22/12/2017 10:41 GMT+7

Kiểm định đại học và sự lãng phí

PHẠM HỒNG VĂN (Đại học Thái Nguyên)
PHẠM HỒNG VĂN (Đại học Thái Nguyên)

TTO - Trong thời gian qua, theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, nhiều trường đại học đã tiến hành hoạt động tự đánh giá các cơ sở và chương trình đào tạo.

Kiểm định đại học và sự lãng phí - Ảnh 1.

Đây là hoạt động góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các trường. Căn cứ vào kết quả tự đánh giá, các chuyên gia kiểm định chất lượng sẽ kiểm định và cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động này đang nảy sinh một số bất cập và hạn chế.

Đầu tiên phải kể đến là việc nhận thức về tự đánh giá vẫn còn chưa thực sự đúng ở một số cơ sở đào tạo. 

Nhiều người vẫn còn coi hoạt động tự đánh giá là việc nhằm đạt được giấy chứng nhận, hoặc để cấp trên ghi nhận thành tích và có chứng nhận rồi sẽ tuyển được nhiều sinh viên hơn. 

Rồi trong quá trình tiến hành tự đánh giá, nhiều cơ sở đào tạo vẫn hiểu hoạt động này nhằm để xếp hạng các trường đại học, dẫn tới viết báo cáo theo dạng báo cáo thành tích. 

Vì hiểu như vậy nên nhiều cơ sở đào tạo tổ chức các hoạt động dạng hình thức để lấy minh chứng, thay vì cải tiến thực chất các hoạt động để nâng cao chất lượng đào tạo.

Chưa kể trong quá trình triển khai viết báo cáo tự đánh giá, người viết có xu hướng viết để đối phó với đoàn đánh giá ngoài, thay vì viết thực chất hiện trạng chất lượng các hoạt động của đơn vị. 

Điều này từng xảy ra đối với các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trước đây. Họ từng sai lầm khi nghĩ rằng có được giấy chứng nhận nghĩa là sản phẩm có chất lượng và được thị trường chấp nhận. 

Và sau khi có giấy chứng nhận, họ mới nhận ra rằng giấy chứng nhận không giúp họ nâng cao chất lượng sản phẩm, trong khi họ tiêu phí công sức và một khoản tiền khá lớn vào một việc vô ích.

Các trung tâm kiểm định cũng đóng góp vào việc hiểu sai bản chất hoạt động tự đánh giá của các trường. 

Để thể hiện vai trò quan trọng, một số trung tâm kiểm định còn tuyên bố nếu kiểm định không đạt sẽ công bố để người học biết và nếu cơ sở đào tạo nào kiểm định đạt chuẩn thì chất lượng đào tạo được chứng thực. Vì hiểu như vậy nên các trường càng phải làm mọi cách để đạt được giấy chứng nhận.

Để rồi vai trò của kiểm định viên cũng thay đổi. 

Thay vì tư vấn các trường hoàn thiện các hoạt động chức năng, thì vai trò của chuyên gia tư vấn là cố gắng giúp các trường viết thế nào để đạt được tiêu chí. Với việc coi kết quả kiểm định là giấy chứng nhận chất lượng đào tạo của trường, nên các trung tâm kiểm định trở nên quan trọng với các trường. 

Vì coi cán bộ kiểm định là người quyết định việc đạt hay không đạt tiêu chí đánh giá, nên các trường có xu hướng chăm lo cẩn thận đội ngũ chuyên gia này với mục đích họ cho đạt tiêu chí mong muốn.

Những hạn chế, tồn tại này sẽ ảnh hưởng đến ai? Câu trả lời không khó: đó chính là người học. Người học thì nghĩ mình đang học trong một nhà trường đã được kiểm định chất lượng, giảng viên thì yên tâm dạy học dưới cái "nôi" kiểm định và đầu ra vẫn cứ như cũ.

Trường đại học cần mạnh dạn thiết kế lại chương trình đào tạo Duy Tân - đại học ngoài công lập đầu tiên đạt kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam Nhiều trường băn khoăn với tiêu chí xếp hạng đại học Việt Nam
PHẠM HỒNG VĂN (Đại học Thái Nguyên)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên