13/04/2021 11:15 GMT+7

Kịch có nhân vật đồng tính mới hút khách?

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Kể từ sau vở diễn Tía ơi, con lấy chồng, nhà hát kịch 5B đã bắt đầu "cởi mở" hơn với đề tài đồng tính hoặc có yếu tố nhân vật đồng tính, giả gái như Bồ công anh, Tin thì linh, không tin cũng linh và bây giờ là Rồi... mắc cái gì cười?

Kịch có nhân vật đồng tính mới hút khách? - Ảnh 1.

Cảnh trong vở kịch Rồi... mắc cái gì cười? - Ảnh: LINH ĐOAN

Tối 7-4, nhà hát kịch 5B ra mắt vở mới Rồi... mắc cái gì cười? (tác giả: Quốc Nguyễn, đạo diễn: NSƯT Hữu Quốc). Vở lấy không gian mở đầu ở ngôi biệt thự.

Hai vợ chồng chủ nhà đều có con riêng. Nhân là con người chồng và Vy là con người vợ. Vy phát hiện Nhân đồng tính và bày mưu vạch trần trước mặt người cha vốn kỳ thị cộng đồng LGBT.

Vở diễn có một câu chuyện khá kịch tính. Đắt nhất là phần cuối, khi sự thật phơi bày. Ở đó có nghịch cảnh phân ly làm tan nát trái tim người mẹ. Nếu tập trung vào đường dây chính với nhiều tình tiết được mài giũa hơn thì có lẽ đây sẽ là vở diễn khiến người ta lay động về tình mẫu tử.

Thế nhưng, thật tiếc khi phần đầu của vở khiến người xem cảm thấy mệt mỏi với những màn hài chưa thật sự đắt giá của những nhân vật đồng tính... Xây dựng nhân vật Nhân là người đồng tính cũng không cần thiết, không có tác dụng gì lớn trong tổng thể câu chuyện.

Kể từ sau vở diễn Tía ơi, con lấy chồng, nhà hát kịch 5B đã bắt đầu "cởi mở" hơn với đề tài đồng tính hoặc có yếu tố nhân vật đồng tính, giả gái như Bồ công anh, Tin thì linh, không tin cũng linh và bây giờ là Rồi... mắc cái gì cười?

Thật ra, trước đó nhiều sân khấu khác cũng tràn lan đề tài này. Tuy nhiên, nếu là khán giả "ruột" của 5B, có lẽ có người bắt đầu lợn gợn. Dẫu biết rằng hoạt động sân khấu xã hội hóa hiện tại cực kỳ khó khăn, không ai nuôi, nên để trụ được các ông bà bầu phải tự bươn chải.

Kịch có nhân vật đồng tính mới hút khách? - Ảnh 2.

Rồi...mắc gì cười? nếu tập trung vào đường dây chính hơn có lẽ sẽ là vở diễn lay động về tình mẫu tử - Ảnh: LINH ĐOAN

Để sáng đèn được hằng tuần là một cuộc vật lộn khó khăn, bà bầu Mỹ Uyên phải chạy kiếm tiền bên ngoài, thậm chí cầm nhà để có kinh phí bù lỗ cho mỗi suất diễn. Kịch bản sân khấu hay thì cực kỳ khan hiếm, diễn viên phải chạy sô mưu sinh nên thời gian dành cho sân khấu không nhiều.

Trong nhiều cách để kéo khán giả, đề tài đồng tính đã được chú ý. Ai thương 5B đều có thể chia sẻ với Mỹ Uyên điều này, nhưng ngẫm lại vẫn chợt thấy buồn. Nói gì thì nhà hát 5B vẫn là cái nôi của làng kịch Sài Gòn.

Ở đó lý ra là nơi dành cho những trải nghiệm sâu sắc, những thử nghiệm mới lạ của mô hình sân khấu nhỏ. Nhìn lại thì gần đây nhà hát cũng đã có những chòi đạp với các vở Chuyện tình nữ phạm nhân, Những giấc mơ lóng lánh... với cách bài trí, xử lý sân khấu khá ấn tượng. Thế nhưng, những vở đó lại khó bán vé.

Trong các vở kể trên thì câu chuyện về nhân vật đồng tính trong Bồ công anh là được xây dựng có số phận khá đầy đặn và xúc cảm nhất, những vở còn lại chỉ thoáng qua hoặc xuất hiện nhằm tạo tiếng cười và không có dấu ấn gì. Biết là khó nhưng có lẽ nhà hát nên tiết chế và chọn lọc để địa chỉ 5B không thể giống như các sân khấu khác.

Đề tài về người đồng tính trên sân khấu không hề là điều cấm kỵ. Những người thuộc cộng đồng LGBT cần được xã hội tôn trọng để sống đúng con người thật của mình. Thế nhưng, cuộc sống có quá nhiều khía cạnh để khai thác, việc tràn lan các vở kịch về đề tài đồng tính rồi giả gái liệu có phải là sự bất thường?

Kịch có nhân vật đồng tính mới hút khách? - Ảnh 3.

Vai má Huệ (Minh Dự đóng trong vở Ngược gió, bìa phải) là trường hợp nam đóng nữ hiếm hoi ở sân khấu Thế giới trẻ có sự đầu tư để tạo được cảm xúc với khán giả - Ảnh: LINH ĐOAN

Vẫn có lượng khán giả khi mua vé xem kịch ở Idecaf thường thăm dò xem Thành Lộc có giả gái, có diễn gì vui không thì mới chịu mua vé. Trong khi đó, đẳng cấp của anh là nằm ở những ông Tư trong Dạ cổ hoài lang, Tư Chơn trong vở Tía ơi má dìa, và gần đây nhất là sự xuất sắc với vai Nguyễn Đình Chiểu trong nhạc kịch Tiên nga.

Sân khấu Thế giới trẻ cũng rất nhiều vở có nhân vật đồng tính, giả gái. Nhưng cũng hiếm có nhân vật giả gái được chăm chút để người xem đồng cảm như vai má Huệ của Minh Dự trong Ngược gió.

Nhân vật đồng tính, rồi những màn giả gái cứ xuất hiện nhan nhản trên sân khấu một cách cẩu thả, đôi lúc phản cảm. Chúng ta đang đồng cảm, chia sẻ hay thật ra chỉ lạm dụng họ để đem lại những tiếng cười nhạt nhẽo. Có bao giờ chúng ta tự hỏi sự lạm dụng đó có làm họ tổn thương?

Đóng giả nữ hoài cũng mệt

Ngọc Hùng, quản lý sân khấu Thế giới trẻ, chia sẻ: "Sân khấu chúng tôi có hai bạn là BB Trần và Hải Triều là nam nhưng chuyên đóng vai nữ được khán giả yêu thích, gần như đã định hình phong cách, nên trong các vở diễn chúng tôi phát huy thế mạnh của các bạn.

Lượng vé bán ra của những vở diễn được người trong giới khen ngợi như Cõng mẹ đi chơi, Đời như ý, Ngược gió... không bằng những vở có yếu tố đồng tính, nam giả nữ. Thật ra, đóng giả nữ hoài các bạn cũng mệt và chán.

Là một sân khấu xã hội hóa, để tồn tại chúng tôi cũng phải tìm đủ mọi cách để đáp ứng nhu cầu khán giả. Chúng tôi không nói mình sẽ thay đổi hoàn toàn, không bỏ chuyện diễn viên nam đóng vai nữ, nhưng sẽ cố gắng tìm mọi cách khai thác đề tài đa dạng và hấp dẫn để thu hút khán giả".

Xúc động với clip chuyện tình đồng tính của Gia Bảo Xúc động với clip chuyện tình đồng tính của Gia Bảo

TTO - Thượng ẩn là kịch bản tâm lí xã hội về đề tài đồng tính được Đình Hải và Gia Bảo cảm tác từ bộ phim ăn khách cùng tên mới đây của Trung Quốc, gây xúc dộng cho người xem trong Cười xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ đêm 24-11.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên