02/08/2017 10:00 GMT+7

Kịch Sài Gòn mong được… 'chơi sang' như kịch Hà Nội?

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Thông tin 'Những vở kịch còn mãi với thời gian' của các đoàn kịch phía Bắc được đưa vào diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội khiến không ít ông bà bầu, nghệ sĩ sân khấu xã hội hóa TP.HCM thấy chạnh lòng...

Cảnh trong vở Bí mật vườn Lệ Chi - một trong những vở kịch xuất sắc của Sân khấu kịch Sài Gòn - Ảnh: G.TIẾN
Cảnh trong vở Bí mật vườn Lệ Chi - một trong những vở kịch xuất sắc của Sân khấu kịch Sài Gòn - Ảnh: G.TIẾN

Tôi cũng muốn đưa vở Bí mật vườn Lệ Chi ra Nhà hát thành phố nhưng chưa có điều kiện. Nếu thành phố tổ chức được hoạt động biểu diễn như các đoàn phía Bắc đang được bộ ưu đãi thì anh em nghệ sĩ rất vui

Ông Huỳnh Anh Tuấn (giám đốc Sân khấu IDECAF)

Chạnh lòng bởi không biết bao giờ sân khấu xã hội hóa thành phố?

Có thể nói sau những năm 1990, bộ mặt sân khấu kịch nói thành phố hiện nay phần lớn là công sức của các đơn vị xã hội hóa.

Hơn 20 năm hoạt động, thời điểm này Nhà hát kịch TP.HCM (đơn vị công lập) hoạt động èo uột thì nhiều sân khấu xã hội hóa như Idecaf, Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh... vẫn nỗ lực để sáng đèn.

Thế nhưng từ lúc cực thịnh đến giai đoạn khó khăn hiện nay, các ông bà bầu vẫn mang nỗi ấm ức vì sân khấu xã hội hóa vẫn bị coi là... con hàng xóm.

1. Ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc Sân khấu IDECAF, nói: “Kể từ sau Liên hoan sân khấu mùa thu lần đầu tiên năm 1998 đến nay, gần như sở và các ban ngành liên quan không tổ chức sự kiện hay hoạt động gì để tạo điểm nhấn, đẩy mạnh sân khấu kịch thành phố.

Chỉ cần mỗi năm làm một đợt 12 - 15 ngày, mỗi sân khấu diễn chừng 1 - 2 suất tại sân khấu sang trọng của Nhà hát thành phố.

Tiền thuê nhà hát mỗi đêm trên tinh thần hỗ trợ. Tôi nghe nói tình hình bán vé trong chương trình biểu diễn các vở diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội khá khó khăn, tuy nhiên tại TP.HCM thì không thành vấn đề.

Mỗi sân khấu xã hội hóa đều có khán giả riêng, nên chúng tôi sẽ đảm bảo tốt chuyện bán vé. Mỗi sân khấu sẽ chọn những vở hay của mình để tham gia như niềm hãnh diện. Và khi được xem, được diễn trong không gian sang trọng như thế, diễn viên, khán giả cảm thấy mình được... cưng hơn”.

2. NSND Hồng Vân nhìn nhận sân khấu phía Bắc và TP.HCM có sự khác nhau. Sân khấu xã hội hóa TP.HCM vẫn sáng đèn mỗi cuối tuần, chỉ có điều là đang yếu đi nên rất cần những hoạt động thiết thực của Nhà nước để tiếp sức.

“Thật ra đem vở diễn từ sân khấu mình ra Nhà hát thành phố không đơn giản, phải có sự đầu tư lại cảnh trí, phông màn cho phù hợp.

Nên chăng chúng ta tổ chức festival với kế hoạch rõ ràng. Ví dụ vào tháng nào đó trong năm sẽ có 10 - 20 suất diễn dành cho các sân khấu kịch trong thành phố. Các đơn vị sẽ lên kế hoạch dựng vở phù hợp với không gian được chọn tổ chức.

Festival đó nói nôm na như hội chợ kịch nói, mỗi sân khấu đem đến sản phẩm thế mạnh của họ để khoe với khán giả. Festival không chỉ là cuộc hội tụ vui vẻ của anh em làm nghề, mà còn khẳng định bộ mặt, sức mạnh của sân khấu kịch nói thành phố” - bà bầu Hồng Vân nói.

Chia sẻ về câu chuyện này, nghệ sĩ Công Ninh cho rằng nếu có đợt biểu diễn như thế thì anh em nghệ sĩ quá vui, là cơ hội tốt để tập trung khán giả, quảng cáo hiệu quả cho sân khấu kịch thành phố. “Thế nhưng chẳng biết bao giờ thành phố mình mới được tạo cơ hội như vậy?” - Công Ninh thở dài.

3. Tuy nhiên ở vai trò quản lý, ông Võ Trọng Nam - phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM - cho biết: “Hoạt động sân khấu phía Bắc không nhộn nhịp bằng phía Nam.

Trong khi đó, sân khấu xã hội hóa thành phố nở nồi, hoạt động biểu diễn hằng đêm, bà con đến xem thường xuyên nên nhu cầu tổ chức hàng loạt đêm diễn như phía Bắc đang làm là không cao. Nếu chúng ta muốn tổ chức như thế thì phải có kế hoạch, phải nhân sự kiện gì đó”.

Một lý do khác để cân nhắc là vấn đề tài chính. Theo ông Nam, hiện Sở Tài chính không duyệt chi cho những chuyện về xã hội hóa.

“Đề xuất cho xã hội hóa thì tài chính không có nguồn để chi. Ngay cả Sở VH-TT cũng chỉ chi cho đơn vị nhà nước, nên việc này muốn làm phải có kế hoạch, có thẩm định để được duyệt.

Còn các đơn vị xã hội hóa muốn về diễn ở Nhà hát thành phố cứ đăng ký với sở để sở tính toán giá cả hợp lý. Nhưng lịch hoạt động của Nhà hát thành phố cũng dày đặc, muốn làm điều này phải thỏa mãn nhiều điều kiện lắm”!

Nhân rộng mô hình

Đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) cho biết trong thời gian tới bộ sẽ tiếp tục đầu tư cho việc xây dựng các chương trình, vở diễn mới, định hình loại hình nghệ thuật phù hợp với không gian nghệ thuật tại Nhà hát lớn Hà Nội; chỉ đạo Tổng cục Du lịch, các đơn vị lữ hành thiết lập các tour cho du khách tham quan nhà hát kết hợp với xem trình diễn nghệ thuật.

“Hiện bộ đang tiếp tục thí điểm xây dựng mô hình này tại Nhà hát lớn Hà Nội, nếu thành công chắc chắn sẽ nhân rộng vào TP.HCM” - vị này cho hay.

ĐỨC TRIẾT

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên