Rút kinh nghiệm từ hậu quả nặng nề của bão số 3 quét qua các tỉnh miền Bắc, ở miền Trung những vùng trũng đặc biệt được chú ý nâng cấp độ cảnh báo.
Trước khi cơn bão số 4 vào đất liền, vùng sạt lở được di dời, thậm chí sẵn sàng cưỡng chế. Ở các vùng gió mạnh, người dân cũng đang ra sức chằng chống nhà cửa, neo cột tàu thuyền với phương châm an toàn là trên hết.
Đà Nẵng: cử người trực tại tâm điểm ngập
Phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) là tâm điểm ngập của Đà Nẵng. Để ứng phó đợt mưa lớn, từ mấy ngày qua các con kênh đã được nạo khơi dòng. Chính quyền cũng yêu cầu người dân tháo dỡ khẩn cấp nhà bao che, công trình lấn chiếm lên đường thoát nước.
Tại vùng trũng thấp, chính quyền các phường tại Đà Nẵng bố trí máy xúc, người ứng trực vớt rác thông đường thoát nước.
Trưa 18-9, nhiều dân quân tự vệ, lực lượng phòng chống bão lụt có mặt trên thành cầu nối hai bên đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam) để thông dòng các tảng cây lục bình trôi dạt từ thượng nguồn.
Đặc biệt đường Mẹ Suốt, các khu dân cư ở dọc kênh Đa Cô là điểm ngập nặng nhất tại TP Đà Nẵng. Năm 2022, trận lụt lịch sử đã khiến nhiều khu dân cư ngập trong biển nước. Từ sáng 18-9, lực lượng địa phương huy động nhiều máy xúc vớt rác bám dưới sàn cầu tránh bị dồn ứ không thoát được nước khi mưa lớn.
Trước đó (ngày 6-9), Thành ủy Đà Nẵng đã có công văn chỉ đạo về vấn đề thoát nước đô thị, chống ngập úng trên địa bàn TP. Theo đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ khơi thông, nạo vét hệ thống thoát nước, hoàn thành trước ngày 20-9.
Đến nay, trước nguy cơ bão lũ đến gần, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng đã tiến hành nạo vét hơn 17.800 mương thu, cửa thu nước các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý.
Quảng Nam: sơ tán dân khỏi điểm nguy cơ sạt lở
Tại Quảng Nam, ngư dân đang gấp rút đưa tàu thuyền vào bờ, dùng dây thừng cột giữ thuyền và thu dọn ngư cụ. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, các tàu cá hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa đã vào tránh trú an toàn. Các hồ chứa thủy lợi và các công trình đê kè trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo.
Ghi nhận ở những khách sạn, nhà hàng ven biển Tam Thanh người dân cũng chủ động cắt tỉa cành cây để tránh bị mưa bão quật đổ. TP Hội An cũng không tổ chức đón khách ra đảo Cù Lao Chàm.
Đặc biệt xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam, nơi đã từng trải qua thảm họa sạt lở, lũ quét sau bão số 9 năm 2020 khiến nhiều người chết, mất tích, nhà cửa bị vùi lấp, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó.
Ông Lê Đình Lực - phó chủ tịch UBND xã Trà Leng - cho biết địa phương đã lập đội xung kích, phân công nhiệm vụ cụ thể.
Toàn xã có 10 điểm nguy cơ sạt lở, nếu tình hình mưa bão phức tạp, người dân sẽ được di dời sơ tán đến những nơi an toàn như nhà văn hóa, trường học, các nhà dân kiên cố.
"Chúng tôi đang theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới, nếu mưa lớn quá thì giao nhiệm vụ các đội xung kích, lực lượng dân quân, lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở di dời, sơ tán dân ở những điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét" - ông Lực nói.
Quảng Bình: khẩn cấp kêu gọi tàu thuyền vào bờ
Đợt áp thấp nhiệt đới này được dự báo sẽ mạnh thành bão và có khả năng đổ bộ vào Quảng Bình. Từ 0h ngày 19-9, UBND tỉnh Quảng Bình phát lệnh cấm biển cho đến khi thời tiết an toàn trở lại. Bên cạnh đó, biên phòng tỉnh đang khẩn cấp kêu gọi tàu thuyền vào bờ.
Theo báo cáo, toàn tỉnh hiện có tổng số 7.313 tàu thuyền đang khai thác hải sản trên biển. Trong đó, phần lớn tập trung ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, một số khai thác ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa, cùng một số tàu thuyền nhỏ khai thác gần bờ.
Đến chiều 18-9 đã có 7.262 tàu thuyền của tỉnh vào nơi neo đậu, còn 51 tàu thuyền đang trên đường đi tránh trú. "Sau khi cấm biển, lực lượng chức năng phải kiên quyết không cho tàu thuyền rời bến nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân" - một lãnh đạo biên phòng tỉnh Quảng Bình nói.
Thừa Thiên Huế: lên kịch bản di dời hơn 3.000 hộ dân
Trong ngày 18-9, Thừa Thiên Huế xảy ra mưa to đến rất to, nhiều nơi, nhiều tuyến đường ở trung tâm TP Huế như Hoàng Lanh, Nguyễn Lộ Trạch, Võ Nguyên Giáp… bị ngập úng cục bộ, có nơi nước ngập khoảng 50cm. Nhiều người dân lo ngại ô tô bị ngập nước nên đã hối hả đưa xe đến chỗ cao hơn.
Ông Đặng Văn Hòa, chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhận định mưa lớn sẽ gây ngập úng đô thị ở nhiều tuyến đường, khu dân cư thấp trũng ở TP Huế.
Cũng trong chiều 18-9, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành họp bàn công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới dự kiến mạnh lên thành bão. Đến chiều cùng ngày, toàn bộ tàu thuyền trên biển của tỉnh cơ bản đã vào đến nơi tránh trú an toàn.
Theo nhận định, trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 điểm dễ xảy ra sạt lở đất do mưa bão gây ra. "Tỉnh đã lên kịch bản di dời hơn 3.000 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở. Chúng tôi sẽ liên tục theo dõi tình hình mưa bão để có nhận định, thông báo di dời người dân ở vùng sạt lở đến nơi an toàn", ông Hòa nói.
Quảng Ngãi: khẩn trương xử lý điểm nóng ngập lụt
Ngày 18-9, Quảng Ngãi mưa liên tục, theo dự báo Quảng Ngãi sẽ hứng chịu đợt mưa trên diện rộng những ngày tới. Trước tình hình này, ông Nguyễn Hoàng Giang - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cùng các sở, ngành, địa phương đã đi kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở cao ở các huyện miền núi.
Tại đây, ông Giang nhắc lại các vụ sạt lở ở miền Bắc vừa qua là bài học lớn cho công tác chủ động ứng phó, qua đó yêu cầu các địa phương chủ động đánh giá thực trạng, phương án di dời dân khi có mưa lớn kéo dài. "Không được lơ là, chủ quan.
Theo dõi chặt chẽ từng vị trí, không để bị động, bởi sạt lở rất nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân", ông Giang chỉ đạo.
Song song đó, TP Quảng Ngãi cũng đang tập trung lực lượng khẩn trương xử lý các điểm ngập, khơi thông đảm bảo thoát nước hiệu quả khi mưa lớn kéo dài. Công tác cắt tỉa cây xanh cũng đang được triển khai khắp nơi. Những cây có tán rộng, nguy cơ ngã cao được xử lý triệt để.
Xây dựng bản đồ ngập lụt
Từ sau đợt ngập lịch sử 14-10-2022, Đà Nẵng đặc biệt chú ý đến vấn đề ngập đô thị và đưa ra nhiều giải pháp ứng phó. Và mùa mưa năm ngoái, Đà Nẵng đã xây dựng bản đồ ngập lụt trong khu đô thị để theo dõi mưa, ngập nước trên địa bàn TP.
Ông Trần Ngọc Thạch - phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng - cho biết đến nay người dân có thể dùng điện thoại tải ứng dụng Danang Smart City vào hệ thống theo dõi mưa, ngập nước đã được tích hợp trên ứng dụng, có thể theo dõi bản đồ ngập lụt trực tiếp tại địa chỉ https://muangap.danang.gov.vn.
"Người dân có thể tương tác bằng cách gửi mức ngập nước tại vị trí của mình lên ứng dụng để chia sẻ, cung cấp thông tin, cũng có thể gửi yêu cầu cứu hộ khẩn cấp đến cơ quan chức năng nếu gặp tình huống bất khả kháng.
Ngoài ra cũng có thể xem thông tin các nhà sơ tán (với hơn 1.000 địa điểm) kèm các số điện thoại khẩn cấp theo địa bàn..." - ông Thạch cho biết.
Tương tự, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang xây dựng một bản đồ ngập lụt, trong đó có thông tin những tuyến đường nào ở TP Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy có thể đậu, đỗ xe ô tô trong trường hợp nước các sông dự báo đạt mức báo động 3.
Đại tá PHẠM HẢI CHÂU (phó cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Quốc phòng):
10 máy bay trực thăng sẵn sàng cứu hộ
Bộ Quốc phòng đã ban hành hai công điện yêu cầu các cơ quan đơn vị trong toàn quân, nhất là Quân khu 3, 4, 5 và 7, các lực lượng trên địa bàn các quân khu sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão. Trong đó có 10 máy bay trực thăng sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn và tiếp tế thực phẩm.
Rút kinh nghiệm từ bão số 3, Bộ Quốc phòng đề nghị các địa phương rà soát kỹ các khu vực có nguy cơ sạt lở và có phương án thông báo, báo động nhanh nhất tới từng hộ dân khi có tình huống để người dân kịp thời di chuyển.
Các cơ quan đơn vị, địa phương nằm trong khu vực ảnh hưởng phải làm tốt phương án 4 tại chỗ, đặc biệt phải có phương án đảm bảo thông tin liên lạc khi bị chia cắt.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT NGUYỄN HOÀNG HIỆP:
Cường độ bão không quá lớn nhưng sẽ mưa lớn
Các dự báo đều nhận định nếu áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão thì cường độ cũng không quá lớn, khả năng cao nhất là gió giật tới cấp 10.
Tuy nhiên, áp thấp nhiệt đới sau đó có thể là bão gây ra đợt mưa khá lớn, tập trung vào Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.
Chúng tôi quan ngại một đợt mưa lụt tương tự như năm 2020 và rút kinh nghiệm từ bão số 3 cùng những cơn bão trước thì mưa lũ sau bão, ngập lụt, sạt lở thường gây thiệt hại lớn, chính vì vậy các địa phương không được chủ quan.
Do đó tôi đề nghị các địa phương tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Các địa phương tập trung rà soát lại tình trạng ngập lụt, trong đó có ngập lụt đô thị, nhất là Huế, Đà Nẵng và có phương án sơ tán dân cũng như kê cao đồ đạc, di chuyển tài sản giá trị đến nơi an toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận