Cảnh Lọ Lem thử giày trong vở Lọ Lem và hoàng tử của sân khấu Hoàng Thái Thanh - Ảnh: T.T.D. |
Năm nay kịch dành cho thiếu nhi tăng số lượng so với năm ngoái, hứa hẹn nhiều sự lựa chọn cho các khán giả nhí.
Hai câu chuyện về nàng Lọ Lem
Lọ Lem và hoàng tử (tác giả: Hoàng Thái Thanh - Tấn Phát, đạo diễn: NSƯT Thành Hội - Tấn Phát) của Hoàng Thái Thanh là vở diễn ra mắt sớm nhất mùa kịch dành cho thiếu nhi năm nay, suất đầu tiên sẽ công diễn vào lúc 19g30 ngày 15-5.
Vở gần như được dựng theo đúng đường dây cổ tích Lọ Lem truyền thống, thay đổi lớn và bất ngờ nhất là ở đoạn thử giày cảnh gần cuối khi cả Lọ Lem (nghệ sĩ Nhã Uyên) và hai cô con gái bà mẹ kế đều ướm vừa chiếc giày.
Gián đoạn một năm vì lý do... dời nhà, chuyển từ Nhà Thiếu nhi thành phố về Nhà Thiếu nhi Q.10, lần trở lại này Hoàng Thái Thanh đầu tư khá lớn về trang phục, cảnh trí, âm nhạc... cho vở diễn.
NSƯT Thành Hội vào vai chuột già hóm hỉnh, bà bầu Ái Như “xảnh xẹ” với vai bà mẹ kế ngoài mặt ngọt nhạt nhưng bên trong xảo trá, tham lam. Hai nghệ sĩ giỏi nghề thật sự làm dàn bao vững chắc để các bạn trẻ tung tẩy. Lọ Lem và hoàng tử đã cố gắng tạo ra nhiều mảng miếng để thu hút các bé, khán giả nhí xem vở sẽ có cơ hội... phụ lựa đậu với Lọ Lem trong cảnh nàng bị bà mẹ kế bắt lựa đậu trắng, đậu đen rồi mới cho đi dạ hội. Vở sẽ diễn luân phiên vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần tại sân khấu Hoàng Thái Thanh đến hết tháng 7. Trẻ em cao dưới 1,1m được miễn phí vé.
Cũng lấy cảm hứng từ câu chuyện Cô bé Lọ Lem kết hợp với truyện Bạch Tuyết và bảy chú lùn, sân khấu Idecaf đã cho ra đời vở kịch Nàng công chúa đi lạc (tác giả: Minh Phương, đạo diễn: Vũ Minh).
Nàng công chúa đi lạc có một câu chuyện kỳ lạ trong một thế giới rất kỳ lạ khi nàng công chúa có ước mơ kỳ quặc được trở thành người xấu, rồi nàng lạc vào nhà của...
Lọ Lem, hóa thân thành Lọ Lem và bị hành hạ... Vở có sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, Đại Nghĩa, Gia Bảo, Đình Toàn, Bạch Long, Đức Thịnh, Mai Phượng...
Nàng công chúa đi lạc diễn suất đầu tiên lúc 20g ngày 22-5 tại nhà hát Bến Thành, sau đó diễn liên tục vào các ngày thứ sáu, bảy, chủ nhật đến ngày 5-7.
Ngoài ra, Idecaf còn diễn lại vở Hoàng tử xấu xí và cô gái tóc vàng với sự góp mặt của dàn diễn viên trẻ tại sân khấu Trần Cao Vân vào 9g sáng chủ nhật hằng tuần, suất đầu tiên vào 9g sáng 1-6.
Sân khấu mới hào hứng phục vụ khán giả nhí
Biết dựng kịch cho thiếu nhi cực kỳ khó khăn và tốn kém, thế nhưng nhiều sân khấu mới ra mắt muốn tạo cảm tình với khán giả nhí cũng cố gắng đầu tư để có sản phẩm phục vụ các bé và phụ huynh dịp hè năm nay.
Sân khấu Sao Minh Béo (Bình Thới, Q.11) ra mắt vở ca múa nhạc kịch thiếu nhi Nữ thần Mặt trăng (tác giả và đạo diễn: Như Ý) vào lúc 17g30 ngày 23-5. Đây là lần đầu tiên sân khấu non trẻ này làm kịch phục vụ khán giả mùa tết thiếu nhi. Kịch là câu chuyện về nữ thần Mặt trăng vì phạm lỗi bị đày xuống trần gian, sau đó bà hạ sinh được hai người con.
Ngọc hoàng vì tức giận tiếp tục xuống trần trừng phạt nữ thần, vì sự an toàn của các con bà buộc phải đổi nhan sắc với Chúa quỷ. Làm sao để các con chấp nhận hình hài khủng khiếp của mẹ?
Làm sao để họ tìm lại cuộc sống an bình khi xưa?... Minh Béo cho biết vở diễn sẽ được thực hiện theo hình thức đan xen vào kịch, cô Tiên sẽ hướng dẫn cho các em kỹ năng sống, cách phân biệt tốt - xấu, ươm mầm tình yêu gia đình...
Vở sẽ diễn 40 suất lúc 17g30 thứ bảy hằng tuần tại sân khấu Sao Minh Béo và 40 suất hợp đồng tại sân khấu Trống Đồng vào 8g30 sáng thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Riêng điểm diễn tại Bình Thới, Q.11 sẽ ưu tiên miễn vé cho các bé từ 10 tuổi trở xuống.
Mới ra mắt vào tháng 4 năm nay nhưng sân khấu Sen Việt (rạp Công Nhân, 30 Trần Hưng Đạo, Q.1) đã nhanh chóng lên sàn tập vở kịch Chuyện tình hoa sim (kịch bản: Lê Chí Trung) để kịp ra mắt khán giả suất đầu tiên lúc 20g ngày 1-6.
Vở mang màu sắc dân gian, thần thoại. Đạo diễn Nguyên Đạt cho biết: “Vở kể về một xứ sở có vị vua vì không hạnh phúc nên ra sức chia rẽ tình yêu của mọi người, trong đó có chuyện tình của cô gái tên Sim và chàng trai Lang Bá...
Một câu chuyện tình yêu đẹp, nhân văn nhưng vì kịch dựng vào mùa kịch cho thiếu nhi nên chúng tôi sẽ dàn dựng một cách nhẹ nhàng với nhiều màu sắc để có thể phục vụ cho cả người lớn lẫn thiếu nhi”.
Nhà hát nghệ thuật Phương Nam kết hợp với đạo diễn Lê Hay dàn dựng vở kịch xiếc rối, dự kiến ra mắt suất đầu tiên lúc 20g ngày 30-5 tại rạp bạt xiếc công viên Gia Định (đường Hoàng Minh Giám, Q.Gò Vấp).
Vở được lấy cảm hứng từ câu chuyện về chú bé người gỗ Buratino, có sự phối hợp các thể loại ca múa nhạc, xiếc, rối và ảo thuật. Ban giám đốc nhà hát đang cân nhắc để chọn cho vở một cái tên thu hút sự chú ý của các bé.
Cũng trong tháng 5 này, một ngày trước Ngày quốc tế thiếu nhi, đạo diễn Lê Hay sẽ ra mắt sân khấu mới tại 213 Lê Trọng Tấn, P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú. Ra đời vào dịp hè nên sân khấu ưu tiên diễn các vở kịch thiếu nhi phục vụ khán giả nhí như Út Bự và bầy hổ,
Ngưu vương náo nhân gian, Siêu quậy tí hon...
Hè này nhà hát Thế Giới Trẻ cũng diễn lại vở kịch thiếu nhi Tên trộm thành Bát Đa (tác giả: Nguyễn Thu Phương, đạo diễn: Ngọc Hùng). Vở sẽ diễn suất 9g30 chủ nhật hằng tuần bắt đầu từ ngày 31-5. Tên trộm thành Bát Đa ra mắt khán giả hè năm ngoái, nhận thấy khán giả còn yêu thích nên năm nay nhà hát quyết định diễn phục vụ lại.
Trở về với lòng yêu thương Về vở Lọ Lem và hoàng tử của sân khấu Hoàng Thái Thanh, nghệ sĩ Ái Như - đồng tác giả kịch bản - chia sẻ: “Cũng là câu chuyện Lọ Lem nhưng chúng tôi gửi vào đó chan chứa ước mơ với cuộc sống hôm nay: hãy gieo yêu thương để gặt hái yêu thương... Và theo ý nghĩa đó, Hoàng Thái Thanh thấy thú vị thêm với cái kết cổ tích vừa đủ của mình: Lọ Lem được đi dự vũ hội ở hoàng cung bằng chiếc xe đẹp và quần áo lộng lẫy của bà Tiên Táo ban cho nhưng đôi giày cô mang - và cũng là chiếc giày nhân duyên của cô - thì là đôi giày của mẹ cô để lại... Và không chỉ mình Lọ Lem thử vừa chiếc giày mà còn có cả những người khác nữa. Vậy thì làm sao để hoàng tử có thể chọn và tìm được Lọ Lem? Hãy trở về với lòng yêu thương và chia sẻ để con tim tìm được con tim... Phải lý giải để các em khi xem kịch vẫn thích thú với câu chuyện cổ tích có hậu và lung linh, nhưng vẫn hiểu hoàng tử tìm thấy Lọ Lem vì tìm được ở đó một tấm lòng nhân ái chứ không phải chỉ tìm thấy người mang vừa chiếc giày”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận