16/11/2019 09:28 GMT+7

Kịch tính vụ điều trần về ông Trump

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Chính trường Mỹ chia rẽ vì các phiên điều trần lịch sử liên quan tới câu hỏi liệu Tổng thống Donald Trump có gây áp lực, mượn tay Ukraine để triệt hạ đối thủ chính trị Joe Biden?

Kịch tính vụ điều trần về ông Trump - Ảnh 1.

Cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch tuyên thệ trước phiên điều trần - Ảnh: Reuters

Trong những ngày tới, chính quyền ông Trump dự kiến có những diễn biến nóng hổi khi cuộc điều tra luận tội tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn quan trọng.

Các cuộc điều trần "lịch sử"

Ngày 15-11 theo giờ Mỹ sẽ là lúc người dân quan tâm tới cuộc luận tội ông Trump ngóng chờ hai diễn biến chính: phiên điều trần tiếp theo của một cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, và phần nội dung cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Bà Marie Yovanovitch, đại sứ Mỹ tại Ukraine giai đoạn 2016-2019, là nhân chứng thứ ba đưa lời khai trong một chuỗi điều trần công khai trên sóng truyền hình liên quan tới cuộc điều tra luận tội này. Bà Yovanovitch đã bị ông Trump rút khỏi nhiệm vụ ở Ukraine từ tháng 5 năm nay. 

Chính vì vậy các nhà điều tra đang xem xét một chi tiết then chốt: liệu ông Trump có cố ý đẩy người phụ nữ 61 tuổi và 33 năm kinh nghiệm ngoại giao này ra khỏi công tác ở Ukraine để tiện bề thực hiện một kế hoạch móc nối nào đó với chính quyền Ukraine hay không?

Về phần mình, những người bảo vệ ông Trump cho rằng các đại sứ được làm nhiệm vụ theo ý muốn của ông Trump, và hoàn toàn dễ hiểu khi tổng thống quyết định triệu hồi những ai mà ông muốn.

Bên cạnh các phiên điều trần được truyền thông Mỹ cho là "lịch sử" này, ngày 15-11 của người Mỹ cũng sôi động khi Tổng thống Trump tuyên bố công khai nội dung cuộc điện đàm với tổng thống Ukraine. 

Hiện nay, được biết ông Trump và ông Zelenskiy có hai cuộc điện đàm trong diện nghi ngờ vào tháng 4 và tháng 7-2019. 

Đảng Dân chủ cho rằng trong cuộc điện đàm vào tháng 7 này, ông Trump đã có hành động lạm dụng quyền lực tổng thống của nước Mỹ, cụ thể là quyền cấp hoặc rút hỗ trợ quân sự cho Ukraine, để đổi lại yêu cầu tổng thống Ukraine điều tra một thành viên của Đảng Dân chủ.

Cuộc điều tra nêu trên được cho muốn nhắm vào ông Joe Biden, cựu phó tổng thống Mỹ dưới thời ông Barack Obama. 

Vấn đề ở chỗ ông Biden cũng đang là một ứng viên khá nổi bật của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2020, tức phe Dân chủ đồ rằng ông Trump muốn lợi dụng thế lực nước ngoài để triệt hạ đối thủ chính trị trong nước.

Từ lúc thông tin về cuộc điện đàm tháng 7 rò rỉ, Đảng Dân chủ đã thành công trong việc khởi động cuộc điều tra luận tội nhằm vào Tổng thống Trump, vốn dĩ tiềm ẩn nguy cơ khiến ông Trump bị phế truất.

"Thủ bài"

Dù chưa có kết quả sau cùng, cuộc điều tra luận tội này cũng được xem là cách Đảng Dân chủ làm mất uy tín của ông Trump trong thời điểm sắp diễn ra bầu cử Mỹ. 

Vị tổng thống này vào chiều 14-11 (giờ Mỹ) đã trấn an các thành viên Đảng Cộng hòa bằng một cuộc họp, trong đó ông cho các đảng viên Cộng hòa xem qua nội dung cuộc gọi với tổng thống Ukraine, vốn dự kiến được công bố như đã nêu.

Báo Politico dẫn các nguồn thạo tin cho hay các thành viên Cộng hòa được mời tới gồm thượng nghị sĩ Bill Cassidy (bang Louisiana), Kevin Cramer (North Dakota), Mike Crapo (Idaho), Ted Cruz (Texas), Steve Daines (Montana), Deb Fischer và Ben Sasse (Nebraska), Thom Tillis (North Carolina), Mike Enzi (Wyoming) và Jerry Moran (Kansas).

Chuyện ông Trump tự tin công khai nội dung điện đàm dĩ nhiên khiến phe Dân chủ lo lắng, trong bối cảnh lời khai của cả hai nhân chứng William Taylor và George Kent hôm 14-11 đều bị nhận xét chưa "xinhê", tức chưa đủ chứng minh ông Trump có tội.

CNN, mạng truyền hình chống đối ông Trump quyết liệt nhất nước Mỹ, cũng thể hiện sự chột dạ khi đăng bài rào đón trước nội dung điện đàm bằng dòng tít "Những điều sẽ không thay đổi khi Donald Trump công bố cuộc gọi tháng 4 với Ukraine". 

Nghĩa là, dù cuộc gọi ấy có nội dung "hoàn hảo" cho sự trong sạch của ông Trump như tổng thống Mỹ đã khoe trước đó thì vẫn có những sự thật mà CNN cho rằng không thể thay đổi được.

Những "sự thật" ấy được liệt kê trong bài như sau: (1) Ông Trump nhắc nhở tổng thống Ukraine về việc Mỹ đã hỗ trợ Ukraine rất nhiều; (2) Lưu ý rằng Ukraine đã không trả ơn; (3) Yêu cầu tổng thống Ukraine rà soát một thuyết âm mưu về vụ tấn công mạng máy chủ của Ủy ban quốc gia Đảng Dân chủ; (4) Thúc đẩy một cuộc điều tra nhằm vào cha con ông Biden; và (5) Đề nghị tổng thống Ukraine giữ liên lạc với Rudy Giuliani (luật sư riêng của ông Trump) và Tổng chưởng lý William Barr.

Cả hai chính đảng lớn nhất ở Mỹ đã đấu khẩu kịch liệt những ngày qua, và có vẻ mỗi bên đều còn "giấu bài".

45 phút đầu tiên của cuộc điều trần công khai tối 15-11 (giờ Việt Nam) được dành cho các bài phát biểu mở màn.

Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Adam Schiff đã dành nhiều lời ngợi ca cho cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch và gọi bà Yovanovitch là "cái gai trong mắt Tổng thống Donald Trump" vì cản trở các tính toán chính trị cá nhân của ông.

Về phần mình, cựu đại sứ Yovanovitch khẳng định chính quyền Trump đã có âm mưu loại trừ bà ngay từ mùa hè năm 2018, dù bà đã được đảm bảo rằng có thể tiếp tục nhiệm kỳ đến năm 2020 và không làm gì sai trái.

Trong lúc cuộc điều trần đang diễn ra, Nhà Trắng cũng công bố bản giải mật nội dung cuộc điện đàm vào tháng 4 giữa ông Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Theo đó, ông Trump đã chuyển lời mời thăm Mỹ tới ông Zelenskiy trong cuộc điện đàm.

BẢO DUY

Tỉ phú Bloomberg chi 100 triệu USD cho chiến dịch quảng cáo Tỉ phú Bloomberg chi 100 triệu USD cho chiến dịch quảng cáo 'đấu' ông Trump

TTO - Mặc dù chưa chính thức công bố quyết định tranh cử tổng thống, nhưng ngày 15-11, tỉ phú Michael Bloomberg đã phát động chiến dịch quảng cáo online 100 triệu USD để ‘đấu’ ông Trump.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên