Đáng lưu ý, ngân hàng khuyến khích khách hàng nên thanh toán bằng hình thức chuyển khoản để giao dịch nhanh chóng và thuận tiện.
Thanh toán chuyển khoản khi mua số lượng lớn
Ông Phạm Toàn Vượng, tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), cho biết ngân hàng sẵn sàng cung ứng vàng cho người dân từ ngày 3-6. Trước mắt, Agribank sẽ bán tại Hà Nội, TP.HCM và theo dõi diễn biến thị trường để tiếp tục triển khai mở rộng hơn.
Để mua vàng, khách hàng mang theo giấy tờ tùy thân đến các địa điểm bán vàng của Agribank để giao dịch. Người mua vàng có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và nhận vàng giao ngay.
Hóa đơn bán hàng được cung cấp cho khách hàng mua vàng theo hình thức hóa đơn điện tử.
Tuy nhiên Agribank lưu ý, trong trường hợp dự kiến mua vàng với khối lượng lớn, để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền, khách hàng phải chuẩn bị sẵn thông tin để khai báo hoặc thực hiện mở tài khoản tại Agribank trước khi giao dịch hoặc thực hiện thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.
Theo ông Phạm Toàn Vượng, việc xuất hóa đơn, thanh toán qua tài khoản giúp khẳng định được giao dịch hợp pháp, cũng là khẳng định quyền sở hữu của người mua.
"Đồng thời điều này cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được các giao dịch, lượng vàng luân chuyển trong cá nhân, tổ chức và các đơn vị được phép kinh doanh vàng", ông Vượng cho biết.
Lưu ý về thanh toán khi mua vàng, nhất là khi mua vàng với số lượng lớn cũng được Vietcombank nêu ra trước thời điểm ngân hàng này chính thức bán vàng cho người dân từ 13h30 ngày 3-6 tại sáu điểm giao dịch ở Hà Nội và TP.HCM.
Khách hàng đến trực tiếp các địa điểm bán vàng để giao dịch. Có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và nhận vàng giao ngay. Hóa đơn bán hàng được cung cấp cho người mua vàng theo hình thức hóa đơn điện tử.
Tuy nhiên, Vietcombank cũng lưu ý, trong trường hợp dự kiến mua vàng với khối lượng lớn, để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền, người mua cần chuẩn bị sẵn thông tin để khai báo.
Hoặc khách hàng có thể mở tài khoản tại Vietcombank trước khi giao dịch hoặc thực hiện thanh toán bằng hình thức chuyển khoản để thuận tiện, nhanh chóng hơn trong giao dịch.
Trong thông cáo phát đi, VietinBank cũng cho biết sẽ bán vàng với chủ trương "ba không": không vì mục tiêu lợi nhuận, không giới hạn khách hàng cá nhân và không giới hạn số lượng mua.
Ngân hàng này cũng khuyến khích các khách hàng nên thực hiện thanh toán bằng hình thức chuyển khoản để giao dịch nhanh chóng và thuận tiện.
Tiến tới hạn chế mua bán vàng miếng bằng tiền mặt?
Câu chuyện thanh toán khi mua vàng - hàng hóa có giá trị lớn - thời gian gần đây liên tục được đặt ra.
Đầu tháng 5, Tổng cục Thuế đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.
Trước đó, khi góp ý sửa đổi, bổ sung nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, NHNN chi nhánh TP.HCM cũng đã đưa ra đề xuất hạn chế việc thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt nhằm phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và phòng chống hoạt động rửa tiền...
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện nay các công ty vàng lớn đều yêu cầu người mua vàng phải cung cấp thông tin khi mua bán vàng. Thông tin này ngoài việc để xuất hóa đơn điện tử theo quy định, còn được lưu vào hệ thống.
Gần đây nhiều tiệm vàng cũng yêu cầu người mua bán vàng phải xuất trình CCCD để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền.
Về kiến nghị bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Một số chuyên gia cho rằng nên thanh toán không dùng tiền mặt cho tất cả giao dịch vàng khác chứ không chỉ riêng cho vàng miếng. Điều này giúp minh bạch doanh thu, giúp thị trường vàng hoạt động minh bạch, ngăn chặn hoạt động rửa tiền.
"Hàng loạt lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt với hoạt động mua bán vàng, đầu tiên là nhanh, tiện, hạn chế sai sót.
Chỉ cần một vài thao tác là đã hoàn tất thanh toán, bên mua lẫn bên bán không cần phải kiểm đếm, hạn chế rủi ro do đếm nhầm, tiền giả..., nhất là với những giao dịch mua bán lớn.
Điều này dễ hiểu vì sao trong các thông báo đưa ra Big4 đều lưu ý, trong trường hợp mua vàng với khối lượng lớn, khách hàng có thể mở tài khoản trước khi giao dịch hoặc thực hiện thanh toán bằng hình thức chuyển khoản để thuận tiện, nhanh chóng hơn trong giao dịch", chuyên gia Trần Duy Phương nói.
Ngăn chặn rửa tiền
Theo chuyên gia Trần Duy Phương, việc thanh toán không dùng tiền mặt khi mua vàng giúp ích rất nhiều cho công tác quản lý, giúp nhà điều hành quản lý được ai mua, ai bán, số lượng bao nhiêu, có lặp đi lặp lại không... Từ đó biết được nguồn vàng mà NHNN tung ra thị trường đi về đâu.
"Thời gian qua NHNN tung hơn 48.000 lượng vàng qua đấu thầu nhưng sau khi các ngân hàng và công ty vàng trúng thầu thì số lượng vàng này bán cho ai, đi về đâu rất khó kiểm soát.
Dù thời gian qua các công ty vàng lớn đã yêu cầu người mua vàng cung cấp CCCD nhưng theo tôi là chưa đủ vì mới kiểm soát được ai mua, ai bán, còn dòng tiền thì chưa kiểm soát được.
Vì có thể dòng tiền không phải từ những người đứng tên mua. Còn nếu mua bán thanh toán bằng chuyển khoản thì biết được đích danh dòng tiền đến từ đâu. Từ đó cơ quan quản lý có thêm thông tin để ngăn chặn hoạt động rửa tiền hay đầu cơ, lũng đoạn giá", ông Phương phân tích.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, vừa qua vẫn có một số ý kiến trái chiều liên quan đến bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng vì "hình thức thanh toán bằng tiền mặt hay không tiền mặt vẫn là sự lựa chọn của người dân".
Một số ý kiến cho rằng cơ quan quản lý nên tính đến phương án khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch vàng, hoặc nghiên cứu để đưa ra mức áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt như mua từ 1 lượng trở lên thay vì tất cả giao dịch.
Giá vàng miếng SJC giảm chóng mặt
Dù ngày 1-6 rơi vào cuối tuần nhưng chứng kiến đến hai đợt giảm giá của vàng miếng SJC.
Vừa mở cửa, giá bán vàng miếng tại Công ty SJC bốc hơi 2 triệu đồng/lượng, về 85 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, đến buổi chiều mức giảm mạnh hơn. Từ mức 85 triệu đồng/lượng, giá bán vàng miếng SJC giảm về 84 triệu đồng/lượng rồi 83 triệu đồng/lượng vào cuối ngày - ngang với giá bán vàng miếng SJC tại các tiệm vàng.
Như vậy chỉ trong một ngày, giá bán vàng miếng SJC đã giảm đến 4 triệu đồng/lượng - đó cũng là mức giảm kỷ lục trong thời gian gần đây. Chênh lệch giá mua - bán ở mức 2 triệu đồng/lượng, mua vào 81 triệu đồng/lượng.
Bảo Tín Minh Châu giảm giá bán vàng miếng SJC tổng cộng 2,45 triệu đồng/lượng trong ngày 1-6, từ 85,9 triệu đồng/lượng về 83,45 triệu đồng/lượng. Giá mua vào còn 80,95 triệu đồng/lượng.
Công ty DOJI giảm mạnh giá bán từ 85,95 triệu đồng/lượng hôm 31-5 xuống còn 82,75 triệu đồng/lượng cuối ngày 1-6, tương đương mức giảm 3,2 triệu đồng/lượng trong một ngày. Giá mua vào còn 80,95 triệu đồng/lượng.
Tại tiệm vàng Mi Hồng, giá bán vàng miếng SJC giảm thêm 3 triệu đồng/lượng, xuống còn 83 triệu đồng/lượng. Giá mua vào còn 81 triệu đồng/lượng.
Như vậy chỉ ba ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố thay đổi phương án can thiệp thị trường vàng, giá vàng đã bốc hơi đến 7,6 triệu đồng/lượng.
Sức ép giảm giá ngày càng mạnh hơn khi giá vàng thế giới cũng lao dốc mạnh những ngày gần đây.
Giá vàng thế giới kết thúc tuần giao dịch ở mức 2.327,7 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 71,5 triệu đồng/lượng.
Như vậy so với giá vàng thế giới quy đổi, giá bán vàng miếng SJC đang cao hơn khoảng 12 triệu đồng/lượng.
Mức chênh lệch này đã thu hẹp đáng kể vì trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước công bố thay đổi phương án can thiệp thị trường vàng, mức chênh lên đến hơn 18 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia dự báo với tốc độ giảm như hiện nay, mốc 80 triệu đồng/lượng sẽ không còn xa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận