28/08/2015 10:36 GMT+7

Kịch mới tại sân khấu Hoàng Thái Thanh: "Bao giờ sông cạn"

TRÀ MY
TRÀ MY

TTO - Cảm tác từ truyện ngắn Dòng nhớ của tác giả Nguyễn Ngọc Tư, sân khấu Hoàng Thái Thanh giới thiệu đến khán giả vở diễn Bao giờ sông cạn (đạo diễn Ái Như) khai diễn từ hôm nay 28-8.

Nghệ sĩ Ái Như trong Bao giờ sông cạn

Bao giờ sông cạn một lần nữa chứng minh mỗi vở diễn của "sân khấu cánh chuồn" Hoàng Thái Thanh đều đong đầy chữ tình. 

Thà, người đàn bà sống lênh đênh trên ghe, có một mối tình đầy ngang trái với Chờ - người đàn ông đã mang trên mình lời đính ước trăm năm từ cha mẹ hai bên. Ngày Chờ làm đám cưới với Mai, cô bạn gái từ thuở ấu thơ, cũng là ngày một đứa bé ra đời.

Cuộc chạy trốn với người vợ không danh chính ngôn thuận và đứa con thơ chưa được bao lâu thì bi kịch ập đến khi bà Hai, mẹ của Chờ, ra đi trong uất ức, oán hờn. Những nỗi đau, bắt đầu từ đời trước đã tiếp diễn với bao con người của hiện tại. 

Bao giờ sông cạn là chuyện tình của những người sống quá nặng nợ với một chữ tình, không ai nỡ sống lỗi đạo với ai. Và vì cố giữ cho chữ đạo và lời hứa với người đã khuất được vuông tròn mà không một ai được hạnh phúc trọn vẹn.

Mai, người đàn bà có được "một nửa ông chồng", đau đớn thốt lên rằng chỉ cầu cho cái sông trước nhà cạn đi để người chồng của mình đừng vấn vương hồn vía theo dòng nước chảy, theo cô gái năm nào anh dành trọn nghĩa tình.

Sau 18 năm, mọi sự đổi thay vì con sông ấy vẫn chảy và lòng người vẫn đau... Tình yêu của Mai là gánh nặng cho Chờ, tình yêu của Chờ thì trông theo chiếc ghe neo ngoài bến; còn người đàn bà trên ghe thì đêm đêm tát nước như một sự nhắc nhớ người chồng và đứa con mấy chục năm trời xa cách. 

Sông không bao giờ cạn, có chăng chỉ là lòng dạ của tụi bây. Liệu mà sống nghen con!

Ông Út (NSƯT Thành Hội)

Suốt vở diễn, câu hỏi "bao giờ sông cạn để chấm dứt một nỗi đau?" cứ vang lên như một thách thức và dường như không ai tìm được câu trả lời.

Nếu con sông không bao giờ cạn thì nỗi đau có chấm dứt không? Không biết trút oán hờn vào đâu, người ta đổ lỗi cho sông như một thứ cướp đi hạnh phúc, bình an của nhiều cuộc đời. 

Cuối vở diễn, câu nói "người lớn luôn coi mình là ông trời" của cậu con trai bị cướp đi ngày nào dường như đã cởi trói cho tất cả những nợ nần, ân nghĩa của đời trước, đời sau. 

Duyên của Hoàng Vân Anh

Hoàng Vân Anh, cô diễn viên sinh năm 1988, đã có một vai diễn ấn tượng trong vở kịch này. Nếu vẫn thường thấy Vân Anh hợp với những vai nữ sinh, cô gái đỏng đảnh thì trong Bao giờ sông cạn, Vân Anh đã có bước chuyển mình đầy mạnh mẽ khi thể hiện đủ đầy niềm hạnh phúc xen lẫn tủi hờn của một người đàn bà vừa được yêu vừa bị chối bỏ.

Phân đoạn Vân Anh quỳ rạp người cầu xin được giữ lại đứa con đã làm không ít người rơi nước mắt. 

Vai diễn cô Thà khi về già do nghệ sĩ Ái Như thể hiện. Những vai diễn người mẹ luôn là một thế mạnh của chị. Bằng những phản ứng rất khẽ khàng nhưng đầy day dứt khi bị chính con trai của mình đuổi đi, Ái Như lột tả chân thực nỗi đau của một người mẹ không dám xin gì nhiều, chỉ xin "mỗi năm ghe được ghé bến một lần cho nhìn thấy mặt con".

Diễn viên Tuyết Mai cũng khá duyên dáng trong vai Tư "mắm", người phụ nữ vô duyên nhưng tâm tình thật tốt. Tung hứng cùng Tuyết Mai là NSƯT Thành Hội với những đoạn thoại bình dân rất đặc trưng, lấy tiếng cười của khán giả "ngọt xớt". 

Diễn viên Đoàn Thanh Tài và Hoàng Vân Anh
TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên