Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi - Ảnh: Reuters |
Hãng thông tấn nhà nước Saudi SPA cho biết nhóm mới bổ sung vào danh sách cấm bao gồm những đơn vị ở Libya và Yemen và những cá nhân ở Qatar, Yemen và Kuwait.
Các nước Ả rập cho rằng những đơn vị và cá nhân trên có mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với gới hữu trách Qatar.
Nhóm bốn nước Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain cáo buộc một số trong các đơn vị và cá nhân trên giữ vai trò gây quỹ hỗ trợ cho nhóm phiến quân Mặt trận Nusra và các nhóm dân quân khác ở Syria. Số còn lại là những người đã đóng góp và ủng hộ lực lượng khủng bố Al Qaeda.
Trước đó, theo hãng tin Reuters, bốn quốc gia này đã cô lập và cách ly Qatar bằng cách cắt tất cả các mối quan hệ ngoại giao và giao thương với Doha vào đầu tháng 6.
Sau đó các nước do Saudi dẫn đầu đã liệt kê hàng chục đơn vị và cá nhân liên quan đến Qatar vào danh sách đen.
Hôm 24-7, tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cũng đã tuyên bố chính quyền Cairo sẽ tiếp tục phong tỏa Qatar bất chấp các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tồi tệ này.
"Ai Cập sẽ giữ nguyên quyết định của mình và sẽ không thay đổi về vấn đề này. Sự kiên trì, lập trường của chúng tôi và của khối này tự bản thân chính là áp lực dành cho Qatar" - ông al-Sisi khẳng định.
Cuối tuần trước, quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani tuyên bố Doha sẵn sàng đối thoại nhưng bất kỳ giải pháp nào cũng phải tôn trọng chủ quyền của Qatar.
Trong khi đó bốn quốc gia Ả rập muốn Qatar cắt giảm quan hệ với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar và đóng cửa đài truyền hình Al Jazeera mà các nước này cho là cực đoan.
Kuwait đang đứng ra làm trung gian để tìm một giải pháp hòa giải giữa các nước Ả rập và Qatar trong khi Mỹ, Đức và Pháp kêu gọi đối thoại giữa các bên liên quan.
Ngày 24-7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tuyên bố Matxcơva sẵn sàng nỗ lực làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh nếu nhận được yêu cầu.
Theo ông Lavrov, hiện Matxcơva đang tiếp xúc với tất cả các bên trong cuộc xung đột này và mong giải quyết khủng hoảng trên cơ sở tính đến những lo ngại của nhau, tìm được những giải pháp mà các bên cùng chấp nhận được.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã rời Qatar, kết thúc chuyến thăm vùng Vịnh trong nỗ lực hòa giải căng thẳng, nhưng không đạt được đột phá nào.
Ankara là đồng minh mạnh nhất của Qatar trong cuộc tranh cãi ngoại giao hiện nay và đã thông qua một đạo luật điều binh sĩ tới căn cứ của mình tại Doha như một dấu hiệu khẳng định sẽ sát cánh bên Qatar trong mọi hoàn cảnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận