Lâu lắm rồi, làng sân khấu thành phố mới có dịp hè mà tới 7,8 vở xiếc, kịch thiếu nhi cùng ra mắt để phục vụ khán giả nhí.
Kịch thiếu nhi nhiều, chất lượng nâng lên
Nhiều năm trước, cứ đến dịp hè người ta sẽ dễ dàng đọc được những bài báo "than" việc sân khấu kịch thiếu nhi hiu hắt, chỉ có Sân khấu Idecaf một mình một cõi với Ngày xửa ngày xưa.
Thật bất ngờ khi hè năm nay, sân khấu thiếu nhi trở nên rộn ràng. Không chỉ kịch nói mà còn có cải lương, xiếc, múa rối nước…
Giữ vững "thương hiệu" vẫn là Nhà hát kịch Idecaf với Ngày xửa ngày xưa 35, vở Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Huyền thoại mắt thần diễn ở Nhà hát Bến Thành.
Một "đối thủ" mới ra mắt năm ngoái thôi nhưng cũng rất đáng nể là Sân khấu Trương Hùng Minh với Truyện thần tiên 2, vở Mễ Cốc phiêu lưu ký.
Sân khấu kịch thiếu nhi Ban Mai non trẻ hè này ra mắt vở kịch thứ 2 mang tên Colora - Xứ sở rực rỡ.
Nhà hát kịch 5B sau một thời gian dài kiên trì kịch thiếu nhi nay ra mắt tiếp vở Trạm cứu hộ động vật. Sân khấu Quốc Thảo có vở Đảo muôn màu và cuộc thử thách sinh tồn.
Sân khấu Hồng Hạc làm lại vở Thiên thần nhỏ của tôi với ê kíp mới. Nhà hát nghệ thuật Phương Nam có vở xiếc Ầu ơ và chương trình múa rối nước Hoa đất Việt.
Chưa hết, năm nay Sân khấu Sen Việt của đạo diễn Lễ Nguyên Đạt cũng tham gia đường đua với vở nhạc kịch dân ca Nam bộ Lá cờ thêu 6 chữ vàng.
Dù số lượng vở thiếu nhi tăng đột biến nhưng rất mừng là quá phân nửa trong số đó được đầu tư tốt và chất lượng đáng được ghi nhận.
Các sân khấu dường như đã được "tôi luyện" nên dần tiến bộ và biết cách làm chủ trong dàn dựng và biểu diễn kịch thiếu nhi.
Nhiều bài học nho nhỏ ý nghĩa được đưa vào. Mảng miếng xử lý hợp lý để cân bằng tiết tấu vở. Trang phục, cảnh trí, kỹ thuật, kỹ xảo… được đầu tư để tạo nên sự lung linh, bắt mắt, hấp dẫn cho kịch thiếu nhi.
Mừng nhất là các miếng hài xàm, hài nhảm đã giảm đi rất nhiều. Các sân khấu cũng chú ý đến thời lượng chương trình vừa vặn, hạn chế việc diễn viên giỡn hớt khiến vở bị lê thê, kéo dài.
Quá nhiều vở diễn, khán giả bị phân tán
Nếu như năm ngoái người ta "choáng" khi Idecaf và Trương Hùng Minh có thể diễn từ hè đến tận tháng 9 và đạt trên 60 suất thì hè năm nay kỷ lục đó khó lặp lại.
Nhiều ông bà bầu hết hồn và thậm chí "te tua" khi lượng khán giả sụt giảm.
Ông Trầm Thanh Thảo, quản lý việc bán vé ở Nhà hát kịch Idecaf, cho biết tính tới hết tháng 6 thì Ngày xửa ngày xưa diễn được 34 suất.
Theo kế hoạch trong tháng 7 sẽ có 8 suất. Sau đó, nhà hát phải xem tình hình mới quyết định suất diễn cho tháng 8. Và có lẽ vở sẽ khép lại vào tháng 8 chứ không kéo dài qua tháng 9.
Ông Thảo nói: "Lượng khán giả năm nay giảm so với năm ngoái, đặc biệt suất tối chủ nhật rất yếu, chỉ khoảng 400-500 vé".
Nghệ sĩ Việt Hương cho biết lượng khán giả đến Mễ Cốc phiêu lưu ký có giảm so với năm ngoái. Hiện vở đã diễn được 20 suất, trong tháng 7, 8, chị bận các dự án về phim ảnh nên cũng khó sắp lịch diễn nhiều. Thế nên, vở có lẽ khó đạt thành công 60 suất như Truyện thần tiên năm ngoái.
Đạo diễn Bảo Chu của Sân khấu Ban Mai cho biết vở mới của sân khấu hiện cũng chỉ đạt 50% ghế mỗi suất.
Bà bầu Mỹ Uyên cũng rầu khi lượng khán giả sụt giảm. Chị nghĩ rằng thật ra khán giả kịch chỉ có nhiêu đó nên vở thiếu nhi ra nhiều thì khán giả phân tán là điều tất yếu.
Không chỉ vậy, nhiều ông bà bầu cho rằng kinh tế hiện cũng chưa hồi phục hoàn toàn nên khán giả mua vé rất cân nhắc.
Kịch thiếu nhi ra nhiều kéo theo hệ lụy là diễn viên chạy tứ tán, dẫn đến làm kịch thiếu nhi hiện tại cũng rất khó khăn.
Trước tình hình căng thẳng năm nay thì người làm nghề dự đoán năm sau nhiều ông bà bầu sẽ phải tính toán, cân nhắc khi làm kịch thiếu nhi.
Tuy nhiên, có những người tỏ vẻ kiên trì và cho rằng đừng dựa vào khán giả cũ, mạnh dạn bền bỉ để xây dựng, tìm kiếm lớp khán giả mới cho kịch thiếu nhi.
Đại diện Idecaf cho biết chỉ có hai năm sau dịch bệnh là Ngày xửa ngày xưa rần rần với 55 và 62 suất. Với chương trình bình thường, tính luôn mùa trung thu chỉ khoảng 30-32 suất. Nếu đạt chừng 42 suất là coi như thắng.
"35 chương trình Ngày xửa ngày xưa thực tế chỉ có chừng 10-12 chương trình thắng nên với tình hình này chúng tôi có lo nhưng không bất an. Năm sau chúng tôi vẫn sẽ đầu tư lớn để giữ vững chất lượng đã được khán giả nhí yêu thích" - đại diện nhà hát nói.
Nghệ sĩ Mỹ Uyên cho biết tới bây giờ chưa vở kịch thiếu nhi nào của chị lấy lại vốn. "Kiểu bỏ thì thương, vương thì tội. Nhưng chúng tôi cũng ráng để xây dựng điểm diễn quen thuộc, tạo thói quen cho khán giả đến xem kịch thiếu nhi hàng tuần" - Mỹ Uyên tâm sự.
Vở của Việt Hương đầu tư cả tỉ đồng nhưng chị nói may mắn vì có hoạt động mảng kinh doanh nên được tài trợ. Với 20 suất diễn, vở có thể lấy lại vốn, diễn nữa thì vở sẽ có lời nên chị vẫn còn động lực duy trì kịch thiếu nhi.
Đạo diễn Bảo Chu cho biết khi làm sân khấu kịch thiếu nhi ê kíp đã xác định phải bù lỗ một thời gian. Vì vậy, họ vẫn bình tĩnh và vẫn lên kế hoạch một năm làm 4 vở.
Ngoài ra, các sân khấu còn năng động phối hợp với các trường để diễn hợp đồng, thực hiện workshop. Khoản thu không quá lớn nhưng cũng đủ để các sân khấu cầm cự và kéo dài các suất diễn.
Làm kịch thiếu nhi dường như chưa bao giờ là điều dễ dàng…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận