Bản khuyến nghị của VED là một tài liệu nghiên cứu giáo dục rất công phu. Đóng góp quan trọng của VED là hệ thống hóa nhiều nội dung cải cách GDĐH mang tính tổng thể và củng cố bằng các cơ sở lý thuyết, thực tiễn. Ảnh: gannett-cdn.com Bản khuyến nghị cũng giúp chúng ta hiểu hơn tại sao cải cách giáo dục nói chung, GDĐH nói riêng, là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm, bền bỉ, phải đối mặt với sự bất đồng, thậm chí với cả sự chống đối. Nói như ông Tony Blair, nguyên thủ tướng Anh, tại một diễn đàn cải cách gần đây ở Việt Nam: cải cách mà không gặp sự chống đối thì chưa phải là cải cách thật sự! Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng hầu hết thành viên của VED đang giảng dạy tại các trường ĐH danh tiếng ở Mỹ và châu Âu, do vậy điểm tham chiếu và mục tiêu cải cách ĐH Việt Nam mà VED đặt ra có một vài điểm thể hiện ước mơ nhiều hơn tính khả thi. Tôi cho rằng các nội dung về cải cách tài chính ĐH mà VED phân tích và đề xuất là vô cùng quan trọng đối với cải cách GDĐH. Tinh thần xuyên suốt của cả năm lĩnh vực VED nêu là tự chủ ĐH. Nhưng thật khó có tự chủ ĐH khi trường ĐH không có giải pháp tự chủ thật sự về tài chính. Sự rõ ràng, minh bạch về tính phi lợi nhuận của ĐH công sẽ tạo cho các trường có uy tín cơ hội tiếp nhận các khoản tài trợ giáo dục từ các tổ chức, cá nhân để phát triển cơ sở vật chất, cũng như để tạo lập các quỹ, các chương trình học bổng cho sinh viên giỏi, sinh viên nghèo. Về đề xuất của VED giao ĐH về cho các địa phương, mục đích quan trọng của VED là nhằm tạo ra một môi trường giáo dục cạnh tranh. Muốn có chất lượng giáo dục tốt, cần phải có cạnh tranh thật sự giữa các trường ĐH trong việc thu hút giảng viên giỏi, phát triển cơ sở vật chất nhà trường, thư viện, phòng thí nghiệm và các điều kiện khác. Tuy nhiên, VED hiểu rằng việc này không hề dễ dàng, cần một lộ trình thay đổi nhiều yếu tố liên quan. Theo tôi, khó khăn lớn nhất cho đề xuất này của VED là cơ chế hình thành ngân sách trung ương và địa phương ở nước ta và ở các nước mà VED tham chiếu rất khác nhau. Ở nhiều nước có sự tách bạch giữa thuế trung ương và thuế địa phương (tỉnh, thành phố). Ngân sách của chính quyền trung ương được hình thành từ thuế trung ương, ngân sách của chính quyền địa phương dựa trên thuế địa phương, ít khi có sự phân bổ ngân sách từ trung ương xuống địa phương (vì thế nên mới có tình huống chính quyền địa phương bị phá sản!). Ở nước ta không có sự tách bạch về thuế và ngân sách như vậy. Tất cả các khoản thuế được thu về ngân sách trung ương và phân bổ về các địa phương theo tỉ lệ khác nhau giữa các tỉnh, thành phố. Việc phân bổ ngân sách từ trung ương xuống địa phương chủ yếu được thực hiện thông qua các ngành, trong đó có ngành giáo dục cho các khoản đầu tư và chi tiêu giáo dục. Với chính sách thuế và phân bổ ngân sách như hiện nay, rất khó hình dung làm thế nào để Nhà nước phân bổ ngân sách cho trường ĐH mà địa phương là chủ, là người quản lý cao nhất. Trong các phân tích, khuyến nghị của VED về cải cách giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tôi đặc biệt đánh giá cao khuyến nghị thu hút các giảng viên, các nhà khoa học giỏi ở nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu. Nhật Bản đã làm rất mạnh việc này trong cải cách giáo dục thời Minh Trị và sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây cũng là điều mà nhiều trường ĐH ở Hàn Quốc, Trung Quốc lâu nay đang làm. Những giảng viên của ta bị hẫng hụt về kiến thức, trình độ sẽ có điều kiện và động lực để trau dồi, vươn lên khi làm việc trong môi trường có các đồng nghiệp nước ngoài. Nếu chỉ bằng nội lực thì rất khó để các trường ĐH nước ta sớm phát triển được đội ngũ giảng viên giỏi. Các sinh viên cũng không thể chờ chất lượng giảng viên ĐH khá lên. Về tự do học thuật, VED khuyến nghị những thiết chế rất đáng quan tâm như nghị trường giảng viên, nghị trường sinh viên, các ủy ban trường, nhằm tạo ra và duy trì tính dân chủ thật sự trong dạy và học, trong tuyển dụng và đánh giá. Nếu ai có sự lo lắng về “tự do học thuật”, cách tiếp cận của VED có thể làm yên lòng rằng nó hoàn toàn không có nghĩa là giảng viên muốn dạy thế nào thì dạy, sinh viên muốn học thế nào thì học. Ngược lại, việc dạy và học được kiểm soát tốt bởi các thiết chế dân chủ, để mọi vấn đề dạy và học được trao đổi, tham vấn một cách dân chủ, tránh mọi biểu hiện, hành vi áp đặt hành chính phản giáo dục của người quản lý trường hoặc cơ quan quản lý ngành. “Tự do học thuật” với cách hiểu và tiếp cận của VED giúp nâng cao chất lượng GDĐH theo các chuẩn mực quốc tế, không bao giờ làm hại hay đi ngược lại mục đích này. Tags: Cải cách giáo dục ĐHNhóm đối thoại giáo dục
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.