Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại một số nền kinh tế phát triển đã giảm, song cuộc khủng hoảng việc làm trên toàn cầu có khả năng sẽ kéo dài thêm ít nhất là hai năm nữa, đặc biệt là tại các nền kinh tế mới nổi, khiến "đội quân" thất nghiệp sẽ lên tới con số 200 triệu người vào năm 2017. Cảnh báo này được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Theo báo cáo "Triển vọng xã hội và việc làm của thế giới-các xu hướng năm 2016" của ILO, số người thất nghiệp trong năm 2015 ước khoảng 197,1 triệu người, cao hơn 27 triệu người so với mức năm 2007, thời điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính.
Dự kiến, số người thất nghiệp sẽ tăng thêm 2,3 triệu người, lên 199,4 triệu người trong năm 2016. Tới năm 2017, 1,1 triệu người nữa có nguy cơ lâm vào tình trạng thất nghiệp.
Tổng giám đốc ILO Guy Ryder cho biết tình trạng suy giảm kinh tế tại các nền kinh tế mới nổi, cùng với giá hàng hóa giảm mạnh đang gây tác động nghiêm trọng tới thị trường việc làm.
Tại cả các nền kinh tế mới nổi lẫn đang phát triển, nhiều nữ giới và nam giới phải chấp nhận làm những công việc có mức lương "rẻ mạt". Trong khi đó, tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tuy giảm, nhưng vẫn còn quá nhiều người không có việc làm.
Ông Ryder kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương tìm cách tạo cơ hội việc làm nếu không sẽ phải đương đầu với nguy cơ căng thẳng xã hội gia tăng.
Tỷ lệ thất nghiệp tại các nền kinh tế phát triển đã giảm từ mức 7,1% trong năm 2014 xuống còn 6,7% trong năm 2015.
Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia thuộc nhóm này chưa ghi nhận sự cải thiện mạnh mẽ đủ để xóa bỏ những khoảng trống việc làm xuất hiện do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, triển vọng việc làm hiện rất u ám, đặc biệt là tại Brazil, Trung Quốc và các quốc gia sản xuất dầu mỏ.
Môi trường kinh tế bất ổn cùng với những luồng vốn thất thường, các thị trường tài chính vẫn hoạt động sai nguyên tắc và tình trạng dư cung hàng hóa trên toàn thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, cản trở hoạt động đầu tư và tạo công ăn việc làm.
Cũng theo ILO, chất lượng việc làm là một thách thức lớn. Tuy tỷ lệ đói nghèo đã giảm, song tốc độ giải quyết việc làm cho người nghèo tại các nền kinh tế đang phát triển đã bị chững lại trong khi các công việc không có hợp đồng lao động vẫn chiếm hơn 46% tổng số việc làm trên toàn cầu.
Loại công việc này đặc biệt phổ biến tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, gây tác động từ 50% tới 75% người có việc làm.
Khu vực Nam Á ghi nhận mức cao nhất với 74% và tại tiểu vùng Sahara châu Phi là 70%. Báo cáo cũng cho thấy tại một nửa các quốc gia đang phát triển và mới nổi, tỷ lệ việc làm không chính thức chiếm hơn 50% tổng số việc làm ngoài khu vực nông nghiệp. Tại nhiều nước thuộc nhóm trên, loại công việc này ảnh hưởng tới hơn 65% lực lượng lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận