07/12/2018 09:51 GMT+7

Khuyến khích làm điện mặt trời, bán cho EVN

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TTO - Điện mặt trời là xu hướng VN sẽ phát triển. Hiện người dân có thể dễ dàng lắp đặt và đăng ký với ngành điện, từ đó bán ngược trở lại điện qua côngtơ hai chiều.

Khuyến khích làm điện mặt trời, bán cho EVN - Ảnh 1.

Một hộ dân ở phường 13 (Tân Bình, TP.HCM) vệ sinh các tấm pin đã đầu tư để cấp điện cho gia đình - Ảnh: TUYẾT KIỀU

Với điện áp mái sẽ có những chính sách mạnh mẽ hơn, đặc biệt thu hút hơn các trường hợp có mặt bằng từ tòa nhà, chung cư... Cơ chế giá điện mặt trời trên mái nhà cũng sẽ tính toán hợp lý hơn

Ông Lê Văn Lực (phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương)

Thông tin trên được đưa ra ở buổi tọa đàm "Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam", do báo Tuổi Trẻ cùng Công ty Bamboo Capital tổ chức ngày 6-12.

Dễ dàng làm điện mặt trời trên mái nhà

Ông Huỳnh Kim Tước - giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, Sở Khoa học công nghệ TP.HCM - nhận định tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời trên mái nhà ở các đô thị hiện nay là rất lớn.

Ông Tước dẫn chứng kết quả nghiên cứu phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới khảo sát tại hơn 955.000 mái nhà trong phạm vi 366km2 ở TP.HCM cho thấy có khoảng 316.000 mái nhà phù hợp làm điện mặt trời với tổng công suất lên tới 6.300MW (công suất thiết kế thủy điện Hòa Bình là 1.920MW gồm 8 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240.000KW).

Khả năng hộ gia đình, khu dân cư đô thị ở TP.HCM có thể tạo ra 9,5 triệu MWh điện, riêng các khu công nghiệp có thể tạo ra 2,6 triệu MWh điện.

Ông Nguyễn Văn Lý - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCM) - cho biết hiện nay, trên địa bàn TP đã có 860 hộ dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà và phát hơn 1 triệu kWh lên hệ thống lưới điện.

Ông Lý chia sẻ trong 2,4 triệu khách hàng sử dụng điện của TP, hiện có 10% sử dụng trên 1.000 kWh/tháng - là những hộ có khả năng phát triển điện mặt trời. Chỉ cần 200.000 hộ làm điện mặt trời áp mái, TP đã có công suất khoảng 200MW.

Cũng theo ông Lý, với suất đầu tư dưới 20 triệu đồng/kW thì mỗi ngày điện được sản sinh ra khoảng 4,5kWh (diện tích mái nhà cần lắp đặt khoảng 10m2). Với lượng điện sản sinh như trên đủ thắp sáng 50 bóng đèn loại công suất 20W/bóng.

Trường hợp đầu tư công suất lên đến 4kW có thể đủ cung cấp điện cho hệ thống tủ lạnh, tivi, đèn chiếu sáng... Ông Lý cũng nhận định với suất đầu tư như trên, trong vòng 8-9 năm người dân có thể hòa vốn, còn tuổi thọ thiết bị được một số công ty đảm bảo trong 25-30 năm.

Để tạo điều kiện cho người dân phát triển điện mặt trời trên mái nhà (nếu không dùng hết có thể bán ngược lại cho ngành điện với côngtơ hai chiều), ông Lý cho hay trong năm 2018, EVN HCM đã xây dựng quy trình truyền thông cho người dân: muốn lắp điện mặt trời liên hệ với ai, thủ tục thế nào, giá mua bán ra sao, nối lưới thế nào...

Ông Lý đề nghị khi người dân có nhu cầu đầu tư điện mặt trời trên mái nhà tại TP.HCM liên hệ qua tổng đài 1900545454 hoặc website: cskh.hcmpc.vn. Qua đó, nhân viên ngành điện sẽ tư vấn cho khách hàng đầu tư thế nào hợp lý với diện tích, đồng thời giới thiệu cho khách hàng 10 đơn vị cung cấp, lắp đặt uy tín.

Khuyến khích làm điện mặt trời, bán cho EVN - Ảnh 3.

Quy trình đầu tư điện mặt trời mái nhà nối lưới trên địa bàn TP - Đồ họa: T.ĐẠT

Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều lợi

Ông Đặng Nguyên Phương - trưởng ban kiểm tra giám sát, mua bán điện Tổng công ty Điện lực Miền Nam - nhìn nhận với suất đầu tư khoảng 20 triệu đồng/kW, công suất lắp đặt như hiện nay dù không thể cung cấp đủ điện cho một hộ gia đình nhưng giúp tránh những bậc thang giá điện cao. Nếu nhiều nhà tham gia, Nhà nước cũng đỡ phải đầu tư nguồn phát điện.

Ông Nguyễn Đức Cường - giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0, thuộc EVN) - thông tin thêm chủ trương của EVN là ủng hộ việc phát triển điện mặt trời trên mái nhà. Xét góc độ nào đó, đây là cách phát huy sự tham gia đầu tư nguồn điện từ nguồn lực của xã hội.

Người dân được hưởng lợi đã rõ, ngành điện cũng giảm áp lực đầu tư lưới điện, nguồn điện; giảm nhu cầu truyền tải, giảm tổn thất. Về phía tập đoàn, định hướng tạo mọi điều kiện cho các đơn vị, hộ dân phát triển điện mặt trời áp mái.

Từng bước tháo gỡ vướng mắc

Ông Nguyễn Văn Lý cho rằng điểm vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc phát triển điện mặt trời trên mái nhà là chưa thống nhất được việc thanh toán giữa bên mua và bên bán. Hiện nay, số lượng điện các hộ dân đưa lên lưới đều được ghi nhận, giá đã có nhưng thanh toán chưa được vì vướng thủ tục về thuế.

"Ngành điện bán điện cho khách hàng có hóa đơn riêng, còn người dân bán ngành điện thì sao, hay cấn trừ..." - ông Lý nêu vướng mắc và cho biết thêm đã có trao đổi với cơ quan có thẩm quyền, khả năng trong tháng 12-2018 sẽ có hướng dẫn giải quyết vấn đề này.

Tiềm năng lớn ở đường cao tốc, đường sắt...

Theo ông Huỳnh Kim Tước, không chỉ trên các mái nhà mà quỹ đất để phát triển điện mặt trời ở các địa điểm giao thông, các tuyến đường cao tốc, đặc biệt dọc tuyến đường sắt là rất lớn.

Tuy nhiên, điều ông Tước băn khoăn là cần phải có chính sách ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật lắp đặt, tài chính để các nhà đầu tư dễ dàng kết nối với các hộ dân, tòa nhà để đầu tư điện mặt trời.

Điện mặt trời vướng dây dẫn

TTO - Việc cấp phép các dự án điện mặt trời đã vượt hơn 9 lần so với quy hoạch điện VII (điều chỉnh). Nhiều rủi ro cho nhà đầu tư khi lưới điện truyền tải không được đầu tư kịp.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên