Đa số thầy cô đều nóng giận, nhưng với tư cách thầy cô giáo thì phải xử lý tình huống đó ra sao mới là vấn đề quan trọng.
Tôi xin mạo muội góp một vài ý kiến coi như là kinh nghiệm cá nhân trong việc “người thầy kiềm chế cơn nóng giận” để giúp “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
"Đâu đâu ta cũng thấy được sự hiện hữu và tác động vô hình của nguyên lý “tảng băng trôi”. Phần nổi là phần ta nhìn thấy được, còn phần chìm lớn hơn rất nhiều ta lại không nhìn thấy được, nhưng chính những phần chìm như thế mới thật sự đáng quan tâm" |
Nguyên lý “tảng băng trôi” của Hemingway: 1/8 phần nổi, 7/8 phần chìm dưới nước.
Cũng như vậy, trong mọi sự vật, sự việc trên đời này đều có hai mặt: một mặt nổi và một mặt chìm. Nhưng thường con người chỉ chú tâm đến cái mặt nổi, chăm chú vào đó để rồi bỏ quên cái mặt chìm kia.
Con tàu Titanic bị đắm không phải vì phần nổi của tảng băng mà vì phần chìm của tảng băng. Thường chính những phần chìm đó, những cái mà mọi người ít ai để ý, quan tâm sẽ gây ra nhiều vấn đề nhất.
Nguyên lý này đã được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực đời sống: giáo dục, chính trị, kinh tế, văn hoá... và đều cho ta những lý giải, những đáp án rất hợp tình hợp lý. Áp dụng vào sư phạm cũng như vậy. Lấy ví dụ học trò “không thuộc bài”:
Phần nổi: không thuộc bài. Nếu xét việc “học sinh không thuộc bài” theo tư duy thông thường: không thuộc bài - lười biếng - tính xấu - hình phạt (và khi nóng giận quá thầy sẽ có những hành động không kiềm chế, phản giáo dục...).
Phần chìm: nếu xét việc “học sinh không thuộc bài” theo nguyên lý “tảng băng trôi”, sau khi tìm hiểu “mạch ngầm”, ta sẽ có thể đưa ra cách giải quyết hợp lý nhất. Vì nếu chịu khó nghĩ tới phần chìm, ta sẽ có thể hết nóng giận, thậm chí hiểu và thương yêu học sinh nhiều hơn.
1. WHAT (học sinh học những bài gì?): học sinh về nhà không chỉ học một bài của thầy mà còn phải học nhiều bài của những thầy cô khác. Có một lần (khi đó tôi làm hiệu trưởng), một cô giáo đưa đến cho tôi một em học sinh để hiệu trưởng xử lý vì cô “bó tay” trước tính “lì lợm, lười biếng không chịu học bài” của em này. Tôi hỏi cô giáo là bài nào thì cô đưa ra bảy bài văn mẫu (mỗi bài khoảng 3 trang). Tôi trả lời cô giáo: “Đến tôi cũng không học thuộc nổi những bài này, huống chi em học sinh nhỏ bé kia”.
2. WHO (ai ra bài học?): bài học do tác giả trong sách giáo khoa hay do chính thầy cô soạn ra (vì có những bài rất khó hiểu, “khó nuốt” đối với lứa tuổi học trò).
3. WHEN (học bài vào lúc nào?): có những em về nhà phải tất bật giúp cha mẹ mưu sinh, cũng có trường hợp buổi tối ở những xóm trọ, xóm lao động mở karaoke ầm ĩ... học sinh không thể học bài được.
4. WHERE (học ở đâu?): có những em nhà nghèo thì làm sao có góc học tập, thậm chí đèn đóm cũng bị hạn chế...
5. WHY (tại sao không thuộc bài?): có một lần dạy buổi trưa, trời nóng lại gặp trường hợp học sinh không thuộc bài, tôi bắt đầu nóng giận nhưng còn kịp hỏi: “Vì sao em không thuộc bài?”. Em trả lời: “Vì ba em vừa mới mất do tai nạn”. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì kịp kiềm chế cơn giận.
6. HOW (giải quyết như thế nào?): nếu trả lời xong năm câu hỏi trên thì chắc chắn thầy cô sẽ có cách giải quyết hợp lý nhất.
* Có là người trực tiếp đứng lớp mới cảm nhận đầy đủ áp lực của một người thầy! Ngoài áp lực về kiến thức, người thầy còn chịu áp lực bởi những hành vi thiếu tôn trọng của học sinh. Tôi thừa nhận hành vi của người thầy trong đoạn clip là sai hoàn toàn, nhưng hành vi đánh lại thầy càng sai hơn, đó là biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức trong học đường. Nếu xã hội và gia đình không bắt tay hợp tác để giáo dục con em mà cứ phó mặc tất cả cho nhà trường thì sẽ còn những hành vi như kể trên. Đinh Văn Tâm * Sự việc đã rõ ràng hiệu trưởng hay BGH nhà trường không ra được quyết định kỷ luật hay sao mà chờ ý kiến chỉ đạo của sở GD-ĐT? Nếu sở cũng báo cáo Bộ GD-ĐT và cũng chờ “ý kiến chỉ đạo” nữa thì sao? Thầy giáo đánh học trò như vậy mà vẫn còn được đứng lớp? Học sinh đánh trả thầy giáo cũng phải có hình thức giáo dục các em chứ? Sở GD-ĐT chỉ đạo xử lý nghiêm thì hãy thực hiện ngay, chớ nên hô hào khẩu hiệu. Sự kiện thật đau lòng trong ngành giáo dục nhưng không đến nỗi quá phức tạp, có gì lấn cấn mà ban giám hiệu, sở GD-ĐT còn lúng túng? Nguyễn Văn Minh * Nguyên nhân của mọi nguyên nhân vẫn là từ cách ứng xử của giáo viên. Thiết nghĩ trong công tác đào tạo sư phạm cần chú ý nhiều và nhiều hơn nữa đến đạo đức thầy giáo tương lai, bởi nhân cách người thầy có ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài trong đời sống xã hội. Mặt khác, việc giáo dục học sinh cũng nên giáo dục đạo đức, chứ không chỉ đơn thuần là kiến thức khoa học và “giáo dục công dân” như hiện nay. thaidonghaikt@ * Vẫn biết có nhiều thầy cô đang từng ngày cống hiến hết mình vì sự nghiệp trồng người. Nhưng thú thật cũng không ít người xem bục giảng, phấn trắng chỉ là nơi kiếm chén cơm từng ngày. Họ trở thành những chiếc máy nói vô hồn. Bài giảng của họ trở nên nặng nề và vô cảm. Tôi dám chắc những người thầy đã hành xử cách thô bạo như trong clip chưa bao giờ kiên nhẫn đọc những cuốn sách hay về sư phạm như Bài ca sư phạm, Tâm hồn cao thượng, các sách triết học về đạo đức, tư tưởng... Không đọc, không suy ngẫm, không rèn luyện tư cách thì hành xử như côn đồ trong nhà trường là điều đương nhiên. Nguyễn Dũng * Hồi đi học thi thoảng tôi vẫn bị đòn khi vi phạm nhưng cách đánh của thầy cô ngày xưa rất đàng hoàng, đánh để răn dạy, xuất phát từ chính lòng yêu thương học trò. Thầy cô thường dạy trước rồi mới đánh. Mỗi lần như vậy, tự những đứa học trò càng sợ, càng ngoan. Phụ huynh khi mang con đến trường còn nhờ thầy “đánh cho nó nên người”. Và những gì thầy cô dạy ngày xưa mình vẫn nhớ đến giờ. Nói thế không có nghĩa là mình đồng tình với việc đánh học sinh, nhất là cách đánh đôm đốp, quát tháo như ngoài chợ búa như thế kia. dxnhut00@ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận