12/05/2012 07:49 GMT+7

Kịch ma hết chiêu

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Nhà hát Thế giới trẻ vừa ra mắt thêm một vở kịch ma tên Am khuya. Đây là vở kịch ma thứ 20 của làng kịch TP.HCM với những chiêu trò hù dọa bổn cũ soạn lại, gây nhàm chán cho khán giả.

4Wjqgdtu.jpgPhóng toQLHYmn0E.jpg8buhhPXj.jpg
Những cảnh kinh dị quen thuộc của kịch ma - Ảnh: Gia Tiến - Mt.le

Còn nhớ cách đây mấy năm, sân khấu Phú Nhuận cho ra mắt vở kịch ma đầu tiên với tên Người vợ ma (tác giả Xuyên Lâm, đạo diễn Thái Hòa) đã nhận được những phản hồi tích cực không ngờ từ cả giới chuyên môn lẫn khán giả. Với một câu chuyện kịch có những cao trào bất ngờ và tình tiết chặt chẽ, Người vợ ma đặc biệt ghi điểm bằng những mảng miếng dàn dựng rất đắt: cảnh các đồ vật bỗng nhiên chuyển động, bức chân dung người vợ đầy ám ảnh, chiếc giường trắng, con búp bê tóc xù, hiệu ứng âm thanh và ánh sáng bất ngờ làm khán giả giật mình...

Vở diễn đã tạo nên cơn sốt vé với những suất diễn kín rạp, có khi còn phải kê thêm ghế phụ. Khán giả kháo nhau đi xem ma một cách trực diện ngay trên sân khấu, để được nếm mùi sợ hãi không kém gì xem các bộ phim kinh dị nước ngoài.

Bội thực... hồn ma treo cổ

Thành công của Người vợ ma đã mở đường cho hàng loạt vở kịch ma, kịch kinh dị liên tiếp ra mắt trên các sân khấu kịch ở TP.HCM từ đó đến nay. Trong đó, nơi “nhiều ma” nhất là các sân khấu Hồng Vân (các vở Người vợ ma 2, Quả tim máu, Sám hối, Căn hộ 404, Ma sói, Thứ sáu ngày 13...), sân khấu Kịch Sài Gòn (Hồn ma báo oán, Quỷ, Biệt thự ma, Hồn trinh nữ, Áo cho người chết...) và Nhà hát Thế giới trẻ (Lầu hoang, Biệt thự bí ẩn, Ðiện thoại nửa đêm, Họa hồn, Am khuya...). Vì là kịch ma nên nội dung các vở diễn này đều xoay quanh những câu chuyện bí ẩn và kỳ quái, môtip thường thấy nhất là: một hay nhiều cái chết oan trong quá khứ dẫn đến những hiện tượng kỳ lạ của hiện tại, rồi trả thù, rồi bị phát hiện, rồi sám hối...

Và để kể những câu chuyện kiểu như vậy, các đạo diễn bắt đầu áp dụng những chiêu thức hù dọa của kịch ma nhằm làm khán giả la hét càng nhiều càng tốt. Chiêu thức “kinh điển” nhất mà tất cả vở kịch ma đều có là những hồn ma mặc áo trắng, tóc đen xõa dài rũ rượi (dù là ma nam hay ma nữ). Hồn ma có thể lừ đừ đi qua đi lại trên sân khấu, lởn vởn trong những khung cảnh nhá nhem hay bất ngờ xuất hiện từ phía khán phòng, sát bên khán giả. Chiêu này quen thuộc đến nỗi khi xem một vở kịch ma, cứ hễ thấy đèn tối dần là người xem biết ngay sắp đến màn trình diễn của vài anh chị hồn ma nào đó, nên cũng không còn sợ như trước nữa.

Một cảnh khác cũng được các đạo diễn sử dụng nhiều không kém là cảnh treo cổ tự tử. Có lẽ đây là một cảnh tượng ghê rợn và có khả năng gây ám ảnh khi nhìn thấy nên hầu như vở kịch ma nào cũng có nhân vật chết vì treo cổ. Cảnh này thường được thực hiện với hình nộm hoặc người thật (với kỹ thuật hỗ trợ), kèm hiệu ứng âm thanh, ánh sáng đã gây ấn tượng mạnh cho khán giả trong nhiều vở kịch ma. Tuy nhiên, các đạo diễn đang ngày càng lạm dụng chiêu này, thậm chí lặp lại nhiều lần trong cùng một vở diễn nhằm gia tăng mức độ rùng rợn, dẫn đến sự ớn lạnh của khán giả không phải vì sợ mà vì ngán ngẩm.

Thường thì những ngôi trường hẻo lánh, căn gác cũ, biệt thự bỏ hoang, cô nhi viện, ngôi miếu cổ rất thích hợp để các tác giả và đạo diễn “chọn nơi gửi... ma”. Khi lên kịch, những nơi này sẽ được sân khấu hóa bằng những cảnh trí, kèm theo cách bố trí ánh sáng để tạo nên một không gian âm u, lạnh lẽo nhất có thể. Vậy nên khi xem kịch ma, chưa vào rạp khán giả cũng đoán được không gian sân khấu qua những cái tên của vở: Ngôi trường số 13, Lầu hoang, Biệt thự bí ẩn, Am khuya, Căn hộ 404...

Và trong những cảnh tranh tối tranh sáng đó, những tiếng động bất ngờ, tiếng hét thất thanh, tiếng khóc tỉ tê, tiếng ru ai oán... là những chiêu thức về âm thanh thường xuyên được sử dụng. Nhưng cái gì làm hoài cũng nhàm, những hiệu ứng về âm thanh như thế cứ lặp đi lặp lại, thậm chí trong những khung cảnh chẳng có gì đáng sợ nhưng âm thanh vẫn cứ dội ầm ầm khiến không ít khán giả thấy mệt mỏi.

Hù là chính

Không thể phủ nhận từ khi có trào lưu kịch ma, các đạo diễn đã không ngừng tìm tòi và sáng tạo trong cách dàn dựng, nhằm đáp ứng nhu cầu “được sợ hãi” ngày càng cao của khán giả. Cảnh con búp bê treo ngược trong Người vợ ma, hồn ma lơ lửng bên cửa sổ trong Quỷ, chiếc hòm bất ngờ bật nắp trong Lầu hoang, những bức tranh rùng rợn trong Họa hồn... là những miếng dựng từng gây ấn tượng cho người xem.

Nhưng sau tất cả chiêu trò này nọ đủ kiểu thì hầu hết những vở diễn đều có ý nghĩa na ná nhau về luật nhân quả, sự ghê rợn của ma quỷ vẫn thua xa dã tâm của con người, những ân hận muộn màng của kẻ thủ ác... Tuy nhiên, không phải vở nào cũng có một kịch bản hay và chặt chẽ.

Những vở như Ma sói, Biệt thự bí ẩn, Hồn ma báo oán, Ngôi trường số 13, Áo cho người chết, Hồn trinh nữ... chủ yếu hù và hài là chính chứ nội dung gần như không đáng kể, các tình tiết lỏng lẻo, phi logic. Hay như vở Am khuya mới ra, dù được nhìn nhận như là kết hợp đầu tiên giữa kịch cổ trang và kịch ma, nhưng những chiêu treo cổ, ma tóc dài, tiếng thét vốn đã quen thuộc càng không thể cứu vãn một câu chuyện dài dòng, khó hiểu, lộn xộn. Trong một cái am trên núi, các nhân vật vua, hoàng hậu, ái phi, tì nữ, tướng võ, thầy thuốc, thằng quét chùa cứ thi nhau giết qua giết lại vì những mục đích không thuyết phục. Ðến nỗi khi vở kịch gần kết thúc, ngay cả nhân vật sư thái vốn tu hành lâu năm cũng đằng đằng sát khí tuyên bố: “Ta giết ngươi là để trả thù cho em gái của ta”, thì khán giả bật cười ngán ngẩm.

Cho đến thời điểm này kịch ma vẫn đang ăn nên làm ra, điển hình là Nhà hát Thế giới trẻ sau nhiều lận đận giờ luôn đông khách từ khi “có ma”. Dù chẳng có gì hay nếu trên sân khấu cứ toàn những chuyện giết chóc, ma quỷ nhưng vì khán giả thích nên kịch vẫn cứ ra và lặp lại những chiêu thức cũ. Ðạo diễn dựng riết rồi cũng hết bài, khán giả xem riết rồi cũng không còn sợ.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên