29/07/2011 18:25 GMT+7

Khủng hoảng nợ công Mỹ chưa có lối thoát

H.MINH
H.MINH

TTO - Cuộc khủng hoảng nợ ở nền kinh tế lớn nhất thế giới thêm trầm trọng vào ngày 29-7 sau khi các lãnh đạo phe Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ cũng không duy trì được sự nhất trí trong nội bộ.

eCzFARXD.jpgPhóng to

Chủ tịch Hạ viện John Boehner (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận

The AFP, Chủ tịch Hạ viện John Boehner, đảng viên Cộng hòa, đã buộc phải hoãn cuộc bỏ phiếu về kế hoạch do chính ông đề xuất để tránh đẩy nước Mỹ vào cảnh vỡ nợ kỹ thuật do kế hoạch này gặp phải sự chống đối từ chính các nghị sĩ bảo thủ hơn của phe Cộng hòa ở hạ viện.

Ông Boehner sau đó phải gặp riêng từng nghị sĩ Cộng hòa để kêu gọi sự ủng hộ đối với kế hoạch hai bước của ông nhằm nâng mức trần nợ công lên trên 14,3 nghìn tỉ USD để ngăn ngừa tình trạng vỡ nợ kỹ thuật trong ít nhất là sáu tháng nữa. Ngay cả nếu đề xuất của ông Boehner có được thông qua, gần như chắc chắn sẽ bị chặn lại ở thượng viện.

Chứng khoán giảm mạnh

Chứng khoán châu Á giảm mạnh ngày 28-7 trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones trải qua ngày rớt điểm thứ năm liên tiếp, mất thêm 62,44 điểm (0,51%), đóng cửa ở mức 12.240,11.

Quá lo lắng trước tình hình, những người đứng đầu các ngân hàng hàng đầu ở Phố Wall đã hối thúc ông Obama và quốc hội sớm đạt được thỏa thuận với cảnh báo những mối nguy hại “khôn lường” có thể xảy ra nếu tình hình bế tắc tiếp tục.

Các giám đốc ngân hàng của Bank of America, Citigroup, Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Morgan Stanley, Wells Fargo và những công ty tài chính khác đã cùng ký vào bức thư gửi nhà chức trách nói họ hy vọng một thỏa thuận sẽ đạt được trong tuần này.

“Chúng tôi vẫn tin rằng vào phút chót và đã đến gần phút chót lắm rồi, những cái đầu bớt nóng hơn sẽ thắng, sự tỉnh táo sẽ chiến thắng trong Quốc hội Mỹ và họ sẽ đạt được một thỏa thuận”, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói trên Đài truyền hình MSNBC.

Chỉ còn năm ngày nữa đến hạn chót 2-8 khi Bộ Tài chính Mỹ hết tiền trả nợ và tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Chrisine Lagarde gây thêm áp lực khi bình luận vị thế của đồng USD sẽ bị nghi ngờ nếu tình hình bế tắc tiếp tục.

Theo lời bà Lagarde, nếu cuộc khủng hoảng tiếp diễn, “có thể dẫn đến việc đồng USD giảm giá tương đối so với các đồng tiền khác và ảnh hưởng tới suy nghĩ xưa nay của những người vẫn coi USD là phương tiện dự trữ hiệu quả”.

Phe Dân chủ đã chỉ trích kế hoạch của ông Boehner chỉ nâng trần nợ lên vài tháng và nói nó có thể khiếu siêu cường kinh tế của thế giới lại lâm vào khủng hoảng ngay khi năm bầu cử 2012 bắt đầu.

Đa số thượng nghị sĩ đã cảnh báo họ sẽ chặn dự luật Boehner lại nếu nó đến được thượng viện, còn Nhà Trắng cảnh báo ngay cả khi quốc hội có thông qua, Tổng thống Barack Obama cũng sẽ phủ quyết dự luật. AFP dẫn lời Boehner nói kế hoạch của ông “không hoàn hảo”, nhưng cũng “không mơ hồ và không phải là một mánh lới”.

“Để tạo ra việc làm và vì lợi ích quốc gia, tôi kêu gọi các nghị sĩ ở hạ viện xem xét vấn đề trên cơ sở lưỡng đảng và kêu gọi các đồng sự ở thượng viện hãy thông qua dự luật và kết thúc cuộc khủng hoảng này” - ông Boehner nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch thượng viện Harry Reid, đảng viên Dân chủ, cho rằng đề xuất của Boehner, bao gồm việc cắt giảm mạnh tay 915 tỉ USD thâm hụt ngân sách trong 10 năm đổi lấy việc nâng trần nợ lêm thêm 900 tỉ USD, sẽ không thể thông qua ở thượng viện.

“Không đảng viên Dân chủ nào sẽ bỏ phiếu cho một cuộc đổi trác ngắn hạn sẽ lại đặt nền kinh tế vào rủi ro và đưa quốc gia trở lại tình trạng bất ổn chỉ sau vài tháng nữa”, ông nói. Bản thân phe Dân chủ đang vận động cho một dự luật do Reid đề xuất cắt giảm thâm hụt ngân sách 2,2 nghìn tỉ USD trong 10 năm tới đổi lấy việc nâng trần nợ lên đến sau các cuộc bầu cử tháng 11-2012.

H.MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên