
Chờ chính sách của Bộ GTVT
Đề án thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn TP.HCM cũng vừa được đưa ra phản biện tại hội nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM vào đầu tháng 12.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia giao thông khẳng định việc kiểm định khí thải là cần thiết và nhất định phải làm. Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng quá trình thí điểm kiểm định vừa qua số lượng xe được kiểm định còn ít, chưa đủ cơ sở đánh giá đầy đủ.
Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện thêm mẫu thí điểm. Bên cạnh đó, chuyên gia giao thông cũng cho rằng cần xây dựng lộ trình thực hiện kiểm định, mức phí, đối tượng áp dụng... rõ ràng hơn để đề án thực hiện hiệu quả.
Ở một góc độ khác, ông Đỗ Văn Chung - phó Phòng quản lý đô thị quận Bình Tân - cho rằng khi kiểm soát khí thải xe máy, người nghèo sẽ chịu tác động lớn do chủ yếu sử dụng xe cũ.
Vì vậy, ông Chung cho rằng cần có chính sách riêng cho người dân nghèo. Luật sư Trương Thị Hòa kiến nghị làm rõ cơ sở pháp lý, chính sách đối với người nghèo mà xe máy là phương tiện mưu sinh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 22-12, ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP - cho biết trên cơ sở tiếp thu các ý kiến phản biện, sở đang hoàn chỉnh đề án thí điểm.
Tuy nhiên, hiện Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu để triển khai kiểm định khí thải định kỳ toàn quốc nên sở tạm thời dừng thí điểm, chờ chính sách của Bộ Giao thông vận tải.
Ông An đánh giá quá trình thí điểm và xây dựng đề án nêu trên là nền tảng để sau này TP triển khai việc kiểm soát khí thải hiệu quả.
Từ tháng 5-2020 đến hết tháng 11-2020, TP.HCM đã thí điểm kiểm định khí thải xe máy cho 10.682 xe máy trên địa bàn một số quận, huyện. Đồng thời khảo sát 7.216 người dân với đa số ý kiến đồng tình vì góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
TS Vũ Anh Tuấn (giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Trường ĐH Việt Đức):
Tập trung với xe đã sử dụng 5 năm trở lên
Khí thải từ xe máy, xe quá hạn sử dụng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người và môi trường - Ảnh: TÚ ANH
Kiểm định xe máy cũ là rất cần thiết để cải thiện tình hình không khí. Dù vậy, muốn thực hiện kiểm định khí thải xe máy hiệu quả thì phải làm rõ tác động của nó đối với môi trường, kinh tế và sức khỏe người dân.
Ngoài ra, lộ trình thực hiện từng bước, áp dụng ở các TP lớn, lượng xe nhiều, khí thải tăng cao trước rồi mới mở rộng ra các khu vực khác và nên cân nhắc dựa vào kinh nghiệm của các nước đã làm là tập trung vào những xe đã sử dụng từ 5 năm trở lên.
Do lượng xe máy quá lớn nên ngoài việc xây dựng các trạm kiểm định xe máy, nên tận dụng các trạm đăng kiểm ôtô, các trung tâm bảo hành, sửa chữa xe máy. Thậm chí, tổ chức các trạm kiểm định di động như Thái Lan đã làm cũng rất thành công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận