TTO - Những ngày này, các sân khấu kịch thành phố đang gấp rút hoàn thành các vở diễn để kịp phúc khảo, chuẩn bị cho mùa Tết, mùa của sân khấu kịch đang đến.

Kịch Tết: Những câu chuyện tình người - tình Sài Gòn - Ảnh 1.

Mùa Tết năm nay, tràn ngập trên các sàn kịch sẽ là những câu chuyện tình người ấm áp, đầy yêu thương. 

Có lẽ bởi mùa Tết, khán giả đến với sàn kịch nói riêng và sân khấu giải trí nói chung phần lớn đều muốn được cười, được thư giãn sau một năm lao động vất vả nên đa số các vở kịch Tết đều ưu tiên chọn màu sắc hài. 

Tuy nhiên, năm nay điều đáng mừng là đa phần tiếng cười được xây dựng từ những vở diễn có thông điệp ý nghĩa, lồng ghép những câu chuyện tình người với cái nhìn nhân văn.

Nhấn mạnh tình nghĩa, tính cách của người Sài Gòn rõ nhất là hai vở kịch Sài Gòn có một ngã tư (sân khấu Hoàng Thái Thanh) và Hẻm nhỏ Sài Gòn của Nhà hát kịch Thành phố. Bên cạnh đó, có không ít những câu chuyện, những nỗi niềm riêng được các sân khấu kịch khai thác.

Cảnh trong vở Hẻm nhỏ Sài Gòn

Mượn màu sắc tâm linh, tác giả và đạo diễn Bùi Quốc Bảo đã gởi gắm tình cảm mẫu tử khá xúc động trong vở Sứ giả thiên đường

Đó cũng có thể là những con người trao yêu thương, tình cảm với những mảnh đời bất hạnh như cô giáo Xuân muộn chồng ở nhà mở Thiện Nguyện trong vở Bao giờ mẹ lấy chồng (tác giả: Nguyễn Bảo Ngọc, đạo diễn: Ngọc Hùng). 

Hoặc câu chuyện tình yêu ngang trái của cô kỹ nữ Trà My và bác sĩ Bảo trong vở Tình kỹ nữ (tác giả: Thành An - Bảo Ngọc, đạo diễn: Hồng Phúc). Ba vở diễn trên đều của sân khấu Thế giới trẻ.

Trích đoạn vở Tình kỹ nữ - Video: GIA TIẾN

Idecaf lồng ghép trong vở diễn mang màu sắc trinh thám, hành động - hài Thám tử si tình (kịch bản: Tùng Phi - Thanh Hồng, đạo diễn: Vũ Minh) là nạn bạo hành trong gia đình. 

Ngọc Lan trong gió (Tác giả: Minh Phương - Cát Phương, Đạo diễn: NSND Hồng Vân - Minh Phương) là câu chuyện về nỗi niềm sâu kín của những đứa con sinh ra trong gia đình không hạnh phúc. 

Trong khi đó, Thầy giáo ma (tác giả: Thanh Bình Nguyên - Minh Vy, đạo diễn: Nhựt Huy – Phúc Thiện) lại là câu chuyện khá đau lòng về mối quan hệ thầy trò ở học đường…

Đa số các vở diễn nói trên đều xây dựng những tình huống hài nhưng hài không quá hời hợt. Khán giả có thể cười không ngớt với Bao giờ mẹ lấy chồng hoặc Thám tử si tình, nhưng đâu đó vẫn có những giây phút lắng đọng, và vì vậy tiếng cười thêm ý nghĩa trong xuân đang về.

Kịch Tết: Những câu chuyện tình người - tình Sài Gòn - Ảnh 4.

Theo đánh giá của giới làm nghề, từ giữa cuối năm 2017 và bước sang năm 2018, sân khấu thành phố đang có một sự chuyển động tích cực. 

Chất lượng các vở diễn được chú ý hơn và bước đầu tạo được niềm tin cho khán giả.

Đạo diễn - NSUT Trần Minh Ngọc, thành viên hội đồng phúc khảo của Sở VH-TT TP.HCM nhìn nhận: "Thời gian gần đây, có thể nói một số sân khấu có sự đầu tư nghiêm túc hơn, ít đi những vở bầy hầy, chất lượng vở diễn khá hơn. Đây có thể xem là dấu hiệu tốt cho sân khấu thành phố. Các sân khấu có sự nghe ngóng lẫn nhau. Thấy sân khấu khác làm vở tử tế thì mình cũng thay đổi, chỉnh đốn lại, bớt đi những chiêu trò".

Kịch Tết: Những câu chuyện tình người - tình Sài Gòn - Ảnh 5.

Trước Tết, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn còn lo lắng vì thời gian nghỉ Tết không dài. 

Tuy nhiên, đến nay ông bầu này tỏ vẻ rất thoải mái cho biết vé cho các xuất diễn từ mùng 1 - mùng 5 Tết (mỗi ngày 3 suất) đã bán gần hết, chỉ còn vài suất thiếu một, hai hàng ghế cuối. 

Trong khi đó, vở Bao giờ mẹ lấy chồng của sân khấu Thế giới trẻ dù chưa bước vào mùa Tết đã trở thành vở diễn cháy vé.

Như mọi năm, mùa kịch Tết năm nay hứa hẹn sẽ đông vui đến rằm tháng Giêng. Bởi sau mùng 5 Tết, khán giả về quê ăn Tết trở về thành phố sẽ bổ sung thêm cho sàn kịch lượng khán giả mới, lúc này các sân khấu cũng sẽ "châm" thêm kịch mục những vở diễn vẫn còn hot trong năm để tiếp tục phục vụ nhu cầu thưởng thức kịch của khán giả.  

Kịch Tết: Những câu chuyện tình người - tình Sài Gòn - Ảnh 6.
Kịch Tết: Những câu chuyện tình người - tình Sài Gòn - Ảnh 7.
Kịch Tết: Những câu chuyện tình người - tình Sài Gòn - Ảnh 8.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh với vở Sài Gòn có một ngã tư (tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: NSƯT Thành Hội) được cảm tác từ truyện ngắn Ừ đi. Ừ! của nhà văn Trần Kim Trắc.  

Diễn viên: NSƯT Thành Hội, Ái Như, Hoàng Vân Anh, Đoàn Thanh Tài, Ngọc Duyên, Thái Quốc, Thế Hải, Công Hiển...

Vở xoay quanh những mảnh đời ở ngã tư Quốc tế ồn ào, nhộn nhạo của Sài Gòn. 

Ngã tư đó có cô Thanh xinh đẹp làm nghề hốt rác. Thanh yêu Nhành, anh chàng giác hơi dạo nhưng bị ông Thông chạy xe ba gác (là ba Nhành) phản đối vì trong quá khứ Thanh làm nghề bán thân. 

Ông Thông có con chó kiểng với cái tên kêu thiệt kêu Lý Lệ Hoa mà ông cưng như vàng ngọc. 

Một ngày, tự nhiên Lý Lệ Hoa biến mất, ông Thông buồn đứt ruột và lôi Nhành và Thanh ra mà tru tréo vì cho rằng tụi nhỏ toa rập bắt mất con chó của ông. Để mong được ông Thông thương, Thanh đã có một quyết định bất ngờ…

Trích đoạn vở Sài Gòn có một ngã tư - Video: GIA TIẾN

Cảnh trong vở Sài Gòn có một ngã tư

Kịch Tết: Những câu chuyện tình người - tình Sài Gòn - Ảnh 11.

Đã khá lâu, Nhà hát kịch TP.HCM mới giới thiệu đến khán giả vở kịch mới. Hẻm nhỏ Sài Gòn (tác giả: Vương Huyền Cơ) với bàn tay dàn dựng của đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu. 

Ngay khi vừa phúc khảo, vở đã tạo được cảm tình với một câu chuyện dung dị nhưng vẫn nóng bỏng tính thời sự.

Chuyện xảy ở cái hẻm ngay trung tâm Sài Gòn. Khu đất rộng lớn ở hẻm nhỏ đó thuộc đất tổ tiên có tuổi đời cả trăm năm của gia đình ông Bình. 

Ông Bình được mọi người kính trọng vì sống đức độ, giản dị và nhơn nghĩa với dân tứ xứ. Ông cho cô Ngọc mượn đất bán quán cà phê cóc nuôi chồng bị bệnh nặng. Giúp chú Mười chiếc xe để chạy xe ôm. Cho Tài Bolreo mượn tiền để mua dàn loa bán kẹo kéo và thỏa mãn đam mê ca hát…

Một ngày, ông Hoàng, tổng giám đốc một công ty xây dựng đến thương lượng mua lại mảnh đất nhà ông Bình để giải tỏa xây dựng cao ốc và trung tâm thương mại. 

Trích đoạn vở Hẻm nhỏ Sài Gòn - Video: GIA TIẾN

Liệu ông Bình có đồng ý và chuyện gì sẽ xảy ra với hẻm nhỏ? Vở có sự tham gia của các diễn viên: Anh Tuấn, Thái Kim Tùng, Mai Phương, Thanh Tuấn, Lê Vinh…

Kịch Tết: Những câu chuyện tình người - tình Sài Gòn - Ảnh 13.

Tết này sân khấu Idecaf mang đến cho khán giả vở hài kịch mang màu sắc trinh thám - hành động Thám tử si tình (kịch bản: Tùng Phi – Thanh Hồng, đạo diễn: Vũ Minh). 

Vở mở đầu với sự hoang mang của phái nữ khi liên tiếp xảy ra vụ việc một tên biến thái bí ẩn tấn công phụ nữ và cắt tóc họ một cách nham nhở. 

Điều đặc biệt là tên biến thái chỉ tấn công những phụ nữ có nốt ruồi trên gương mặt. Để điều tra và quyết tâm tìm ra tên biến thái, thám tử Trần Tư đã vào cuộc…

Nhân vật trung tâm của vở diễn, thám tử Trần Tư, do nghệ sĩ Thành Lộc đảm nhiệm. Với bản lĩnh sân khấu của mình, Thành Lộc có lẽ sẽ đem đến cho khán giả những tràng cười thoải mái với nhân vật thám tử vừa hài hước, vừa cố tỏ ra nguy hiểm, nhưng cũng rất dễ thương, chân tình trong tình cảm. 

Thành Lộc và Lê Khánh (vai Ánh Nguyệt) tạo thành một cặp đôi yêu nhau - ghét nhau rất duyên dáng trên sân khấu. Thám tử si tình còn có sự tham gia của các nghệ sĩ: Hoàng Trinh, Phi Phụng, Đình Toàn, Tuấn Khải, Trường Thịnh, Don Nguyễn…

Trích đoạn vở Thám tử si tình - Video: GIA TIẾN

Kịch Tết: Những câu chuyện tình người - tình Sài Gòn - Ảnh 15.

Bao giờ mẹ lấy chồng (tác giả: Nguyễn Bảo Ngọc, đạo diễn: Ngọc Hùng) là vở hài kịch vui nhộn của sân khấu Thế giới trẻ với sự góp mặt của Tiểu Bảo Quốc, Thu Trang, Tiến Luật, Thuận Nguyễn, Diệu Nhi, Hoàng Phi, La Thành, bé Kim Thư… 

Vở là câu chuyện về cô Xuân (Thu Trang) đã 40 tuổi nhưng chưa lấy chồng. Cô Xuân thương yêu và trở thành mẹ của những đứa bé tội nghiệp trong nhà mở Thiện Nguyện đã mười mấy năm nay. 

Bất ngờ một ngày bỗng dưng có một chàng phi công đẹp như siêu mẫu tên Minh (Thuận Nguyễn) đến ngỏ lời yêu Xuân. Sư kiện này làm chấn động nhà mở và khiến cô Xuân hoảng hốt.

Ai cũng lấy làm lạ, nhưng hóa ra việc này khởi điểm là trò đùa, chàng Minh hào hoa bị các đồng nghiệp ở sân bay thách đố làm sao có thể đánh gục được cô Xuân vừa kém sắc, vừa lớn hơn Minh đến 12 tuổi, lại quê mùa chỉ biết ngày ngày quanh quẩn với lũ trẻ. Chuyện gì sẽ xảy ra với mối tình đũa lệch này?

Trích đoạn vở Bao giờ mẹ lấy chồng - Video: GIA TIẾN

 Cảnh trong vở "Bao giờ mẹ lấy chồng"

Kịch Tết: Những câu chuyện tình người - tình Sài Gòn - Ảnh 18.

Ngọc Lan trong gió (tác giả: Minh Phương - Cát Phương, đạo diễn: NSND Hồng Vân - Minh Phương) là một trong những vở kịch Tết của sân khấu kịch Hồng Vân. 

Vở là câu chuyện bi kịch trong nhà quan phủ giàu có. 

Ông bà phủ mua nàng Ngọc Lan xinh đẹp về làm vợ Sơn Ca, con trai duy nhất của ông bà. 

Đã bao ngày trôi qua mà căn phòng tân hôn vẫn vẫn gối chăn lạnh lẽo. 

Sơn Ca né tránh còn Ngọc Lan mòn mỏi với khao khát tình yêu.

Và rồi cô phát hiện được ánh mắt bất thường của chồng và vũ sư Hoàng Minh, sóng gió bắt đầu xảy ra ở ngôi nhà có vườn ngọc lan lộng gió… 

Vở có sự tham gia của các diễn viên viên: NSND Hồng Vân, Minh Hoàng, Anh Vũ, Lê Lộc, Hoàng Linh, Âu Thành Cát, Hoàng Thy, Xuân Trang…


LINH ĐOAN
GIA TIẾN
THÙY TRANG
BẢO SUZU
02/02/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên