15/03/2012 09:48 GMT+7

Kịch bản như thật

TÚ ANH
TÚ ANH

TT - Trong giới doanh nghiệp, tin đồn là vũ khí đáng sợ. Đôi khi không cần tung ra tiền muôn bạc tỉ mà vẫn có thể triệt hạ đối thủ rồi thâu tóm với cái giá rất hời.

Jean-Noel Kapferer - chuyên gia về nhãn hàng hàng đầu thế giới - từng nói: “Không phải mọi chuyện là thật khiến chúng ta tin mà chính vì chúng ta tin nên chúng mới trở thành thật”.

mnhKVU2M.jpgPhóng to

Cơn hoảng loạn từ châu Âu còn lan sang thị trường chứng khoán Chicago vào “ngày thứ tư đen tối” - Ảnh: maxppp

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:

Sống nhờ tin đồn

Trong một cuộc gặp riêng tư giữa các thành viên của Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom ở Matxcơva ngày 11-3-2009, Golko Yaroslav Yaroslavovich - phụ trách đầu tư và Karpel Elena Evgenievna - phụ trách kinh tế (theo lời một trong những cộng sự có mặt tại đó), đã đề cập đến ý định đầu tư ồ ạt vào những công nghệ mới mà Gazprom chưa có được. Air Liquide - tập đoàn khí công nghiệp và thiết bị y tế của Pháp - là một trong những doanh nghiệp ưu tiên trong tầm ngắm vì không chỉ đạt yêu cầu về công nghệ mới mà còn nằm ở Tây Âu là khu vực mà Gazprom cho rằng sẽ đem lại cơ hội làm ăn mới. Golko nhận định: “Chắc chắn bọn Tây Âu sẽ chẳng cho chúng ta đầu tư bình thường vào doanh nghiệp của họ. Phải tiến hành thâu tóm thù địch thôi”.

Thông tin đó lan đi rất nhanh trong giới báo chí tài chính Nga, đặc biệt là báo chuyên về năng lượng là RusEnergy. Trong cơn đói thông tin liên tục, thông tin nóng sốt trên được lan truyền đi nhanh trên các blog tài chính ở Nga, các diễn đàn doanh nghiệp trên mạng ở Nga rồi đi ra khắp thế giới. Giới truyền thông quên béng cả việc kiểm chứng nguồn tin xuất phát từ đâu và có đáng tin cậy hay không.

Một tuần sau, ngày 17 đến 19-3 ở Copenhagen (Đan Mạch) diễn ra hội thảo mang tên Hiểu rõ thị trường CO2 do Công ty Point Carbon tổ chức. Một nhà khoa học Pháp do Cục Nghiên cứu mỏ và địa chất (BRGM) mời, lấp lửng nói về thông tin là Air Liquide đã phát triển được công nghệ tân tiến cho phép hóa giải được chuyện khí thải CO2. Thế rồi trong các buổi cà phê sau giờ ăn trưa trong mấy ngày hội thảo, cũng nhà khoa học đó bỏ nhỏ với các đồng nghiệp về cuộc hội thảo dự kiến diễn ra vào tháng 11-2009 nói về công nghệ lưu giữ và chôn giấu CO2 dưới đất.

Một nhà báo chuyên viết về môi trường của Hãng thông tấn AFP được “tiết lộ” cho thông tin hấp dẫn trên để đưa vào bản tin liên quan hội nghị. Nguồn tiết lộ thông tin - một người nằm trong ban tổ chức hội nghị với vai trò cung cấp thông tin cho báo chí - còn “bỏ nhỏ” cho nhà báo của AFP thông tin “không được tiết lộ” là Air Liquide đang đầu tư hàng triệu euro vào công nghệ liên quan CO2.

Thông tin cứ thế lan đi, lan nhanh khắp thế giới với cái tên Air Liquide được nhắc đi nhắc lại. Đến khi cả nhiều cơ quan chính quyền Pháp cũng tin rằng Air Liquide đang là của quý vì đầu tư cho “công nghệ xanh”, cần được bảo vệ trước sự dòm ngó của các tập đoàn nước ngoài.

Không ai biết được rằng thông tin bí mật từ cuộc gặp ở Matxcơva (nguồn không rõ ràng) lẫn thông tin về công nghệ mới mà Air Liquide đang đầu tư (do người đóng giả thành viên ban tổ chức hội nghị) đều do người được Air Liquide thuê với vai trò chống thâu tóm thù địch.

Air Liquide không muốn để Tập đoàn Gazprom nhiều tiền của muốn làm gì thì làm nên khi nghe phong thanh về một cú thôn tính đã đi trước bằng giải pháp tung tin đồn. Chỉ cần qua vài tin đồn, giá trị của Air Liquide tăng vòn vọt, tập đoàn lại nằm dưới sự bảo vệ của chính quyền nên Gazprom phải lẳng lặng từ bỏ ý định ban đầu.

Câu chuyện trên đây thật ra chỉ là một kịch bản dùng tin đồn chống thôn tính doanh nghiệp. Nó chân thật và hiệu quả đến mức đã thắng giải năm 2009 dành cho khối các trường đại học kinh tế tài chính và các doanh nghiệp.

Chết vì tin đồn

Trên thực tế, một câu chuyện tương tự như vậy đã trở thành thảm kịch cho Tập đoàn Ngân hàng Pháp Société Générale (SG). Tất cả bắt nguồn từ 12 kỳ báo đăng loạt bài “giả như thật” trên nhật báo hàng đầu của Pháp Le Monde cuối tháng 7-2011 (dịp hè, báo chí Tây Âu thường đăng dạng bài giải trí). Loạt bài mang tựa “Chuyến tàu cuối cho đồng euro” kể về trò phá phách của hai tay buôn cổ phiếu rỗi hơi đẩy đến thành tin đồn về âm mưu chống lại nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel và đồng euro, ngay trước kỳ bầu cử ở Pháp vào tháng 5-2012. Câu chuyện có nêu tên thật của các chính trị gia (có điều chức danh thì không chính xác), nằm trong bối cảnh châu Âu đang điêu đứng vì nợ ở Hi Lạp.

Thế rồi chủ nhật 7-8-2011, tức vài ngày sau khi Le Monde kết thúc loạt bài, tờ Mail On Sunday, ấn bản chủ nhật của nhật báo Anh Daily Mail, tung ra bài báo ký dưới hai cái tên Simon Watkins và Dan Atkins. Các tác giả nói rằng Ngân hàng Pháp SG “đang bên bờ vực phá sản vì thiệt hại quá nhiều do những khoản tín dụng đổ sang Hi Lạp” và Ngân hàng Ý UniCredit “cũng có thể sụp đổ giống ngân hàng Pháp”. Hai nhà báo còn viết là “Thủ tướng Anh David Cameron đã phải cắt ngắn kỳ nghỉ vào tối thứ bảy để bàn bạc về tình hình với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy”, dù sự kiện này đến nay vẫn chưa được kiểm chứng.

Ngay lập tức, thông tin được nhiều diễn đàn trên mạng lấy lại, thậm chí đăng cả trên trang mạng của CNN, Wall Street Journal, The Guardian... rồi được lan truyền nhanh qua Twitter, dù lâu nay ai cũng biết tờ Daily Mail có tính lá cải và chưa từng là cơ sở thông tin của mảng kinh tế tài chính. Sang thứ hai 8-8, khi mọi người vào guồng máy làm việc thì thông tin đó lan khắp thế giới. Mà quả thật nó cũng rất phù hợp trong bối cảnh hiện tại: ngày 3-8 trước đó, tổng giám đốc của SG là ông Frédéric Oudéa đã thông báo kết quả kinh doanh quý bị giảm do thiệt hại 395 triệu euro từ khoản tín dụng bên Hi Lạp. Rồi xuất hiện thêm tin đồn SG đã bán đổ bán tháo dự trữ vàng, bán dưới giá thị trường, để lấy tiền mặt cứu vãn tình thế...

Sang ngày 9-8, ban lãnh đạo Daily Mail đã cho xóa bài viết đang đăng tải trên mạng và gửi lời xin lỗi “vì đã gây thiệt hại” đến Ngân hàng SG, đồng thời công nhận bài báo của hai phóng viên mình đã dựa trên “những thông tin sai lệch”.

Tuy vậy, đến thứ tư (10-8), tin đồn lên đến mức không thể kiểm soát nổi, Chính phủ Pháp phải can thiệp. Thế nhưng thông tin về cuộc họp ở điện Elysée về tình hình tài chính trong buổi sáng 10-8 lại có hiệu ứng ngược: nó càng khiến thiên hạ tin vào thông tin từ tờ Mail On Sunday.

Trong “ngày thứ tư đen tối” đó, cổ phiếu của SG sụt giảm nghiêm trọng và gần như toàn bộ thị trường cũng bị vạ lây.

Đến tối 10-8, ban lãnh đạo SG mới chịu lên tiếng yêu cầu Cơ quan Thị trường tài chính (AMF) mở cuộc điều tra về xuất xứ các tin đồn trong mấy ngày qua “làm tổn hại đến lợi ích của cổ đông SG”. Nhưng đã quá trễ: cổ phiếu của ngân hàng này đã mất 14,7% khi thị trường đóng cửa (và có lúc mất giá đến 22,5% trong ngày), tính ra SG bị “bốc hơi” hơn 4 tỉ euro trên thị trường chứng khoán. Sang trưa 11-8 tiếp tục một đợt mất giá nữa dù nhẹ hơn: hơn 8%!

Cho đến nay vẫn chưa ai biết rõ bí mật về xuất xứ những tin đồn trong tháng 8-2011 đó nhưng thiệt hại từ đó thì không thể phủ nhận...

_______________________

Những cáo buộc ăn cắp tài liệu, tiết lộ thông tin mật về cuộc đàm phán... đã dẫn hai tập đoàn lớn của Mỹ ra tòa.

Kỳ tới: Kéo nhau ra tòa

TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên