12/09/2019 09:49 GMT+7

Kiểm định đại học mới chỉ đong, đo, đếm

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Theo chuyên gia, việc kiểm định đại học hiện nay vẫn chưa vượt qua được việc đong, đo, đếm theo danh mục, dẫn đến 'trường nào kiểm định cũng đều đạt'.

Kiểm định đại học mới chỉ đong, đo, đếm - Ảnh 1.

Giờ thực hành thí nghiệm tại bộ môn công nghệ y sinh ĐH Bách khoa Hà Nội - Ảnh: V.H.

Do vậy, cần có trung tâm kiểm định đại học độc lập và cần có bộ tiêu chuẩn, tiêu chí riêng kiểm định các lĩnh vực đào tạo khác nhau... Nhiều ý kiến đề nghị tại Hội nghị về thực hiện chính sách pháp luật đảm bảo và kiểm định giáo dục ĐH ngày 11-9.

Hội nghị do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức.

Nặng về hình thức

Tại hội nghị, ông Trần Trung, phó hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình, cho rằng việc kiểm định hiện nay vẫn chưa vượt qua được việc đong, đo, đếm theo danh mục.

Ông Lê Mỹ Phong, phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT, băn khoăn về việc "trường nào kiểm định cũng đều đạt". Ông Phong cho biết kết quả kiểm định được công khai, trong đó có những trường không đạt. Tuy nhiên, số "không đạt" rất ít.

Bà Nguyễn Phương Nga - giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam) - cho rằng mặc dù là người thực thi việc kiểm định nhưng bà cũng thấy tiêu chí kiểm định thì nhiều nhưng dễ đạt. "Các trường tạo ra văn bản rất nhanh để đáp ứng" - bà Nga nêu.

Trao đổi về những khó khăn của vấn đề kiểm định, ông Chu Hồng Thanh - nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD-ĐT - cho biết phải hơn 10 năm kể từ khi quy định về kiểm định chất lượng giáo dục đưa vào Luật giáo dục 2005 thì việc này mới được triển khai, nhưng tới nay vẫn nặng về hình thức.

Năm 2016, Bộ GD-ĐT mới cho thành lập 5 trung tâm kiểm định thuộc các trường ĐH và ra yêu cầu 100% các cơ sở ĐH phải hoàn thành tự đánh giá và đánh giá ngoài trong năm 2017. Nhưng đến nay mới đạt mục tiêu 55%.

"Đó là nỗ lực lớn. Trong đó đáng kể là phát hiện 21 trường ĐH quốc tế "ma". Nhưng kết quả kiểm định này vẫn khiêm tốn và không đáng tin cậy" - ông Thanh nói.

Trung tâm kiểm định chưa độc lập

Đây là một nguyên do chính dẫn tới nhận định của các chuyên gia rằng kết quả kiểm định chưa đáng tin cậy.

Ông Đào Trọng Thi - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho biết ở các nước, các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định do các hiệp hội ban hành, gắn với đặc điểm của mỗi vùng, miền hoặc lĩnh vực đào tạo. Các trường ĐH tham gia hiệp hội và đạt chuẩn kiểm định sẽ dễ dàng công nhận văn bằng, tín chỉ giữa các trường.

"Thời điểm trước đây, thành lập các trung tâm kiểm định thuộc trường ĐH là độc lập với cơ quan quản lý nhà nước rồi. Nhưng bây giờ lại có quan điểm cho rằng như thế vẫn chưa phải độc lập và cần tách trung tâm kiểm định khỏi trường ĐH, đòi hỏi này hơi khắt khe và khó thực hiện trong điều kiện hiện nay, nhất là vấn đề nhân lực" - ông Thi bày tỏ băn khoăn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác tại hội nghị vẫn cho rằng sẽ khó có thể có kết quả kiểm định đáng tin cậy nếu không thành lập được các trung tâm kiểm định độc lập. Bà Phương Nga cho rằng nhìn ra các nước, không có nước nào cơ sở kiểm định ĐH lại nằm trong trường ĐH.

Theo quan điểm của bà Phương Nga, việc tách các trung tâm kiểm định độc lập vẫn phải là xu thế hướng đến. Trong đó những người tham gia kiểm định phải được Cục Quản lý chất lượng cấp chứng nhận kiểm định viên. Và cần có bộ tiêu chuẩn, tiêu chí riêng kiểm định các lĩnh vực đào tạo khác nhau, chứ không sử dụng bộ chung cho tất cả các cơ sở, ngành đào tạo.

Kiểm định chương trình chưa được quan tâm

Kiểm định chương trình mới là yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng ĐH là ý kiến chung của nhiều chuyên gia tại hội nghị. Ông Chu Hồng Thanh nêu con số cả nước có 3.000 chương trình đào tạo ĐH, nhưng số chương trình được công nhận kiểm định lại quá ít do việc thực hiện kiểm định chương trình chưa được quan tâm, thực hiện chậm.

Trao đổi bên lề với Tuổi Trẻ, ông Lê Mỹ Phong cho biết tính đến nay có 72% số chương trình tự đánh giá. Nhưng mới chỉ có 64 chương trình được đánh giá ngoài. Trong đó số chương trình được công nhận kiểm định trong nước mới chỉ có 19.

Theo các chuyên gia, khi không có ràng buộc về việc kiểm định chương trình, trong bối cảnh các trường hướng đến tự chủ thì không chỉ xảy ra việc đào tạo kém chất lượng mà còn nảy sinh những sai phạm trong mở ngành, đào tạo, trong cam kết với người học.

"Dù thế nào thì vấn đề cấp bách đặt ra là cần đẩy nhanh tốc độ kiểm định các chương trình đào tạo" - ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đề nghị.

Lần đầu tiên 3 đại học Việt Nam vào bảng xếp hạng đại học tốt nhất toàn cầu Lần đầu tiên 3 đại học Việt Nam vào bảng xếp hạng đại học tốt nhất toàn cầu

TTO - Lần đầu tiên 3 cơ sở đại học Việt Nam là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và Trường đại học Bách khoa Hà Nội lọt vào bảng xếp hạng đại học tốt nhất toàn cầu của tuần san Times Higher Education, Anh quốc.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên