Thành phố Quy Nhơn giữ được nhiều mảng xanh trong đô thị - Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Khác biệt chủ yếu của đô thị Quy Nhơn là gìn giữ và phát huy những giá trị đang có, luôn giữ môi trường sinh thái, không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, thành phố luôn xanh, không biến đô thị đáng sống thành một đô thị bêtông hóa, nén chặt làm thành phố ngột ngạt
Ông HỒ QUỐC DŨNG (chủ tịch UBND tỉnh Bình Định)
Trải dài hơn 5km từ Mũi Tấn đến bãi tắm Hoàng Hậu, bãi biển Quy Nhơn với hình ảnh giống "vành trăng khuyết", bãi cát vàng thoai thoải, sạch bong, hầu như không bị che khuất tầm nhìn.
Đường Xuân Diệu sát biển Quy Nhơn vừa được mở rộng lên bốn làn xe, nhưng theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, tỉnh này đang thực hiện dự án lấy nửa phía đông con đường này làm đường đi bộ ven biển với thiết kế hiện đại, lạ mắt nhất Việt Nam.
Quyết định mạnh dạn và táo bạo
Gần đây, dư luận hoan nghênh Bình Định khi lãnh đạo tỉnh này công khai thông tin chủ trương dời ba khách sạn lớn, từng là "biểu tượng du lịch" của Quy Nhơn là Hải Âu, Hoàng Yến, Bình Dương án ngữ trên bờ biển Quy Nhơn, lấy đất làm công viên công cộng.
Ông Hồ Quốc Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - nói: "Toàn bộ không gian Quy Nhơn đều hướng biển, khu vực biển và bờ biển là của cộng đồng, khống chế chiều cao và không xây dựng dày đặc như một số đô thị biển khác trong khu vực. Đây là kinh nghiệm mà lãnh đạo tỉnh đã rút ra từ các đô thị biển lân cận".
Bình Định còn làm điều táo bạo hơn: đệ trình và được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội nằm ở phía bắc Quy Nhơn, trên bán đảo Phương Mai, vào tháng 5-2019.
Bắt đầu cho "câu chuyện lớn" này là tại một cuộc họp HĐND tỉnh giữa năm 2016, lãnh đạo tỉnh Bình Định công bố rằng tỉnh quyết định chấm dứt, không thu hút dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội có tổng mức đầu tư 22 tỉ USD của nhà đầu tư Thái Lan, chiếm hơn 1.400ha trong vùng lõi của Khu kinh tế Nhơn Hội.
Đây là điều rất lạ bởi trước đó Bình Định đã tìm nhiều cách để thu hút dự án này về. "Dự án khổng lồ, nếu thực hiện xong sẽ mang lại nguồn thu ngân sách cực lớn cho Bình Định. Nhưng qua giai đoạn háo hức, chúng tôi nghĩ lại thấy rất nguy hiểm vì một nhà máy lọc hóa dầu lại nằm ngay sát thành phố Quy Nhơn, nằm trên đầm Thị Nại sẽ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường biển Quy Nhơn.
Biển ô nhiễm thì còn gì nữa! Do vậy, lãnh đạo tỉnh quyết định không triển khai dự án này nữa, tìm hướng khác, để gìn giữ biển, vịnh Quy Nhơn trong lành, sạch đẹp cho hôm nay và con cháu mai sau" - ông Hồ Quốc Dũng nói.
Từ quan điểm đó, Bình Định đã xây dựng việc chuyển Khu kinh tế Nhơn Hội từ định hướng là một tổ hợp công nghiệp, chủ yếu công nghiệp nặng, đóng tàu, cảng biển… sang là đô thị - dịch vụ - du lịch; chuyển công nghiệp lên huyện Vân Canh.
“Đây là một quyết định, theo tôi, mạnh dạn và táo bạo của lãnh đạo tỉnh, xoay chuyển động lực của khu vực đó. Hi vọng đây là một bước ngoặt mở rộng không gian đô thị Quy Nhơn” - ông Dũng tin tưởng.
Tất cả những gì của tiền nhân để lại, chúng tôi phải bảo tồn
Ông HỒ QUỐC DŨNG (chủ tịch UBND tỉnh Bình Định)
Biển Quy Nhơn được gìn giữ thông thoáng cho cộng đồng - Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Xây dựng một Quy Nhơn khác biệt
Ông Lê Đăng Tuấn - phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Định - cho biết Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định hàng chục năm qua rất quan tâm đến quy hoạch.
Nhờ đó Quy Nhơn cũng nhiều lần được lập quy hoạch vào các năm 1991, 1997, 2004 và gần nhất là năm 2015, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050.
Công viên biển Quy Nhơn - Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Ông tiết lộ quy hoạch này có sự tham gia của những chuyên gia quy hoạch đến từ Pháp.
Theo đó, Quy Nhơn được định hướng quy hoạch theo hướng thành phố hiện đại nhưng giữ được cảnh quan thiên nhiên độc đáo, có bản sắc riêng để trở thành một thành phố khác biệt với các thành phố ven biển khác.
Phía nam của thành phố này đã hình thành khu đô thị khoa học Quy Hòa, nơi có Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, mỗi năm tổ chức hàng chục hội thảo quốc tế với sự tham gia của nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới. Nơi đây, nhiều dự án khoa học phần mềm, trí tuệ nhân tạo đang triển khai.
Tỉnh Bình Định hi vọng đô thị mới lạ này sẽ trở thành điểm đến cho du lịch khoa học trong tương lai gần.
Còn ở phía bắc Quy Nhơn có đầm Thị Nại, một đầm nước lợ có diện tích đến 5.000ha đổ ra vịnh biển Quy Nhơn. Tỉnh đã quyết định dịch chuyển trung tâm thành phố Quy Nhơn về hướng bắc, và đầm Thị Nại nằm giữa lòng thành phố.
Để tạo nên sự khác biệt, Bình Định đã tổ chức cuộc thi quốc tế ý tưởng quy hoạch phát triển quanh đầm Thị Nại và đã chọn đồ án của các chuyên gia Pháp kết hợp một đơn vị trong nước thiết kế.
Một góc đầm Thị Nại giữa lòng thành phố Quy Nhơn - Ảnh: NGUYỄN DŨNG
“Tỉnh đang cụ thể hóa quy hoạch này thành những quy hoạch phân khu. Đầm Thị Nại phía bên Nhơn Hội sẽ xây dựng một thành phố hiện đại, phía Tuy Phước là một khu đô thị sinh thái. Nghĩa là hai khu đô thị với tính chất khác nhau ở đôi bờ cùng soi bóng xuống đầm Thị Nại” - ông Tuấn cho hay.
Một vấn đề cốt lõi trong phát triển đô thị của Bình Định là giữ gìn, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. “Đây là điều chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra được bản sắc riêng cho đô thị Quy Nhơn. Tất cả những gì của tiền nhân để lại, chúng tôi phải bảo tồn” - ông Hồ Quốc Dũng khẳng định.
Cùng với việc gìn giữ các không gian văn hóa Chăm: tháp Chăm, gốm Chăm, cảng Chăm; Bình Định còn có quyết sách cải tạo, bảo tồn làng chài Nhơn Lý với những ngôi nhà cổ xưa hàng trăm năm gắn với lao động nghề biển, làng phong Quy Hòa… chứ không giải tỏa, phá bỏ để phát triển đô thị.
Nhà thờ Làng Sông, một trong số ít những nơi in chữ quốc ngữ đầu tiên, cũng được bảo tồn và quy hoạch thành điểm đến du lịch. “Bên cạnh nhà thờ này, tỉnh cũng quy hoạch một khu vực mấy chục hecta để làm “làng nghệ sĩ”, là nơi mỗi năm mời các họa sĩ, nhà điêu khắc, nhạc sĩ nổi tiếng trong, ngoài nước… về ở và sáng tác.
Như vậy, phía nam Quy Nhơn là nơi quy tụ các nhà khoa học, còn phía bắc là làng của các nghệ sĩ” - ông Dũng tự hào.
Chính vì tư duy gìn giữ, Bình Định cũng quyết định không di dời Trường ĐH Quy Nhơn ra ngoại thành như quy hoạch trước đây, nhằm lấy đất để phát triển kinh tế du lịch, mà giữ lại và cho phép lập quy hoạch phát triển để hài hòa với không gian biển Quy Nhơn.
Thích thú với “biển trước mặt, núi sau lưng”
Tôi đến Quy Nhơn và thuê xe máy tự đi du ngoạn. Tôi thực sự thích thú thành phố biển này bởi “biển trước mặt, núi sau lưng”, cảm nhận được sự gần gũi giữa đô thị với thiên nhiên khi chứng kiến cảnh những chiếc tàu đánh cá cùng ngư dân nườm nượp ra vào cảng.
Biển Quy Nhơn đẹp, không bị ngăn cách bởi những “bức tường” cao ốc hoặc các khu du lịch như những thành phố khác. Trên các khu vực đồi núi chưa thấy đô thị hóa. Đối với chúng tôi, đó là những điều tuyệt vời về chất lượng cuộc sống, chất lượng đô thị.
Tôi đi dọc bờ biển Quy Nhơn và thấy có một số công trình cao tầng, tôi ngại đó là những sự đe dọa trong mối tương tác với các công trình di sản còn lại nếu tiếp tục có thêm nhiều cao ốc nữa. Tuy nhiên, tôi thật sự vui và yên tâm khi được giải thích Bình Định có những quyết sách mạnh mẽ như giới hạn tầng cao, gìn giữ giá trị di sản.
Giáo sư - kiến trúc sư RÉMY PAPILLAULT (giảng viên Trường ĐH Kiến trúc Toulouse, Pháp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận