Khi đến giai đoạn giữa đời mình, ta nhận ra sự hữu hạn của cuộc đời, do đó ta bắt đầu hoảng loạn... Ảnh: Flipboard Năm 1957, Elliott Jaques - một nhà tâm lý học người Canada - đã trình bày một bài báo cho Hiệp hội Phân tâm học Anh về cái mà ông gọi là cuộc khủng hoảng trung niên (mid-life crisis). Theo lý thuyết của Jaques, khi đến giai đoạn giữa đời mình, ta nhận ra sự hữu hạn của cuộc đời, do đó ta bắt đầu hoảng loạn. Nhưng khủng hoảng trung niên có muôn vàn gương mặt và sắc thái khác nhau, cách nhận diện và ứng xử với nó cũng vô cùng khác biệt. Tuổi Trẻ Cuối Tuần bắt đầu diễn đàn này với vấn đề (chủ yếu) của những nam trung niên: thể thao quá độ. NHỮNG TRUNG NIÊN BẮT ĐẦU BIẾT LO Chín năm trước, ông T. bước vào tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, sau hơn 15 năm tốt nghiệp đại học rồi phấn đấu miệt mài, giữ vị trí quản lý hàng trăm nhân viên trong một doanh nghiệp nhà nước. Dù không đạt những thành tựu rực rỡ nhưng ông tạm ổn với một gia đình hạnh phúc, hai đứa con ngoan ngoãn. Tuy nhiên, một ngày nọ, ông cảm thấy khá mệt mỏi với thân hình nhiều mỡ mà chủ yếu tập trung ở bụng. Đi khám bác sĩ thì các chỉ số đường huyết, mỡ trong máu, chức năng thận, gan... đều có dấu hiệu đáng báo động. Bác sĩ khuyên ông nên tập thể dục, dọa thêm: “Nếu không, chỉ độ vài năm nữa là tình hình không thể cứu vãn được”. Thế là ông t. thử tập ở công viên gần nhà. Ban đầu, ông chạy có 200m mà thở không ra hơi. Nhưng với quyết tâm, ông đã chạy được 5km sau ba tháng, 10km một năm sau đó. Ba năm sau ông tham gia giải half marathon đầu tiên. Năm sau nữa, ông tham gia giải marathon. Từ đó đến nay ông tham gia cả chục giải khác, cả Ironman, bơi lội, đạp xe. Giờ thì ngày nào ông T. cũng cố gắng chạy, đạp, bơi ít nhất một giờ, cuối tuần ông dành hẳn 2-3 giờ tập luyện. Ông D. giờ làm phó chủ tịch của một định chế tài chính lớn. Sau khi rời cơ quan nhà nước, ông bỗng nhận ra những đấu đá, mệt mỏi ở nơi cũ đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tinh thần mình. Giờ đây, khi đã lấy lại vóc dáng và trông khá trẻ so với tuổi gần 50, ông hãnh diện bước qua lời nguyền để trở thành một marathoner, một “Ironman finisher”, điều mà rất nhiều ông bạn đồng niên mơ ước. Những thành phần tập luyện thể thao này khá đặc biệt. Đa số họ là những người có địa vị, thành đạt nhưng đã dành cả tuổi thanh xuân để lo cho sự nghiệp. Khi bước vào trung niên, họ bỗng nhận ra hình như thiếu một cái gì đó. Sự “hoàn thiện bản thân” (self actualization), một nhu cầu cao cấp trong tháp nhu cầu Maslow, được dồn cho việc khám phá những giới hạn về thể chất. Đi kèm một ám ảnh và ẩn ức về cơ thể sau bao năm bào mòn, dồn sức cho những danh vọng, gia đình và tinh thần. Có một sự lo lắng không hề nhẹ mỗi khi đến dịp sinh nhật của một trung niên, như một cuarơ chuẩn bị đổ dốc, hào hứng pha lẫn căng thẳng, tay chực chờ bóp thắng nhưng lại hết sức cẩn thận tránh lộn nhào xuống dốc, khuôn mặt tỏ vẻ bình thản nhưng tim loạn nhịp bên trong, muốn lao dốc thật nhanh, dũng mãnh, khí thế nhưng lại cũng muốn hãm cho chậm lại, thong dong, tự tại. Đó là một phức cảm chỉ có ở trung niên. Việc già đi có thể kích hoạt một loại tinh thần hướng nội, thường thì sự hướng nội đó tập trung quá khứ, thời gian còn lại và phải làm gì với nó. Điều đó có thể tạo ra sự lo lắng, và sự lo lắng đó có thể được nhân lên bởi sự chán nản, căng thẳng hoặc buồn chán. Khi lo lắng, buồn chán và bất lực, bạn làm gì? Đó là một vấn đề. NHỮNG ĐIỀU CHỈNH BẤT NGỜ Trong những thập kỷ trước, cuộc khủng hoảng trung niên được trình diễn trong một nền văn hóa đại chúng có phần phù du, với những người đàn ông da trắng lái xe thể thao, làm việc điên cuồng và chạy theo những phụ nữ trẻ trong nỗ lực tuyệt vọng mong muốn thấy mình trẻ lại. Nhưng ngày nay, đám trung niên đang phản ứng với những lo lắng về tuổi trung niên không phải bằng cách bám vào những dấu tích cuối cùng của tuổi trẻ đã hết hạn mà là chấp nhận những thách thức dường như chỉ thuộc về giới trẻ: bằng cách đẩy lùi những giới hạn khả năng chịu đựng về thể chất, tham gia các môn thể thao về sức bền và sức mạnh. Đó là một sự hồi xuân hay sự điều chỉnh giữa cuộc đời đầy bất ngờ và không khỏi hoang mang. Theo thống kê của Hiệp hội Triathlon (ba môn phối hợp) của Hoa Kỳ, gần 1/3 những người tham gia triathlon ở Hoa Kỳ nằm trong độ tuổi từ 40 đến 49. Đó là nhóm nhân khẩu học tham gia đông nhất và là một trong những nhóm cạnh tranh nhất. Tất nhiều Marathoners ở tuổi trung niên. (Ảnh: runnerspace.com) Điều tương tự với giải Boston Marathon danh tiếng: hơn 8.200 vận động viên ở độ tuổi 40 đã vượt qua vạch đích vào tháng 4-2018 (chiếm 31% tổng số người về đích). Nhóm cạnh tranh lớn nhất tại New York Marathon 2017 là ở độ tuổi từ 40 đến 44. Tại London năm 2015, những vận động viên 40-49 tuổi này có thời gian trung bình nhanh hơn so với những người 20-29 tuổi. Ở câu lạc bộ ba môn phối hợp lớn nhất Việt Nam, Vietnam Triathlon Club, hiện có hơn 3.000 thành viên, số lượng người trên 40 tuổi chiếm quá nửa. Các phong trào thể thao sức bền (endurance sports) mới phát triển gần đây ở Việt Nam nhưng những yếu tố về nhân khẩu học cũng không khác thế giới, lứa tuổi 40-49 vẫn là nhóm tham gia đông nhất. Đối với một số người, cuộc khủng hoảng giữa cuộc đời nảy sinh từ nỗi sợ rằng những điểm yếu đã đeo bám không chỉ là những thách thức tạm thời, mà là một phần vĩnh viễn của con người mình. Cơ hội để đối mặt với những điểm yếu đó, nhận diện và đương đầu với nỗi sợ hãi là lợi ích chính của Ultra marathon, Crossfit, Ironman hay bất kỳ môn thể thao sức bền nào khác mà những trung niên này hướng đến. ĐỐI DIỆN NHỮNG RỦI RO MỚI Trong “Báo cáo hạnh phúc thế giới 2019” (“World Happiness Report 2019”) được Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc công bố tháng 3-2019 cho thấy đã năm thứ ba liên tiếp, Hoa Kỳ bị tụt hạng trong bảng xếp hạng hạnh phúc này. Giáo sư Jeffrey Sachs của ĐH Columbia giải thích trong một báo cáo, rằng “xã hội nghiện hàng loạt” (“mass-addiction society”) Mỹ là động lực chính của sự không hạnh phúc này. Ông trích dẫn các chứng nghiện truyền thống, như rượu hoặc thuốc phiện, nhưng cũng nhấn mạnh những chứng nghiện khá đặc thù khác, bao gồm tập thể dục thể thao thái quá và các chế độ ăn kiêng đủ loại. Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng khi một người theo đuổi việc luyện tập cường độ cao thái quá thì thường gặp những ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, học tập, các mối quan hệ hoặc tạo ra cảm giác tội lỗi hay xấu hổ. Lúc này họ có những rối loạn về tâm lý. “Nếu nghỉ tập một ngày khiến bạn cảm thấy tồi tệ về bản thân thì đó là một vấn đề” - Hillary Cauthen, một nhà tâm lý học thuộc Hiệp hội Tâm lý học thể thao ứng dụng Hoa Kỳ, kết luận. Mỗi người đối mặt cuộc khủng hoảng tuổi trung niên theo những cách khác nhau. “Khi bạn đến được đích cách đó 100 dặm (160km), ở đó không còn gì ngoài sự trống rỗng và người ta “chấp nhận thương đau” (embrace the suck) - nhà tâm lý học thể thao Dolores Christensen (ĐH California, Davis) nói. Cô thực hiện một nghiên cứu về “100 milers” (những người hoàn thành cuộc đua 100 dặm) khi họ trải qua cuộc đua. Tuổi trung bình của những người này là 44. Cô theo dõi cảm xúc, mức độ tự tin của họ qua các giai đoạn khác nhau và nhận thấy: những người chạy bộ có thể chấp nhận nỗi đau của họ, không coi đó là mối đe dọa cho việc hoàn thành cuộc đua. Dường như họ có khoái cảm của những đau đớn, những ngón chân bật máu, chân tay rã rời. “Có một số người thực sự siêu việt về trải nghiệm đó - cô nói - Bằng cách nào đó, điều đó tốt cho chúng ta, vì nó nhắc nhở chúng ta về giới hạn sinh tử của mình”. Tất nhiên, không có điều gì bắt người ta thúc đẩy bản thân như thế, vì chỉ cần hoạt động thể chất 150 phút mỗi tuần là giúp người ta giữ được sức khỏe. Nhưng từ kinh nghiệm của bản thân và kinh nghiệm của nhiều trung niên mà tôi quen biết, thể thao sức bền khắc nghiệt không tập trung vào việc làm bản thân trẻ lại mà là chú trọng nhiều hơn đến việc xây dựng bản thân trong những năm tới. Nói cách khác, trở nên già một cách tốt hơn. Hoặc nói theo nhà văn H. Murakami: “Hầu hết những người chạy bộ chạy không phải vì họ muốn sống lâu hơn, mà vì họ muốn sống trọn vẹn. Ngay cả khi ta chỉ định sống cho qua ngày đoạn tháng thì vẫn sẽ tốt hơn nhiều nếu sống những năm tháng ấy với những mục đích rõ ràng và sống động trọn vẹn thay vì bối rối hoang mang, và tôi tin rằng chạy bộ giúp ta làm được điều đó” (trích cuốn sách Tôi nói gì khi nói về chạy bộ). Nhưng việc đẩy xa các giới hạn thể chất của giới trung niên có những rủi ro bất ngờ. Vài năm trước, ông L., người từng tham gia Ironman, đã phải nhập viện trong trạng thái hôn mê do bị sốc nhiệt khi chạy ngoài nắng. Các giải marathon lớn vẫn thường ghi nhận các trường hợp tử vong do quá sức ở người độ tuổi ngoài 40. Có thể nói rằng những người thực hiện một tinh thần “không bao giờ bỏ cuộc” (never give up), “chấp nhận thương đau” và tìm niềm vui trong các môn thể thao đòi hỏi sức bền này là người theo “Chủ nghĩa duy thể thao” (Athleticism), thậm chí “Chủ nghĩa duy thể thao cực đoan” (Extreme Athleticism). Khi thể thao trở thành một chủ nghĩa, nó gây những vấn đề khác, trầm trọng không kém. Một số người lúc nào cũng nói về các sự kiện thể thao của mình, dành nhiều thời gian cho tập luyện và bắt đầu bỏ bê các trách nhiệm với gia đình, cơ quan, sự nghiệp. Những vấn đề về chỉ số sức khỏe thể lý như đường huyết, tim mạch, gan, thận được giải quyết ổn thỏa nhưng có khi lại phát sinh những vấn đề tâm lý. Sự chìm đắm trong thể thao và tạm quên lãng những vấn đề liên quan cũng là một biểu hiện mất quân bình về tinh thần.■ Nguồn tham kháo: 1/Extreme Athleticism is the new midlife crisis (Medium.com). 2/http://worldhappiness.report/ 3/ 21 bài học thế kỷ 21 - Yuval Harari. Nhà sử học Yuval Harari cũng cho rằng hai kỹ năng quan trọng nhất của một người trong thế kỷ 21 là khả năng thích nghi với những biến đổi nhanh chóng, khôn lường và khả năng giữ được cân bằng về tinh thần. Những người theo “chủ nghĩa duy thể thao” dường như cố gắng tăng cường các hoạt động thể chất nhằm củng cố các năng lực tư duy để điều hướng trong bối cảnh thế giới mới. Nhưng họ rất cần giữ được sự thăng bằng tâm lý, chú ý đến những hậu quả nghiêm trọng của việc tập luyện thể thao quá mức này. Tags: Khủng hoảng trung niênThể thao quá độ
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.