TTCT - Vụ phá thành bình địa Văn phòng liên lạc liên Triều vào chiều thứ ba 16-6 kèm theo những dọa dẫm quân sự với Hàn Quốc coi như là dấu chấm hết chính thức kết thúc giai đoạn tưởng chừng là “trăng mật” giữa hai nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Moon Jae In. Tiếp theo sẽ là gì? Hàn Quốc, hay Hoa Kỳ mới là mục tiêu chánh mà ông Kim muốn nhắm tới? Từ trái sang: Bà Kim Yo Jong, ông Kim Jong Un, và ông Moon Jae In. Ảnh: NewsweekCả tuần qua, Triều Tiên đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố đe dọa, cảnh cáo, chỉ trích nhắm vào Hàn Quốc. Đi kèm là sự xuất hiện liên tục của một nhân vật mới mà cũ, bà Kim Yo Jong, em gái ông Kim. Bà vừa trở lại Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên từ tháng 4 năm nay, sau một năm tạm thôi làm ủy viên dự khuyết do bận ra ứng cử vào Quốc hội nước này năm ngoái. Sự trở lại Bộ Chính trị của bà Kim diễn ra trong thời gian anh trai bà “bặt vô âm tín” càng thêm “mắm muối” cho các đồn đoán liên hệ tới sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên và tương lai của đất nước này (chẳng hạn bài báo “cầm đèn chạy trước ôtô” của Foreign Affairs hôm 14-5: “Đã tới lúc lên kế hoạch cho cuộc khủng hoảng kế vị không tránh khỏi ở Triều Tiên”). Nhưng rồi ông Kim xuất đầu lộ diện, cuốn đi mọi đồn đoán và dự báo của các cơ quan tình báo, bao gồm cả CIA.Thùy liêm thính chính?Nhưng ngay cả trong lúc này, ông Kim có vẻ vẫn đang “buông rèm”, để em gái mình lĩnh xướng mọi chuyện. Bắt đầu là hôm 6-6, với việc bà Kim lên tiếng dọa sẽ rút Triều Tiên khỏi hiệp định quân sự liên Triều, chấm dứt sự hoạt động của Khu công nghiệp Kaesong và bãi bỏ văn phòng liên lạc chung, nếu phía Hàn Quốc không ngăn được việc người Triều Tiên đào tỵ ở miền nam rải tờ rơi chống Bình Nhưỡng qua biên giới. Đến hôm 9-6, miền Bắc cắt mọi kênh liên lạc với Hàn Quốc, bao gồm đường dây nóng liên lạc quân sự liên Triều, đường dây nóng chung liên Triều, và đường dây nóng giữa lãnh đạo tối cao hai nước. Miền Bắc cũng tuyên bố miền Nam là kẻ thù, từ chối tham gia các cuộc đàm phán liên Triều trong tương lai và tuyên bố sẽ phát triển vũ khí hạt nhân. 10 ngày sau những đe dọa đầu tiên, Văn phòng liên lạc liên Triều ở Kaesong bị san thành bình địa.Tất cả diễn biến thật nhanh, từ đe dọa bằng lời nói tới hành động. Về thời điểm, có vẻ Bình Nhưỡng đã tính toán kỹ. Tháng 6 này là kỷ niệm nhiều bước tiến cách đây chưa lâu: hai năm sau hội nghị thượng đỉnh “lịch sử” Kim - Donald Trump tại Singapore (12-6-2018) và một năm sau cuộc gặp ngắn ngủi “lịch sử” Trump - Kim - Moon tại khu phi quân sự (30-6-2019). Tất cả giờ đã là quá khứ mờ nhạt, thậm chí đã biến mất hoàn toàn, như khu Văn phòng liên lạc liên Triều kia.Có thể thấy tầm ảnh hưởng của ủy viên Bộ Chính trị Kim Yo Jong trong việc lĩnh xướng và chỉ huy những động thái mới của miền Bắc. Cương vị phó chủ nhiệm thứ nhất Bộ Tuyên truyền và vận động của Đảng Lao động Triều Tiên mà bà này nắm từ năm 2014 ngụ ý mảng công việc cốt lõi của bà là công tác tuyên truyền và báo chí, liên quan chặt chẽ tới công việc đối ngoại. Một điển hình về đường lối mới có lẽ là mẩu tin của thông tấn xã KCNA Triều Tiên ngày 17-6: “Văn phòng liên lạc liên Triều đã bị phá hủy hoàn toàn hôm 16-6”.Mẩu tin lạnh lùng và vắn tắt, như một bản án được tuyên không thể đảo ngược: “Cơ quan hữu quan miền Bắc đã thực hiện việc phá hủy hoàn toàn Văn phòng liên lạc liên Triều tại Khu công nghiệp Kaesong sau khi cắt đứt mọi đường dây liên lạc giữa miền Bắc và miền Nam, thể theo yêu cầu của người dân đang căm hận bọn xấu xa và những kẻ bao che cho bọn chúng, buộc chúng phải trả giá đắt cho tội ác của chúng”.“Bọn xấu xa” và “những kẻ bao che”“Bọn xấu xa” trốn sang miền Nam đấy lâu nay vẫn “thả khí cầu mang truyền đơn, radio nhỏ, hoặc thậm chí cả thẻ nhớ có chép sẵn các nội dung phản động thả qua miền Bắc”, theo New York Times 11-6. Nội dung các truyền đơn này là rất khó chấp nhận với Triều Tiên, bêu xấu nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Một trong những kẻ cầm đầu là Park Sang Hak, kẻ tự phong là chủ tịch tổ chức lưu vong “Chiến sĩ vì Triều Tiên tự do”.Những kẻ đào tỵ đã chọc giận miền Bắc đến nỗi hôm 13-6, tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên - hạ quyết tâm sẽ “Giáng một đòn không thương tiếc bọn khiêu khích”. Theo tờ báo này, “Tất cả người dân CHDCND Triều Tiên đã trỗi dậy với ý muốn chặt đầu và tùng xẻo những kẻ khiêu khích thù hằn đã xúc phạm đến phẩm giá của nhà lãnh đạo tối cao còn quý hơn cả mạng sống của chúng ta”. Tờ báo cảnh cáo: “Đây chính là việc thực thi các quyền chính đáng của chúng ta nhằm trừng phạt nghiêm khắc bọn khiêu khích hận thù”. Lời cảnh cáo sau đó đã trở thành hành động, lên đến đỉnh điểm là vụ phá hủy văn phòng liên lạc chiều 16-6.Công bằng mà nói, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã có một số động thái kìm hãm bớt hành động của các nhóm đào tỵ. Hôm 10-6, một ngày sau khi miền Bắc cắt liên lạc, chính quyền của ông Moon ra thông báo sẽ truy tố hai nhóm đào tỵ chuyên phát tán truyền đơn ra miền Bắc vì “kích động căng thẳng giữa miền Nam và miền Bắc, gây nguy hiểm cho cuộc sống và an toàn của người dân sống quanh khu vực biên giới”.Song, những động thái này đối với miền Bắc là quá muộn màng. Tờ Rodong Sinmun 15-6 viết: “Chính quyền Hàn Quốc, lo sợ muốn thoát khỏi tình trạng nghiêm trọng do bọn xấu xa gây ra, đã lên tiếng về các biện pháp ngăn ngừa… Song, chúng ta đã kết luận rằng chúng ta không cần phải ngồi xuống thảo luận gì với chính quyền Hàn Quốc nữa. Những gì chúng ta phải làm là bắt họ phải trả giá đắt cho những tội ác ghê tởm của họ”.Câu hỏi đặt ra là chuyện truyền đơn thật ra không có gì mới mẻ. Chuyện mấy tay đào tỵ “quậy” cũng là “thường tình ở huyện” khi chỉ riêng năm 2019 đã có hơn 1.000 người trốn xuống miền Nam, con số mà theo North Korea News 27-2 là ngày càng ít do hình phạt và sự kiểm soát ngày càng ngặt nghèo ở miền Bắc. Thành ra, câu hỏi khác đặt ra phải chăng chuyện đào tỵ phát tán truyền đơn chỉ là cái cớ cho một đích nhắm khác?Diện và điểmThật ra, chuyện thế cục trên bán đảo Triều Tiên, ít ra là từ thời Tổng thống Trump lên nắm quyền tại Mỹ, liên lạc trực tiếp và ngồi xuống đàm phán với ông Kim, then chốt vẫn là thái độ của Mỹ (và Triều Tiên). Cuộc đàm phán ấy hiện ra sao? Câu trả lời là đang bế tắc vô cùng, bằng cớ là hôm 24-5, KCNA, khi đưa tin về hội nghị mở rộng của Quân ủy Trung ương Đảng Lao động, đã trích lời ông Kim: “Cuộc họp đã trình bày các chính sách mới nhằm tăng cường hơn nữa khả năng răn đe chiến tranh hạt nhân của đất nước, và đưa vũ khí chiến lược vào hoạt động cảnh báo cao”. Nghĩa là không còn chỗ cho chuyện giải giới hay giải trừ hạt nhân như được Mỹ và Triều Tiên, nếu không phải là nhất trí, thì ít ra là bày tỏ cách đây hai năm. Tuyên bố trở lại với răn đe hạt nhân và vũ khí chiến lược, do đó, có thể coi là một lời nhắc nhở với ông Trump.Có lẽ ông Kim thấy bực vì ông Trump giờ chẳng ngó ngàng gì tới chuyện đàm phán, kể cả sau những ầm ĩ cố ý của việc phóng hai quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển Đông Hàn Quốc hôm 2-3. Hai quả tên lửa đó cũng là những lời nhắc nhở, sau một sự kiện mà những người không theo dõi kỹ tình hình bán đảo Triều Tiên ít để ý, nhưng có tầm quan trọng lớn lao: Từ tháng 2-2020, ông Trump đã lặng lẽ giải tán nhóm công tác đặc nhiệm về đàm phán với Triều Tiên, lần lượt bổ nhiệm bốn chuyên gia thuộc êkip này vào những vị trí công tác mới (Chosun Ilbo 13-2). Trong thông điệp liên bang năm nay và cả chương trình nghị sự bù đầu bù cổ cả năm 2020 cho tới giờ của ông Trump cũng không hề nhắc tới Triều Tiên. Với tình hình loạn lạc ở Mỹ hiện giờ, khả năng rất cao là cũng sẽ không có vấn đề Triều Tiên trong chương trình tái tranh cử của ông Trump. ■Ngày 17-6, KCNA đưa tin Triều Tiên sẽ triển khai binh lính ở khu vực họ có dự án chung với Hàn Quốc bên phần lãnh thổ của mình, thêm một động thái leo thang nữa của miền Bắc. KCNA cũng nói bà Kim Yo Jong đã “thẳng thừng từ chối” đề nghị từ Tổng thống Moon Jae In cử cố vấn an ninh quốc gia của ông Chung Eui Yong sang miền Bắc để tìm giải pháp xuống thang xung đột. Bà Kim gọi động thái đó là “một đề xuất vô duyên và ác ý”, theo KCNA. Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc ngày 17-6 thì nói họ đã cảnh báo Triều Tiên về một sự đáp trả mạnh mẽ nếu còn có các hành động leo thang, dù không nói rõ sẽ là gì. Tuần trước, Triều Tiên cáo buộc Mỹ đã không giữ lời với những hứa hẹn của họ trong cuộc thượng đỉnh Trump - Kim, và nói chính quyền Mỹ đã biến ước mơ hòa bình thành “một cơn ác mộng đen tối”, đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng không còn thấy lợi ích gì trong việc đàm phán với Washington. Tags: Triều TiênKim Jong UnLiên Triều
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.