TTCT - Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu nước, và buộc nhiều quốc gia phải suy nghĩ lại về giá nước. Minh họa: Adriana Heldiz/Voice of San Diego Có một nghịch lý kinh điển về giá nước và giá trị thực, đến từ nhà kinh tế học Adam Smith: Tại sao kim cương lại đắt hơn nước? So sánh này nhằm chứng minh cách người ta định giá sản phẩm, rằng mặc dù nước rất cần thiết cho sự sống còn của con người, nhưng nền kinh tế của chúng ta còn bị chi phối bởi "tính khan hiếm".Chừng nào nước nôi còn dồi dào, nó có thể sẽ không ngừng… rẻ. Nhưng gần đây, biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu nước, và buộc nhiều quốc gia phải suy nghĩ lại về giá nước.Không có công thức chungKhi trận hạn hán tồi tệ năm 2015 bao trùm Bờ Tây nước Mỹ, một số lãnh đạo chính phủ, vì muốn người dân tiết kiệm nước, đã viện đến chiêu "miệt thị hạn hán" (drought shaming): khuyến khích việc lên án và bêu xấu công khai trên mạng xã hội những ai (bị cho là) lãng phí nước.Báo Orange County Register đã đăng một bài mỉa mai điển hình với cái tựa "Chúc mừng bạn đã tưới nước cho vỉa hè", kèm ảnh chụp một vũng nước gần lề đường ở Costa Mesa, bang California. Thay vì đoàn kết để giải quyết một vấn đề chung, người ta lại công kích lẫn nhau. Tức giận và thù ghét đã trở thành những thái độ gắn liền với hạn hán.Nhiều chuyên gia từ lâu đã đề xuất một giải pháp "hợp lý hơn": tăng giá để giảm xài nước. Nếu bạn muốn thay đổi hành vi, hãy thay đổi động cơ kinh tế. Sản phẩm càng đắt tiền, người ta càng dùng ít. Ngược lại, nếu một thứ càng rẻ tiền, người ta sẽ ít xem trọng.Năm 2019, tổ chức nghiên cứu độc lập Utah Foundation đã xuất bản một loạt bài phân tích toàn diện về vấn đề này. Theo đó, các công ty cấp nước nhận thấy mức sử dụng giảm đi 6,5% cho mỗi lần tăng 10% giá nước - một dấu hiệu thuyết phục rằng giá bán có thể tác động đến việc tiết kiệm nước.Tuy nhiên, không có một công thức tăng giá nào đúng cho mọi công ty cấp nước trong việc giảm tiêu thụ nước, theo bài báo đăng cùng năm của Trung tâm Tài chính Môi trường thuộc Đại học North Carolina tại Chapel Hill (UNC), Mỹ.Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về giá nước, lượng tiêu thụ và lượng sản xuất nước sinh hoạt của hàng trăm công ty cấp nước khác nhau ở California trong đợt hạn hán từ tháng 6-2015 đến tháng 5-2016, tức giai đoạn "bắt buộc tiết kiệm nước". Họ không tìm thấy mối tương quan giữa mức độ tăng giá và lượng nước tiết kiệm được, nghĩa là giá nước tăng không phải lúc nào cũng dẫn đến lượng nước sử dụng giảm. Trong một số trường hợp, công ty A áp dụng tăng giá và công ty B không tăng - cả hai đều đạt được mức tiết kiệm nước như nhau. Một lý do có thể là vì các công ty tăng giá nước cao hơn vốn đã đạt mức sử dụng nước thấp hơn trước đó.Một vấn đề nữa đáng lưu tâm là: tăng giá nước không phải là giải pháp tốt nhất trong mắt người tiêu dùng Mỹ. Trong cuộc thăm dò dư luận năm 2021 của báo Deseret News và Viện Chính trị Hinckley, người tham gia được hỏi: theo họ, đâu là cách tốt nhất để giảm sử dụng nước. Chỉ 10% chọn "tăng giá nước với những người vượt định mức hằng tháng". Trong khi đó, các điều luật hạn chế của chính phủ, với hình phạt cho hành vi "tưới cây quá nhiều", nhận được những 20% bình chọn. (Cần biết rằng người Mỹ rất đam mê những thảm cỏ trang trí)."Cách tốt nhất", với 49% bình chọn, là "tưởng thưởng cho cảnh quan ít tiêu tốn nước". Giải pháp này đã được áp dụng ở vài nơi, ví dụ như Las Vegas trả cho cư dân 3 đô la cho mỗi foot vuông (khoảng 0,09m2) để xé toạc toàn bộ thảm cỏ của họ.Giá trị của truyền thôngGiá cả dường như không phải là công cụ chủ đạo khi ta muốn thúc đẩy việc cắt giảm nước sinh hoạt trong ngắn hạn, cũng theo nghiên cứu của UNC. Một trong những chiến lược thành công nhất là "việc thực thi nghiêm ngặt các chỉ thị cắt giảm tại địa phương bằng cách đưa ra cảnh báo cho những khách hàng vi phạm chúng". Tính trung bình, công ty nào đưa ra nhiều cảnh báo hơn (trên 1.000 khách hàng) thì đạt được mức tiết kiệm nước cao hơn.Trong thời buổi tin tức bủa vây con người, việc đưa tin về hạn hán trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng đóng vai trò quan trọng. Nghiên cứu năm 2017 của Đại học Stanford đã chứng minh rằng: với các hộ gia đình ở nhà riêng, mức tiêu thụ nước giảm nhanh nhất là sau khi báo đài đưa tin dữ dội về hạn hán.Ảnh: The TelegraphMột nghiên cứu gần đây của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đăng trên tạp chí Nature vào tháng 1, chỉ ra rằng: việc cảnh báo người dân về "giá nước sắp sửa tăng" thậm chí còn hiệu quả hơn chính việc tăng giá. Ngay khi mọi người nghe nói rằng nước sẽ đắt hơn, họ bắt đầu sử dụng nước ít hơn.Để đưa ra kết luận, nhóm nghiên cứu đã theo dõi mức tiêu thụ nước hằng tháng của 2 triệu hộ gia đình Singapore từ tháng 1-2011 đến tháng 12-2019. Theo đó, vào năm 2017, sau khi chính phủ thông báo giá nước sẽ tăng 30%, mức tiêu thụ nước hằng tháng của các căn hộ bình dân (public housing, một hệ thống nhà ở được nhà nước hỗ trợ) đã giảm 5,8% so với các căn hộ tư nhân (private housing). Điểm thú vị là gần 2/3 sự tiết giảm đó thuộc về giai đoạn sau thông báo nhưng trước khi giá nước chính thức thay đổi.Khi so sánh giữa nhóm người sử dụng ít nước và nhóm sử dụng nhiều nước, nghiên cứu cũng lưu ý rằng: nhóm đầu đã phản ứng mạnh hơn trước thông báo tăng giá, trong khi nhóm sau chỉ thay đổi hành vi khi giá nước thật sự tăng. (Khi đưa vào biến số giàu và nghèo, bài toán tăng giá nước càng trở nên khó lường - ta sẽ tiếp tục bàn ở phần sau).Các phát hiện trên chỉ ra sự cần thiết của việc truyền thông chính sách hiệu quả trong nỗ lực tiết kiệm nước. "Bạn thực sự có thể sử dụng giá cả như một phần của công cụ tiết kiệm nước. Nó hiệu quả, và sẽ còn hiệu quả hơn nữa nếu bạn truyền đạt nó một cách đúng đắn" - Mingxuan Fan, đồng tác giả của nghiên cứu và là giáo sư thỉnh giảng tại NUS, nói với Bloomberg.Daniel Brent - giáo sư kinh tế môi trường tại Đại học bang Pennsylvania, Mỹ, người không tham gia nghiên cứu - nhận xét: "Người tiêu dùng không quan tâm nhiều đến giá nước và cần có thông điệp rõ ràng để giá nước có thể khuyến khích việc tiết kiệm một cách hiệu quả. Hy vọng các công ty cấp nước sẽ thực hiện việc ngẫu nhiên hóa các thông điệp khác nhau về giá nước, từ đó tìm ra cách hiệu quả nhất để thông báo giá nước cho khách hàng".Đừng quên người thu nhập thấpKhi hạn hán ngày một thường xuyên, các chính phủ trên khắp thế giới đang tìm cách cân bằng cung và cầu nước sinh hoạt, bao gồm giải pháp tăng giá. Nhưng không ít chuyên gia lo ngại cách làm này tác động tiêu cực đến những người có thu nhập thấp, những người vốn đã không đủ tiền mua nước sạch.Vì vậy, một số quốc gia, trong đó có Singapore, tung ra các khoản trợ cấp dựa trên thu nhập hộ gia đình. Trên lý thuyết, một khoản trợ cấp quá hào phóng có thể làm giảm hiệu quả của chiến lược tăng giá nước - nhưng trong thực tế, nghiên cứu của NUS không tìm thấy hệ quả như vậy. Thay vào đó, các hộ gia đình có thu nhập thấp được hưởng trợ cấp đã giảm tiêu thụ nước ở mức tương tự như những hộ không được trợ cấp.Đôi khi hóa đơn tiền nước có thể tăng đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp và giảm đối với các hộ có thu nhập cao, giống như những gì đã xảy ra ở California từ đợt hạn hán năm 2011 đến 2017, theo nghiên cứu của ĐH Stanford công bố hồi tháng 1 trên tạp chí Nature Water.Nhóm của giáo sư Sarah Fletcher phát hiện ra rằng: các hộ gia đình thu nhập cao có thể đã cắt giảm đáng kể, giảm được hóa đơn nước trung bình của họ ngay cả khi phải trả thêm phụ phí hạn hán. Trong khi đó, mức nước tiêu thụ của những hộ thu nhập thấp thường khó giảm sâu (vì vốn đã không quá cao). Ngay cả khi họ có thể cắt giảm nước sinh hoạt, mức giảm đó cũng không bù được khoản chi phí cộng thêm.Ảnh: UNICEFThật ra, hàng triệu người Mỹ bình thường đã và đang phải đối mặt với hóa đơn nước ngày càng tăng và ngoài khả năng chi trả, kèm theo nguy cơ bị cắt nước hoặc mất nhà, báo The Guardian công bố hồi năm 2020. Cuộc điều tra đã làm lộ ra tác động đau đớn của khủng hoảng "nghèo nước" (water poverty) đang lan rộng ở Mỹ, khi cơ sở hạ tầng ngày càng cũ kỹ (cần tiền để sửa chữa), các hoạt động dọn dẹp môi trường (cũng cần tiền), nhân khẩu học thay đổi và khủng hoảng khí hậu đang làm giá cả leo thang ở mọi ngóc ngách Hoa Kỳ.Giáo sư Fletcher kết luận trên trang tin Stanford News Service: "Nếu chúng ta xem an ninh nước là bao gồm khả năng chi trả cho những người có thu nhập thấp, thì một số biện pháp công nghệ đắt tiền mà chúng ta thường xem xét có thể thực sự gây hại cho an ninh nước, bằng cách khiến rất nhiều người dân không thể trả tiền nước, (trong khi) khả năng chi trả là một phần quan trọng của (quyền) tiếp cận nước". Gặp giá nước tăng, đôi khi người dân quyết định… không trả tiền. Nhưng công ty cấp nước vẫn phải quản lý cùng một lượng nước như cũ, hoặc nhiều hơn, và cần tiền để duy trì hệ thống. Một kịch bản như vậy có thể khiến hóa đơn của những người dân còn lại tăng thêm, Đài CBS của Mỹ nhận định.Đó là lý do tại sao các thành phố của Mỹ đang tìm kiếm các phương thức thanh toán "sáng tạo hơn" để người dân có thu nhập thấp không bị cắt nước, hoặc quyết định quỵt tiền nước. Ví dụ như chương trình dành cho hộ gia đình có thu nhập thấp của Philadelphia, bắt đầu vào năm 2017, tính tiền nước dựa trên mức thu nhập, chứ không phải mức sử dụng. Hóa đơn nước dao động từ 2% đến 4% thu nhập hộ gia đình, nhật báo Philadelphia Inquirer cho biết. Tags: Tiết kiệm nướcBiến đổi khí hậuTình trạng thiếu nướcNhóm nghiên cứuNước sinh hoạtSử dụng nướcNgười tiêu dùngKinh tế họcPhương tiện truyền thôngTruyền thông đại chúng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.