Kinh tế TP.HCM sẽ bứt phá trong 2 quý cuối năm
Thông tin được UBND TP.HCM đưa ra trong dự thảo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 1, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm quý 2 và một số kiến nghị, đề xuất, trước cuộc làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo thành phố, diễn ra trong hai ngày 15 và 16-4.
Theo dự báo của Trung tâm Mô phỏng kinh tế - xã hội TP.HCM, trong quý 2-2023, kinh tế thành phố tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khó lường khi thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn; sức ép lạm phát cao, rủi ro nợ xấu ngân hàng, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, chỉ số giá tiêu dùng có chiều hướng tăng; sức mua giảm, xu hướng hoạt động xuất khẩu thu hẹp.
Dựa trên bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại, Trung tâm Mô phỏng kinh tế - xã hội TP.HCM đã dự báo 3 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế TP.HCM trong các quý còn lại của năm nay như sau.
Kịch bản 1: tăng trưởng GRDP quý 2 đạt 1,19%, quý 3 đạt 16,52%, quý 4 đạt 12,14%. Tăng trưởng GRDP cả năm của thành phố sẽ đạt 7,5%.
Kịch bản 2: tăng trưởng GRDP quý 2 đạt 1,55%, quý 3 đạt 16,16%, quý 4 đạt 12,1%. Tăng trưởng GRDP cả năm của thành phố sẽ đạt 7,5%.
Kịch bản 3: tăng trưởng GRDP quý 2 đạt 3,27%, quý 3 đạt 16,3%, quý 4 đạt 10,13%. Tăng trưởng GRDP cả năm của thành phố sẽ đạt 7,5%.
Điểm chung của 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế của TP.HCM theo dự báo này là sự bứt phá mạnh mẽ của kinh tế thành phố trong quý 3 và quý 4, mục tiêu tăng trưởng cả năm đều đạt khoảng 7,5% so với năm 2022.
Chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng
Trước đó, UBND thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 từ 7,5-8%. Hiện TP.HCM chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, mà tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để đạt tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 7,5% và tạo đà tăng trưởng cho các năm tiếp theo.
Trung tâm Mô phỏng kinh tế - xã hội TP.HCM nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố trong năm nay sẽ phụ thuộc vào diễn biến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sự nỗ lực và hiệu quả thực thi công vụ của thành phố.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 3 quý còn lại của năm nay, thành phố cần ưu tiên tập trung thực hiện 6 giải pháp.
Đó là tận dụng thuận lợi từ môi trường vĩ mô đang có chiều hướng tốt hơn từ quý 2-2023; quyết liệt giải ngân đầu tư công và tập trung phát triển cơ sở hạ tầng.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính cho các dự án, nhất là các dự án bất động sản.
Kích cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; thực thi công vụ hiệu quả và thúc đẩy trung ương ban hành thể chế; tạo đồng thuận xã hội từ các chính sách an sinh, y tế, giáo dục.
Việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong 3 quý còn lại của năm 2023 là rất quan trọng, vì trong những năm gần đây tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung của cả nước.
Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố những năm qua cho thấy năm 2020 tăng trưởng kinh tế của TP.HCM đóng góp khoảng 21,8% GDP cả nước, năm 2021 đóng góp 15,46%, năm 2022 đóng góp 15,55%.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP.HCM, Thủ tướng sẽ làm việc với lãnh đạo thành phố để gỡ nhiều nút thắt như:
Đẩy nhanh các dự án giao thông liên vùng (cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, metro Bến Thành - Suối Tiên…
Gỡ vướng cho lĩnh vực đầu tư công của thành phố đối với các dự án sử dụng ngân sách trung ương; sử dụng vốn ngân sách địa phương; những kiến nghị liên quan tới đầu tư công của thành phố; và việc phát huy Tổ công tác của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số dự án bất động sản…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận