Hành khách vào bến xe Miền Đông (TP.HCM) ngày 2-2 về quê ăn tết - Ảnh: HOÀNG AN
TP Chí Linh khác với tỉnh Hải Dương. Mặc dù phong tỏa nhưng hàng hóa vẫn được ra vào, nông sản thực phẩm được vận chuyển, chạy qua Hải Phòng, Quảng Ninh, phòng chống dịch chứ không cấm xe qua. Dứt khoát không được "ngăn sông cấm chợ
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ MAI TIẾN DŨNG nhấn mạnh tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2-2.
Trong khi đó, nhiều người đã chủ động chọn cách ăn tết xa quê để đảm bảo an toàn trước diễn biến phức tạp của COVID-19.
Cảnh giác cao độ
Ông Nên ví von "chống dịch như chống giặc" mà "giặc đi bằng nhiều đường, nhiều biến thể" nhưng vẫn qua con người cụ thể. Vì vậy, công tác phòng chống dịch tốt nhất vẫn là từng cá nhân. Chỉ cần một người chủ quan để mắc bệnh thì cơ quan chức năng có thể phải quản lý giám sát 300 người.
Vì vậy, cần cảnh giác cao độ nhưng phải bình tĩnh, theo dõi sát, phát hiện sớm, điều tra truy vết ngay lập tức, xét nghiệm nhanh, khoanh vùng dứt khoát để kiểm soát chặt chẽ nhất. Nhưng cũng không vì vậy mà "hốt hoảng, ngăn sông cấm chợ".
Ông Trần Lưu Quang - phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - cũng nhất trí không nên "ngăn sông cấm chợ" vì như vậy khi trở lại TP.HCM, "người dân sẽ đi vòng vo các tỉnh thành khác gây khó khăn trong việc kiểm soát".
Theo Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, đến thời điểm hiện tại TP.HCM chưa có dịch trong cộng đồng nhưng có nguy cơ mầm bệnh xâm nhập rất cao từ bên ngoài, đặc biệt khi tết cận kề, giao thương hàng hóa, đi lại tăng.
Vì vậy, theo ông Hoan, điều TP.HCM cần làm ngay bây giờ là lấy an toàn trong sản xuất và cuộc sống, đảm bảo hoạt động bình thường, nếu không an toàn thì có nguy cơ bùng phát dịch cao, trong đó cần áp dụng nguyên tắc 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) khi chống dịch và cũng cần áp dụng trong cuộc sống hằng ngày.
Ông Hoan cũng đề nghị Sở Y tế lên kịch bản xét nghiệm trên diện rộng trong tình huống có dịch để truy vết khẩn cấp, xét nghiệm nhanh chóng, đạt kết quả sớm để kịp thời ứng phó.
Tất cả hành khách vào trong bến xe Miền Đông chờ xe đều phải mang khẩu trang và đo thân nhiệt (ảnh chụp ngày 2-2) - Ảnh: HOÀNG AN
Khuyến cáo dân phải tuân thủ biện pháp phòng dịch
Ông Võ Văn Hoan đề nghị các đơn vị chuyên môn cần tăng cường hơn nữa các hướng dẫn để người dân về quê ăn tết theo phương châm "an toàn, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh".
"Cần có sự chia sẻ, khuyên người dân chưa nên về khi quê mình đang nằm trong tâm điểm của dịch, bởi có về lúc vào sẽ rất khó vì nơi đó bị cách ly, vào TP.HCM cũng phải cách ly. Thay vì về tết, khuyên họ hãy chờ một dịp nào đó trong năm về quê thăm gia đình" - ông nói.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ ngày 2-2, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch bệnh TP.HCM - cho biết dưới góc độ chuyên môn, đơn vị không thể đưa ra khuyến cáo người dân ở TP.HCM "nên hay không nên" về các tỉnh đang có dịch.
"Chúng tôi chỉ đưa ra các khuyến cáo yêu cầu người dân khi từ các tỉnh có dịch về lại TP.HCM phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch, tự giác khai báo y tế để đơn vị kiểm soát dịch tại địa bàn" - ông Dũng nói.
Còn theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đến nay mọi quyết định đều phải phụ thuộc vào diễn biến từng ngày của dịch bệnh. Tuy nhiên đối với người về ăn tết, nơi nào mà Chính phủ, Bộ Y tế công bố vùng dịch (nếu không có thông báo nào khác) khi quay lại TP.HCM đều phải cách ly 21 ngày theo quy định.
Nhiều người chủ động ăn tết xa quê
Hôm qua 2-2, ghi nhận tại ga Sài Gòn, các bến xe Miền Đông, Miền Tây cho thấy tình hình an ninh trật tự sân ga, bến xe vẫn đảm bảo. Người dân đi tàu, xe về quê đều mang khẩu trang và các nhân viên bến xe, nhà ga tuân thủ các quy định phòng chống dịch COVID-19 từ dưới ga lên tàu.
Tuy nhiên, tại ga Sài Gòn có rất đông người dân ngồi chờ để trả lại vé tàu. Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn đặt máy bấm số thứ tự nhằm đảm bảo trật tự.
Anh Trần Trung Nghĩa, quê Hà Nam, cho hay do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên năm nay anh sẽ ở lại TP.HCM ăn tết.
"Thời điểm này, việc đảm bảo an toàn cho phòng chống dịch được đặt lên cao nhất. Sau khi tình hình dịch tạm ổn, tôi sẽ về quê" - anh Nghĩa nói. Còn anh Đào Viết Thi mua vé tàu tuyến Sài Gòn - Quy Nhơn khứ hồi đi trước tết ngày 6-2 và sau tết ngày 16-2 với giá vé tổng cộng 1,9 triệu đồng, mức phí trả vé là 194.000 đồng.
Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đưa giấy hẹn ngày 3-5 sẽ hoàn lại số tiền mua vé còn lại là 1,74 triệu đồng. "Tình hình dịch đang phức tạp, mình trả vé rồi tính tiếp" - anh Thi nói.
Tương tự, chị Thanh - công nhân một công ty tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa - nói nếu dịch ở quê bùng phát, khả năng sẽ phải cách ly khi trở lại làm việc. Đó cũng là nguyên nhân khiến gia đình chị quyết định trả vé tàu. Đến 12h cùng ngày, hàng trăm người vẫn xếp thành nhiều hàng dài trước phòng vé của ga Biên Hòa ra tận trước cửa để chờ làm thủ tục trả vé.
301
Chiều tối 2-2, Bộ Y tế cho biết ghi nhận thêm 31 ca bệnh COVID-19 mới, trong đó 30 ca là lây trong cộng đồng.
Với 31 ca bệnh mới, số mắc từ ngày 27-1 đến nay là 301 ca tại 10 địa phương. Phần lớn trong số này là Hải Dương (224 ca), Quảng Ninh (33), Hà Nội (21), Gia Lai (9)...
Đồ họa: N.THÀNH
Dịch ở Hà Nội có thể kéo dài hơn dự kiến
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra ngày 2-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết với Hà Nội, các trường hợp có liên quan đến ổ dịch ở Hải Dương và Quảng Ninh đang được khoanh vùng cách ly, lấy mẫu diện rộng. "Bộ Y tế đã làm việc với Hà Nội và chúng tôi cho rằng dịch ở Hà Nội có thể kéo dài hơn dự kiến vì lây nhiễm ở đây tương đối phức tạp" - ông Nguyễn Thanh Long phát biểu.
20h ngày 2-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông báo về ca dương tính mới, là F1 của ca bệnh 1814 (giáo viên Trường THCS Sao Đỏ, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nơi ở 23 Duy Tân, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Bệnh nhân mới nhất này là ông N.A.S., 45 tuổi, ở địa chỉ 601 N03 Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, là công chứng viên có tiếp xúc với ca bệnh 1814 tại văn phòng công chứng số 3 (số 6 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) vào ngày 27-1.
Như vậy, tính đến 20h ngày 2-2, Hà Nội đã ghi nhận 21 ca bệnh tại 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đông Anh, Mê Linh.
Bình tĩnh trước các tin đồn thất thiệt
Hôm qua 2-2 đã có nhiều tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội. Đầu tiên là tin đồn sân bay Nội Bài chuẩn bị... đóng cửa, khiến nhiều người đang có nhu cầu di chuyển đi các tỉnh thành từ sân bay Nội Bài vội vã đổi vé. Chiều 2-2, đại diện ngành hàng không và giới chức phải công bố thông tin là không có chuyện đóng cửa sân bay Nội Bài.
Trong khi đó, nhiều tin đồn về việc các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hoặc các tỉnh thành "cách ly" nếu người từ Hà Nội về trong dịp tết. Trả lời Tuổi Trẻ, một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết hiện Thủ tướng ủy quyền cho các địa phương ban hành các quy định phù hợp với tình hình, vì thế có cách ly "người từ Hà Nội" hay không dịp tết này là tùy theo quyết định của lãnh đạo các tỉnh thành.
"Tuy nhiên đến giờ này tôi chưa thấy tỉnh thành nào có quyết định như vậy, quan điểm của tôi là không nên "ngăn sống cấm chợ", phải vừa mở nhưng vừa đóng, đều bằng hàng rào kỹ thuật. Xu thế chung nên thế vì dịch còn kéo dài, không thể gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân. Thay vào việc đóng cửa, nên nỗ lực nhanh chóng trong việc khoanh vùng, truy vết để dập dịch" - chuyên gia này cho biết.
"Chỉ có những vùng dịch hay vùng bị phong tỏa mới ngăn đi lại, còn lại nếu ngăn đi lại hoặc yêu cầu cách ly là không đúng quy định" - ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cho biết.
LAN ANH
Bộ Y tế phê bình Hải Dương, Gia Lai "chống dịch mà đọc báo cáo"
Lấy mẫu xét nghiệm tại Hải Dương - Ảnh: ĐỨC TÚY
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhiều lần gay gắt phê bình đại diện Sở Y tế Hải Dương trong cuộc họp trực tuyến chống dịch COVID-19 chiều tối 2-2 vì "không nắm được thì thôi chứ không đọc báo cáo". Đồng thời phê bình vì Gia Lai đang tỏ ra chậm chạp trong chống dịch.
Trong lúc Hải Dương vẫn đang là vùng dịch nóng nhất với 7 huyện thị, TP có ca dương tính, ngày 2-2 thêm 18 ca mới, nâng tổng số ca mắc từ 27-1 đến nay là gần 224 ca riêng tại Hải Dương, thì tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Y tế với các tỉnh có dịch ngày 2-2, đại diện Sở Y tế Hải Dương lại không nắm chắc số liệu, không chỉ ra các biện pháp đang thực hiện tại các vùng dịch mới của Hải Dương như Cẩm Giàng, Nam Sách, Kinh Môn, TP Hải Dương...
"Chống dịch mà đọc báo cáo, anh không nắm được thì thôi" - ông Long ngắt lời.
Gia Lai cũng là vùng đang "có biến" khi số mắc đã lên đến 13 ca, từ ngày 1-2 tạm phong tỏa Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tốc độ xét nghiệm chậm, điều trị phải chia đôi lực lượng về lâu dài khó chịu đựng nếu ca mắc tăng, ca bệnh đầu tiên đã bắt đầu tiếp xúc nguồn bệnh từ khoảng 14 ngày trước.
"Gia Lai đang làm rất chậm chạp, từ 3-2 chúng tôi sẽ điều CDC Đà Nẵng, Viện Pasteur TP.HCM lên hỗ trợ, dịch này phải làm thật nhanh, xét nghiệm thật nhanh cho Gia Lai, nếu không thì rất quan ngại" - ông Long nói.
Tốc độ gia tăng ca nhiễm ở Hà Nội trong ngày 2-2 đã "giảm tốc" so với vài ngày trước đó, với duy nhất ca nhiễm mới là F1 của bệnh nhân 1814, ca bệnh này cũng đã được cách ly sau khi bệnh nhân 1814 dương tính.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh - phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Hà Nội đã mở thêm 1 khu cách ly ở Tứ Hiệp, Thanh Trì và 5 đoàn kiểm tra hoạt động chống dịch đã bắt đầu đi các quận huyện.
Với tình hình ngày 2-2, tình trạng nóng bỏng ở Hà Nội có dấu hiệu hạ nhiệt được chút ít.
LAN ANH
Nhân viên y tế phun khử trùng tại Trường đại học Thủ Dầu Một ngày 2-2 sau khi một nữ sinh viên mắc COVID-19 - Ảnh: B.S.
Thêm 2 ca nhiễm trong cộng đồng, Bình Dương mở rộng phong tỏa
Hôm qua 2-2, thêm một phần khu phố 3, khu phố 6, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (bên cạnh toàn bộ khu phố 5 và một phần khu phố 7 đã được phong tỏa từ trước đó) được phong tỏa nhằm đảm bảo an toàn khu vực xung quanh Trường ĐH Thủ Dầu Một, nơi có nữ sinh là bệnh nhân 1843.
Trong cuộc họp chiều 2-2 với Bộ Y tế, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết có thêm 2 trường hợp dương tính bị lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca lây nhiễm trong cộng đồng tới cuối giờ chiều 2-2 tại Bình Dương lên 4 ca. Các hội chợ hoa xuân, lễ xuất phát chuyến xe miễn phí đưa công nhân từ tỉnh này về quê ăn tết đã bị hủy.
BÁ SƠN
* Hà Nội: sớm xét nghiệm cho nhân viên sân bay Nội Bài
Chiều 2-2, tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo ngành y tế tập trung lên kế hoạch, bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực hợp pháp để mua vắcxin phòng chống dịch COVID-19 tiêm cho toàn bộ người dân thủ đô.
Tại buổi họp, dù ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các lực lượng tuyến đầu, các sở ngành, quận huyện... nhưng ông Huệ chỉ rõ một số nơi, cấp ủy, chính quyền triển khai chưa đủ nhanh, chưa đủ quyết liệt, cá biệt có nơi còn chủ quan, chưa nhận thức hết được sự nguy hiểm của chủng virus mới.
"Phấn đấu trước 23 tháng chạp phải rà soát, xét nghiệm và có kết quả toàn bộ F1, kể cả người đi về từ vùng dịch, sớm mở rộng xét nghiệm các trường hợp F2 và xét nghiệm cho nhân viên sân bay Nội Bài" - ông Huệ yêu cầu. (X.LONG)
* Hải Dương: tạm dừng hoạt động thêm 1 công ty
Đó là Công ty TNHH Michigan Hải Dương, lý do để đảm bảo thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại TP Chí Linh. Ngoài ra, cách ly y tế 21 ngày đối với các khu dân cư thuộc các phường An Sinh, Minh Hòa, An Phụ, Phạm Thái, Long Xuyên thuộc thị xã Kinh Môn. (T.THẮNG)
Trung Quốc trả tiền để người dân không về quê ăn tết
Người dân ở các thành phố Trung Quốc được khuyến khích không về quê ăn tết - Ảnh: SCMP
Các công ty, chính quyền tại nhiều địa phương ở Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách như tặng tiền, phiếu mua sắm, xem phim... để khuyến khích người dân ăn tết ở các thành phố tại chỗ, hạn chế nguy cơ lây lan dịch trong mùa xuân vận.
Các cơ quan giao thông ước tính riêng các tuyến tàu lửa sẽ đón khoảng 300 triệu lượt khách trong kỳ nghỉ tết năm nay. Năm ngoái, việc hạn chế đi lại do dịch COVID-19 khiến việc du lịch trong đợt tết giảm hơn 50%, còn khoảng 1,47 tỉ lượt khách bao gồm cả hàng không, tàu hỏa, xe buýt.
Năm nay, trong bối cảnh một số địa phương như Hà Bắc vừa phong tỏa một khu vực 11 triệu dân hay Hắc Long Giang tuyên bố tình trạng khẩn cấp do dịch, các quan chức Trung Quốc tiếp tục kêu gọi người dân cảnh giác trong kỳ nghỉ tết.
Tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, chính quyền thông báo sẽ tặng phiếu mua sắm, miễn phí vào các điểm du lịch, vé xem phim, thực phẩm và cả đồ trang trí tết để khuyến khích người dân không về quê. "Giảm nguy cơ lây lan virus, bảo vệ chính mình và gia đình là món quà lớn nhất dành tặng cho gia đình và thành phố của chúng ta. Chúng tôi mong mọi người ở lại Phật Sơn đón năm mới 2021", thông báo viết.
Tại Tương Thành thuộc thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, chính quyền sẽ tặng 77 USD cho mỗi người dân và hứa giảm phí cho các công ty thuê nhà nhà nước nếu họ tặng quà cho người lao động. Tương tự, chính quyền Hải Thương thuộc thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến sẽ dành 1,7 triệu USD để hỗ trợ những người ăn tết tại chỗ.
Từ đầu tháng 1-2021, Trung Quốc đã kêu gọi người dân hạn chế về quê nếu không cần thiết và các công ty linh hoạt thời gian nghỉ tết.
Một số địa phương yêu cầu người dân thông báo trước kế hoạch về quê và chỉ cho phép họ trở lại thành phố sau kỳ nghỉ nếu có xét nghiệm âm tính với COVID-19. "Tạm thời xa nhau để ngày đoàn tụ tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy kiên trì và đón chờ chiến thắng", một thông điệp phát trên Đài truyền hình CCTV mới đây.
TRẦN PHƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận