Trong khi Tết cận kề, nhu cầu dùng thịt heo tăng cao, giá thịt heo cũng liên tục tăng mấy tuần qua mà người nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh than lỗ.
Dịch tả heo châu Phi trong nhiều năm đã làm gián đoạn thị trường thịt heo toàn cầu trị giá 250 tỉ USD.
Mấy năm qua, dịch bệnh xảy ra thường xuyên trên đàn heo nước ta, thường bùng phát vào dịp cuối năm.
Đợt dịch năm 2019 lan ra 63 tỉnh thành; năm 2020 tiếp tục xảy ra; đến năm 2021 lại bùng phát ở 60 tỉnh thành, buộc phải tiêu hủy gần 300.000 con heo, ảnh hưởng sinh kế khoảng 3,5 triệu hộ chăn nuôi và hàng trăm doanh nghiệp, gây thiệt hại hơn 30.000 tỉ đồng.
Trong khi Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công và cho phép sử dụng vắc xin dịch tả heo châu Phi thì nhiều người chăn nuôi vẫn còn chưa biết hoặc e ngại tiêm ngừa.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ sớm có công điện chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh, nhưng đến nay còn nhiều địa phương lơ là, chưa tổ chức tốt phòng chống và chậm công bố dịch.
Thực trạng này cùng với hiện trạng ngành chăn nuôi nhỏ lẻ, liên kết lỏng lẻo, bất cập cung - cầu, kiểm soát dịch bệnh thiếu chặt chẽ khiến dịch bệnh càng dễ lây lan, gây thiệt hại nhiều hơn.
Để phòng, chống dịch bệnh tốt, cần tổ chức lại hệ thống chăn nuôi chuyên nghiệp, từ khâu giống chất lượng, xây dựng hệ thống chuồng trại và giết mổ, chuỗi cung ứng, đảm bảo thịt heo sạch, truy xuất nguồn gốc, tăng cường hợp tác chuỗi ngành hàng chăn nuôi và xây dựng thương hiệu mạnh.
Các yêu cầu này đều cần sự vận hành của một hệ thống phòng, chống dịch bệnh an toàn cho ngành chăn nuôi.
Cần có thêm nhiều quy định chặt chẽ, chế tài nghiêm khắc hơn về trách nhiệm của cơ quan quản lý, người đứng đầu, cơ sở chăn nuôi không đảm bảo các tiêu chí, biện pháp để lây lan dịch bệnh; trách nhiệm của cơ sở kinh doanh, các siêu thị, nhà bán buôn bán lẻ để xảy ra thực phẩm bẩn.
Muốn nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh phải có công cụ, ứng dụng công nghệ tốt hơn, nhiều hơn và sớm nhất có thể để thay thế các phương thức thủ công trong quản lý, kiểm soát dịch bệnh. Khai thác tốt hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành.
Cần vận hành hiệu quả mạng lưới các cửa hàng cung ứng thuốc thú y, dịch vụ hỗ trợ chăn nuôi để thu thập thông tin dịch bệnh; sử dụng các tiện ích của hệ thống thông tin, dữ liệu điện tử về dịch tễ với hàng hóa, công nghệ nhận dạng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử để phòng ngừa.
Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải mạnh tay hơn nữa với vi phạm trách nhiệm phòng chống dịch; phải thiết lập một "hàng rào bảo vệ" an toàn từ vùng nuôi, đường đi của các sản phẩm chăn nuôi đến thực phẩm trên bàn ăn người tiêu dùng.
Thực tế đang đòi hỏi cần xây dựng và vận hành lại hệ thống như vậy trong ngành chăn nuôi theo cách chủ động phòng hơn bị động chống.
Thay vì năm nào các ngành, các cấp lãnh đạo cũng hô hào, kêu gọi, chỉ đạo "cả hệ thống chính trị vào cuộc" và cấp dưới có tâm ngồi chờ cấp trên, nên xây dựng một hệ thống phòng chống dịch bệnh vận hành thường xuyên, có tiêu chí nhận dạng dịch bệnh rõ ràng.
Hệ thống này phải có cơ chế "kích hoạt tự động" bằng công nghệ nhận biết thông tin tình hình dịch bệnh, mạng lưới kết nối nghiên cứu, chăn nuôi, giết mổ, phân phối và các dịch vụ thú y hỗ trợ và được chỉ huy thống nhất, quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm, chứ không thể năm nào cũng chờ Thủ tướng ra công điện, chỉ thị mới vận hành bộ máy phòng chống dịch thiếu phối hợp chặt chẽ nhưng thừa chồng chéo như vừa qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận