TTCT - Từng phải cắt giảm nhân sự đến 70 - 80% trong năm 2020 và tuyển dụng nhỏ giọt trở lại trong năm 2021, hiện các công ty du lịch và cơ sở lưu trú đang mỏi mắt tìm nhân sự khi các hoạt động du lịch nội địa, quốc tế dần được khôi phục. Du lịch phát triển trở lại nhưng doanh nghiệp rất khó tuyển nhân viên. Ảnh: Kim Mùi Theo Tổng cục Du lịch, trong hai năm đại dịch, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngưng hoạt động, công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các thành phố lớn và các khu du lịch chỉ đạt 10 - 15%, nhiều khách sạn phải đóng cửa... kéo theo hàng trăm ngàn nhân sự rời khỏi ngành này.Quá tải vì không đủ nhân viênVừa trở về từ kỳ nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương tại một resort ở miền Trung, chị Mai Trang (quận Bình Thạnh, TP.HCM) kể mọi thứ đều hài lòng trừ việc “resort quá tải" vì một nhân viên phục vụ ở khu nghỉ dưỡng phải kiêm nhiều việc. Khách sạn này vừa khôi phục việc phục vụ buffet, buổi sáng nhà hàng chỉ có khoảng 30 khách nhưng nhân viên dọn bàn không xuể. Vừa đặt quầy ăn món trứng, sang bên gian hàng món nước cũng vẫn là anh phục vụ đó. Nhân viên chạy qua chạy lại, bàn chưa kịp dọn xong thì khách mới vào.“Gia đình tôi phải tự dọn bàn để có chỗ ngồi, bữa tối kéo dài hơn 3 tiếng vì chờ đợi, bếp nấu không kịp dù đã đặt món từ trước. Nhân viên than không đủ người, lễ khách đông nên xoay không kịp”, chị Trang kể về chuyến đi.Tình trạng thiếu người phục vụ còn trầm trọng hơn ở các cơ sở lưu trú. Giữa tháng 4-2022, giám đốc một công ty lữ hành ở TP.HCM “té ngửa" khi khảo sát lại dịch vụ các tỉnh phía Bắc. “Chúng tôi đến một khách sạn ở Ninh Bình nhưng không thể đặt phòng, họ báo chỉ đón khách các ngày khác trong tuần, cuối tuần ngừng nhận do không đủ nhân viên. Còn nhà hàng thì ngược lại, chỉ mở thứ 5 đến chủ nhật vì lúc đó khách đông, các ngày còn lại đóng cửa do không có nhân viên", vị này ngao ngán.Theo ông, tốc độ phục hồi các điểm đến khác nhau vì phụ thuộc vào nhân lực. Tình trạng các cơ sở lưu trú, nhà hàng quá tải trong dịp lễ vừa qua đã bộc lộ những lo lắng của giới kinh doanh trước đó.Ông Bùi Thế Duy, tổng giám đốc Lửa Việt tours, cho biết tình hình kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp phục hồi khả quan cũng chỉ ở mức 30 - 40% so với trước dịch, vì thế quá tải không phải vì khách quá đông.“Chúng tôi đưa khách đến mà lo nơm nớp, vì nhiều dịch vụ ở các địa phương mới hồi phục khoảng 60 - 70%, nhân viên chỉ đáp ứng được 50%”, ông Duy lo lắng cho đợt nghỉ 30-4 và 1-5 tới.Theo bà Lê Mai Khanh, phó chủ tịch Hiệp hội Khách sạn VN, đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến 2,5 triệu lao động ngành du lịch, khiến 800.000 lao động trực tiếp mất việc. Những công việc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, tàu du lịch... do phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động. “Nhiều vị trí thiếu hụt tưởng như rất dễ tuyển lại như dọn buồng phòng, lễ tân... , nhưng ở khách sạn 4-5 sao, lực lượng này cần nhiều kỹ năng để làm đúng chuẩn chứ không phải đăng tuyển là có”, bà Khanh nói.Bỏ công việc quen thuộcLương Quốc Thành, hướng dẫn viên du lịch inbound thị trường nói tiếng Hoa, cho biết sau hơn hai năm đại dịch, anh đã kịp lận lưng bằng thạc sĩ du lịch, đang giảng dạy tại một trường đại học, bên cạnh nghề phụ là trang trí nội thất. “Nhiều đồng nghiệp của tôi phải chuyển sang chạy xe ôm công nghệ, làm shipper, bán bảo hiểm, tư vấn bất động sản... và đang ổn định với công việc này. Trong CLB hướng dẫn viên tiếng Hoa ở TP.HCM, 2/3 thành viên đã có công việc mới” - anh Thành nói, cho biết nhiều người chưa sẵn sàng quay trở lại với nghề cũ.Anh Đoàn Chuẩn Võ Trường An, hướng dẫn viên outbound Công ty OAT (Overseas Adventure Travel), chuyên tour Mỹ, đã mở quán cà phê nhỏ ở quận 1 và giảng dạy về ngành du lịch. “Việt Nam đã mở cửa, du lịch đang dần hồi sinh, nhưng phải đến tháng 9, 10 chúng tôi mới nghĩ đến chuyện lên đường cùng các đoàn tour. Từ đây đến đó vẫn ổn định với công việc đang làm", anh An nói. Du khách tại Quy Nhơn (Bình Định) trong dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua. Ảnh: Kim Mùi Theo các doanh nghiệp, phần lớn nguồn nhân lực du lịch đã chuyển sang nghề khác, thu nhập cao hơn nên không muốn quay lại. Sau thời gian VN mở cửa trở lại hoàn toàn với du lịch quốc tế, nhiều doanh nghiệp đăng tuyển nhân sự ở các bộ phận nhưng không dễ tìm người. Theo Hội đồng Lữ hành thế giới, trong hai năm 2020 - 2021, đại dịch làm mất 62 trên tổng số 334 triệu việc làm trong ngành du lịch. Tại VN, trong năm 2020, công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các thành phố lớn, khu du lịch chỉ đạt 10 - 15%, kéo theo một loạt nhân sự trong ngành bị mất việc làm. Và theo ông Hoàng Nhân Chính, trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch VN, tình trạng thiếu nhân lực du lịch không chỉ về lượng mà còn về chất. Nhân lực mới tiếp nhận chưa được đào tạo bài bản, khiến du khách không hài lòng. “Cần có chính sách mời những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch quay lại với nghề”, ông Chính gợi ý.Mảng trống về chất và lượngCông ty TST Tourist (TP.HCM) đang thông báo tuyển dụng gần 40 nhân sự cho quy trình vận hành mới. Nhìn qua các vị trí tuyển dụng, có thể thấy doanh nghiệp này đang hồi phục lại mảng quốc tế gồm outbound lẫn inbound và tìm kiếm các vị trí am hiểu công nghệ. Ông Lại Minh Duy, tổng giám đốc công ty, cho biết trước đây doanh nghiệp ông có trưởng phòng công nghệ thông tin, nhưng với những thay đổi trong tương tác với khách hàng thời đại chuyển đổi số, yêu cầu kỹ năng cho vị trí này đã khác.“Trước đây vị trí này chỉ cần viết phần mềm là đủ, nhưng bây giờ còn là vận hành hệ thống và tập trung nâng cao trải nghiệm cho khách hàng", ông nói.Theo bà Nguyễn Thị Khánh, chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, để đáp ứng nguồn nhân lực mới cho thị trường sau dịch, hiệp hội này có những chương trình bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn, dài hạn cho các thành viên. Dù đào tạo nhân lực là lợi thế của TP.HCM nhưng lấp khoảng trống nhân sự ngành du lịch lúc này là không dễ, bởi một nhân sự du lịch phải có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới. Hướng dẫn viên du lịch không chỉ tham gia hành trình tour, giới thiệu, hướng dẫn những trải nghiệm cho du khách mà cần có kỹ năng tạo cho du khách cảm giác an toàn bằng những hoạt động đảm bảo phòng chống dịch, xử lý tình huống kịp thời.Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhìn nhận: Để đáp ứng chất lượng dịch vụ theo đúng mục tiêu xây dựng thương hiệu du lịch TP.HCM thì nguồn nhân lực mang tính quyết định.Sở sẽ phối hợp với các sở ngành, doanh nghiệp tổ chức các lớp nâng cao kỹ năng đào tạo, huấn luyện các kỹ năng mới như đón khách, tổ chức tour du lịch an toàn, kỹ năng trực tiếp phục vụ du khách của hướng dẫn viên, lực lượng lễ tân, phục vụ bàn...Nhiều chuyên gia cho rằng hậu dịch là thời điểm để các doanh nghiệp VN định hình lại nguồn nhân lực, cách thức đào tạo. Ông William Haandrikman, tổng quản lý khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi, cho rằng VN cần đào tạo về nghiệp vụ cho lao động du lịch để họ thích nghi với môi trường không ngừng thay đổi.Singapore quy định một hướng dẫn viên inbound không nhất thiết phải tốt nghiệp đại học, chỉ cần qua lớp đào tạo hướng dẫn viên và qua một kỳ kiểm tra để được cấp thẻ. Về ngôn ngữ, việc đào tạo cũng cần tập trung đến hiệu quả hơn là bằng cấp. Nhờ quy trình đơn giản nên quốc gia này có lực lượng hướng dẫn viên đông đảo, đáp ứng nhu cầu của thị trường khách quốc tế hơn 20 triệu lượt mỗi năm, đông gấp nhiều lần dân số nước này. ■Trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2022 tổ chức hồi đầu tháng 4-2022, GS.TS Nguyễn Văn Đính, Hiệp hội Du lịch VN, cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, bên cạnh đào tạo trên trường lớp, cần tăng cường hợp tác với các tập đoàn lớn, doanh nghiệp du lịch và khách sạn về tạo việc làm sau tốt nghiệp theo nguyên tắc phù hợp với cơ cấu ngành nghề và số lượng nhân lực theo nhu cầu xã hội…Theo ông Nguyễn Lê Phúc, phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ngành du lịch cần tập trung nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo trì bảo dưỡng trang thiết bị, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự... để đảm bảo chất lượng đón khách. Tags: Khủng hoảngNhân sựNgành du lịch
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Nhiều người ở TP.HCM bắt đầu đi làm, đi học bằng metro CHÂU TUẤN 23/12/2024 Từ sáng đến trưa 23-12, không ít người dân ở TP.HCM cho biết đây là lần đầu tiên dùng metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để đi làm, đi học.
Panama đáp trả ông Trump về đe dọa 'đòi lại' kênh đào THANH HIỀN 23/12/2024 "Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama".
Hàng loạt đại học phát cảnh báo chiêu lừa đảo học bổng, giảm học phí cho sinh viên MINH GIẢNG 23/12/2024 Hàng loạt trường đại học phát cảnh báo chiêu trò lừa đảo sinh viên về học bổng, giảm học phí khi chuyển khoản cho cá nhân.
Nên 'bêu' tên người xả rác bừa bãi như cách làm của người Nhật? THANH NY 23/12/2024 Để trị 'bệnh' xả rác bừa bãi, hãy học người Nhật cách xử lý người thiếu ý thức nơi công cộng.