06/03/2009 06:08 GMT+7

Khủng hoảng rác toàn cầu

HẢI MINH (Theo The Economist, AFP...)
HẢI MINH (Theo The Economist, AFP...)

TT - Rác thải đã trở thành vấn đề toàn cầu và càng trở nên cấp bách khi công nghiệp chế biến rác lâm nguy vì suy thoái kinh tế.

bor725uL.jpgPhóng to

Rác tràn ngập một bãi biển gần cảng chính của thành phố Haina, CH Dominica - Ảnh: Reuters

HyjFEWwU.gifPhóng to Nghe đọc toàn bài

Khoảng cách ở Thái Bình Dương giữa Hawaii và California (Mỹ) có thể xem như là hoàn toàn trống trải, không có đảo, không có các hải trình tàu biển, không có sự tồn tại của con người trong hàng nghìn kilômet, chỉ có biển, bầu trời và... rác. Theo The Economist, có hàng triệu miếng rác nhựa bị cuốn theo các dòng biển trên mỗi kilômet vuông, nhiều gấp 112 lần số con plankton, mắt xích đầu tiên trong chuỗi thức ăn của đại dương. Đó mới chỉ là một phần của khoảng 100 triệu tấn rác trôi nổi mỗi ngày và cứ ngày càng nhiều lên.

Càng giàu càng xả nhiều rác

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tính trung bình một người dân sống ở các nước phát triển thải ra hơn 500kg rác sinh hoạt mỗi năm, và đó mới chỉ là phần thống kê được. Điều đáng nói ở đây là không giống như ấn tượng do hình ảnh tương phản về những thành phố đẹp đẽ ở các nước phát triển và những khu nhà ổ chuột ở các nước nghèo mang lại, sự thật là người càng giàu lại càng xả rác nhiều.

Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trung bình một người Mỹ thải ra 700kg rác mỗi năm, so với chỉ 220kg rác của người dân sống tại Nairobi (Kenya). Vấn đề nghiêm trọng hơn khi một phần lớn rác thải của các nước nghèo được tạo ra để phục vụ nhu cầu của những nước giàu. The Economist đưa ra một ví dụ: để đào được lượng vàng đủ làm một chiếc nhẫn cưới bán ở khu Manhattan (Mỹ), người ta phải thải ra 3 tấn rác tại Nam Phi.

Theo The Economist, trong khi đã là một vấn đề toàn cầu nhưng rác thải vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Không tổ chức hay cá nhân nào có thể cho biết một con số, dù chỉ là tương đối, thế giới đang thải ra bao nhiêu rác và người ta xử lý chúng như thế nào. Ở nhiều nước giàu và hầu hết các nước nghèo, các bản thống kê rất sơ sài.

Rác thải gây ra đủ vấn đề. Mùi khó chịu, vi trùng gây bệnh, điều kiện sinh hoạt mất vệ sinh. Nghiêm trọng hơn nó thải vào nước, đất và không khí những hóa chất rất độc hại dù được xử lý bằng cách chôn hay đốt bỏ. WB nói rằng đó là nguồn gốc của 4% khí gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới, dưới hình thức khí methane từ thức ăn bị hỏng, xác và phân động vật cũng như các hoạt động nông nghiệp. Rác thải công nghiệp hiện đã là một đại họa thật sự, từ nhựa, kim loại, máy móc không sử dụng cho tới các loại rác mà loài người vẫn chưa thể tìm ra công nghệ xử lý thích đáng, như rác từ các hoạt động sản xuất năng lượng hạt nhân.

uCMPeS5B.jpgPhóng to
Tại một bãi rác ở Mỹ - Ảnh: The Economist

Công nghiệp chế biến rác lâm nguy

Trước khủng hoảng kinh tế, nhiều người coi rác thải là một cơ hội. Tái chế rác từ lâu đã trở thành một ngành kinh doanh có quy mô toàn cầu. Theo Viện nghiên cứu CyclOpe có trụ sở tại Pháp, các nước giàu mỗi năm bỏ ra 120 tỉ USD để xử lý rác và thêm 150 tỉ USD nữa để tái chế. Số lượng rác thải mà các nước thải ra thường có khuynh hướng tương thích với quy mô của nền kinh tế, đặc biệt là ở những nơi có tỉ lệ đô thị hóa cao. Thế nên các công ty rác từng nhìn thấy một tương lai rất sáng sủa tại các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil, hiện mới chỉ chi mỗi năm khoảng 5 tỉ USD cho việc thu gom và xử lý rác.

Rác thải có lúc thậm chí còn được coi là một nguồn nhiên liệu đầy tiềm năng khi những công nghệ mới có thể chế biến chúng thành phân bón, hóa chất hay năng lượng đang được phát triển. Cho tới cuối mùa hè năm ngoái, những quan điểm như vậy rất được tán dương. Thậm chí người ta còn nói tới việc khai thác những bãi rác lâu năm để lấy sắt và nhôm.

Nhưng kể từ khi giá giấy, nhựa và năng lượng rớt thê thảm do khủng hoảng kinh tế, ngành kinh doanh rác cũng bước vào thời kỳ điêu đứng. Nhu cầu về các sản phẩm tái chế giảm mạnh được coi là nguyên nhân chính. ABC News trong một bản tin ngày 22-2 nói giá các sản phẩm tái chế tại Úc đã rớt 30-80% chỉ trong vài tháng qua. Tại Trung Quốc, AFP cho biết giá sắt thép phế liệu giảm từ 3.000 nhân dân tệ (438 USD) xuống chỉ còn 2.000 NDT (292 USD) một tấn chỉ trong mấy tuần lễ qua. Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, sản lượng xuất khẩu nhựa tái chế cũng giảm đáng kể.

HẢI MINH (Theo The Economist, AFP...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên