Khủng hoảng khí hậu: Chuyện tiền cả đấy!

LÊ QUANG 31/07/2022 06:33 GMT+7

TTCT - Khi người tiêu dùng rên xiết bởi đồng tiền mất giá, lãi bán hàng không đủ mua xăng dầu, hay mùa đông tới châu Âu có lẽ phải hạ lò sưởi xuống 18 độ C - thì chiến sự ở Ukraine là lời giải thích quá vội vã và quá dễ dãi. Về lâu dài, biến đổi khí hậu mới là nguyên nhân chính.


Khủng hoảng khí hậu: Chuyện tiền cả đấy! - Ảnh 1.

Nhiều nước châu Âu đang trải qua giai đoạn nắng nóng kỷ lục. Ảnh: Reuters

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa thời tiết khắc nghiệt và khủng hoảng kinh tế, nhưng chỉ tập trung vào các nước đang phát triển, tình cờ cũng là những quốc gia bị lũ lụt, bão và hạn hán thường xuyên và nghiêm trọng hơn nhiều so với phương Tây. Nói cách khác, người ta đã cố tình lờ đi một điểm yếu của phương Tây, vốn vẫn luôn bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nay chỉ lộ rõ hơn vì chiến sự Ukraine.

Thủ phạm của khí hậu đỏng đảnh

Thỏa thuận chung Paris là một biên bản thiện chí tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc 2015. Ở đó người ta nhất trí rằng sự tăng nhiệt toàn cầu được giữ ở mức gần 2 độ C so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp. 

Trên cơ sở đó, một bản khái toán chi phí thuần túy kỹ thuật được các nhà nghiên cứu ở London xây dựng: nếu sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C vào cuối thế kỷ này, phí tổn với thế giới sẽ là 1.800 tỉ USD vào năm 2070 và sẽ tiếp tục tăng với tỉ lệ tương đương trong tương lai. 

Còn kịch bản "cứ tiếp tục như hiện nay" sẽ tạo ra phí tổn cao gấp khoảng 3 lần vào năm 2070 cho nhân loại, và tới 2200, con số đó sẽ lên tới 17 lần.

Để giảm thiểu hoặc thậm chí, như loài người ngạo mạn kỳ vọng, ngăn chặn biến đổi khí hậu, cần giảm mạnh lượng phát thải khí nhà kính. Các chuyên gia khí hậu giả định tới năm 2100, khí nhà kính phải giảm 60-80% so với hiện nay. 

Do khí nhà kính đọng lại khá lâu trong khí quyển, các quốc gia có trách nhiệm phải bắt đầu giảm mạnh phát thải càng nhanh càng tốt. Nói "các quốc gia có trách nhiệm" thì chủ yếu đó là Mỹ, nước chịu trách nhiệm về phần lớn lượng khí nhà kính thải ra trên toàn thế giới. 

Tiếp theo là Trung Quốc, châu Âu, Nga và Nhật Bản. Một chính sách khí hậu hiệu quả phải yêu cầu các quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính cao chấp nhận các mục tiêu có tính ràng buộc.

Năm 1997 đánh dấu bước đầu tiên của tiến trình đó khi Nghị định thư Kyoto được thông qua. Theo đó, các nước công nghiệp phát triển phải đi đầu trong giảm thiểu lượng khí thải toàn cầu. 

Để thỏa thuận trở thành luật ràng buộc, ít nhất 55 quốc gia phải phê chuẩn công ước khung về biến đổi khí hậu. Châu Âu và Nhật Bản đã phê chuẩn Nghị định thư Kyoto. Châu Âu, kể từ ngày 1-1-2005, bắt đầu một dự án thí điểm nhằm giảm phát thải qua hệ thống chứng chỉ khí thải châu Âu.

Nhưng Hoa Kỳ quyết định không phê duyệt Nghị định thư Kyoto. Họ lo ngại thiệt hại kinh tế và đòi các nước đang phát triển như Trung Quốc, vốn đã đứng thứ 2 về lượng khí thải toàn cầu, cũng phải cam kết. Nga cho đến nay vẫn dùng dằng chưa quyết định. Thiếu Nga và Mỹ, Nghị định thư Kyoto khó đạt mục tiêu.

Hậu quả nhãn tiền

Khủng hoảng khí hậu có nhiều khuôn mặt, nhưng mới vào hè nên ta hãy chỉ xét đến cái nóng ngày càng hầm hập, không chỉ ở vùng nhiệt đới. Châu Âu năm nay nóng như lò lửa. Các nước xung quanh Địa Trung Hải như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha chịu trận đầu tiên. 

Hồi tháng 6, Tây Ban Nha đã trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất kể từ năm 1950, khi nhiệt độ vượt quá 44 độ C được ghi nhận ở Andújar vào ngày 17-6. Rồi nạn cháy rừng bùng phát ở Sierra de la Culebra từ đầu tháng 6.

Ở Hy Lạp, vụ cháy rừng lớn đầu tiên bùng phát vào giữa tháng 6 ở Euboea, hòn đảo lớn thứ hai của nước này. Đảo Euboea vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận cháy rừng hè năm 2021, khi hàng chục nghìn hecta rừng bị thiêu rụi. Nay thì chỉ tính hai ngày 17 và 18-7, 108 đám cháy đã bùng phát trong vòng 24 giờ trên đảo.

Nước Đức xưa nay khá mát mẻ, nhưng vào giữa tháng 6 cũng xảy ra một số vụ cháy rừng lớn ở Brandenburg. 170ha rừng gần Frohnsdorf và 230ha giữa Seddin và Beelitz đã cháy một phần hoặc hoàn toàn. 

Cả hai vụ cháy đều đạt đỉnh vào khoảng ngày 18-6. Tính tới 23-6, tổng cộng 900ha rừng bị thiêu ra tro ở biên giới giữa Brandenburg và Sachsen. Hôm 19-7, cơ quan khí tượng báo nhiệt độ kỷ lục 40 độ C trong bóng râm ở Duisburg, và các nhà khí tượng học dự báo đó vẫn chưa phải đỉnh điểm của mùa hè.

Nắng nóng lập tức gây ra nhiều áp lực kinh tế, như có thể thấy ở chuỗi bán lẻ đồ gia dụng Media Markt và Saturn. Nghe dự báo thời tiết những tuần tới, ngành thương nghiệp khuyến cáo dân chúng hãy mua máy điều hòa hoặc quạt kịp thời. Lẻ tẻ đã có những thành phố không tìm mua nổi một cái quạt máy. 

Ở Đức, khí hậu vốn ôn hòa và tiền điện rất đắt, nên chưa đầy 4% các hộ gia đình có máy điều hòa không khí. Trong tương lai gần, khi các nhà máy điện nguyên tử và chạy than đóng cửa, rất có thể Đức sẽ thiếu điện trầm trọng khi người dân đổ xô lắp máy lạnh trong nhà.

Đối phó trong tuyệt vọng

Trong khi Tổng thư ký Tổ chức Thời tiết thế giới (WMO) Petteri Taalas đang họp báo về đợt nắng nóng ở Geneva, một kỷ lục mới được báo về từ London: 40,2 độ C - nhiệt độ cao nhất từng đo được ở Anh. 

Ông Taalas nói: "Có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian cho đến khi kỷ lục nóng của châu Âu (mùa hè Sicilia năm 2021: trên 48 độ C!) bị phá vỡ. Vì những đợt nắng nóng như hiện nay sẽ ngày càng thường xuyên hơn, và sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn, từ giờ đến 2060". Hóa ra biến đổi khí hậu đến nhanh hơn nhiều so với chúng ta vẫn tưởng.

Ở Pháp, Plan Canicule - kế hoạch nhiệt độ quốc gia, được kích hoạt vào mùa hè hằng năm - là hệ thống với bốn mức cảnh báo từ màu xanh lá cây đến màu đỏ. 

Khi vào giai đoạn áp chót màu da cam, các biện pháp khẩn cấp đầu tiên có hiệu lực: các thành phố và địa phương thiết lập hệ thống "phòng lạnh", chẳng hạn tại tòa thị chính, cho tất cả những ai không chịu đựng được nhiệt độ cao ở nhà riêng.

Truyền thông cung cấp thông tin về các triệu chứng của đột quỵ nhiệt và số điện thoại khẩn cấp. Các tòa thị chính phải liên hệ với người cao tuổi độc thân và hỗ trợ họ trong thời gian nắng nóng cực độ. 

Mức cảnh báo cao nhất của Plan Canicule có hiệu lực khi nhiệt độ vượt quá 40 độ C. Lúc đó người ta có thể hủy bỏ các sự kiện ngoài trời, đóng cửa cơ sở công cộng như trường học và nhà trẻ, đội cứu hỏa được đặt trong tình trạng báo động ở các khu vực cháy rừng và bệnh viện chuẩn bị cho nhiều bệnh nhân hơn.

Kế hoạch Canicule đã có ở Pháp từ năm 2004, do rút kinh nghiệm từ đợt nắng nóng năm 2003 khiến hơn 15.000 người chết, chủ yếu là người già và độc thân. Lúc bấy giờ các phòng lạnh không còn đủ để chứa người chết, và chợ đầu mối Rungis gần Paris được chuyển thành nhà xác.■

Nắng nóng và lương thực

"Thực phẩm tăng giá từng ngày", "Giá khí đốt cao, giá phân bón công nghiệp đang tăng", "Cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Âu". Những tít tương tự gần đây xuất hiện trên các phương tiện truyền thông gần như mỗi ngày.

Cuộc chiến Ukraine đã làm tình hình vốn căng thẳng ở nhiều nước càng trở nên tồi tệ hơn. Khí tự nhiên là nguồn chính để khai thác hydro, cùng với nitơ tạo thành cơ sở sản xuất amoniac, urê và các loại phân bón khác.

Tuy nhiên, sản xuất urê phục vụ nông nghiệp ở châu Âu không đủ. Ví dụ Cộng hòa Czech phải nhập khẩu 100% urê vì không tự sản xuất được. Sản lượng giảm do giá khí đốt tự nhiên tăng cao đang gây nhiều lo lắng.

Nước cung cấp urê và phân bón thành phẩm lớn nhất cho thị trường châu Âu là Nga thì nay đã áp lệnh cấm xuất khẩu. Các nước xuất khẩu khác là Belarus và xa hơn là Algeria và Ai Cập.

Giá phân bón vào giữa tháng 3-2022 là hơn 800 euro/tấn urê, cao kỷ lục trong lịch sử. Để so sánh, đầu năm ngoái giá chỉ là 244 euro. Thiếu phân bón, nông nghiệp của nhiều nước có nguy cơ đình trệ.

LHQ đang cảnh báo về một nạn đói nghiêm trọng trực chờ. Châu Phi cũng đang nóng như đổ lửa và đã 3 năm liên tiếp mùa mưa diễn ra ở mức "cho có".

Chương trình Lương thực thế giới của LHQ cảnh báo khoảng 20 triệu người có nguy cơ chết đói chỉ riêng ở các vùng khó khăn của Kenya, Somalia và Ethiopia, trong toàn bộ khu vực Sahel, tức là từ Senegal đến Djibouti, tổng cộng 60 triệu người nữa đang có nguy cơ đói ăn.

Chẳng bao lâu nữa, 1,4 tỉ người có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lương thực - không chỉ ở châu Phi, mà còn ở Syria, Yemen, Lebanon và Afghanistan. Theo các chuyên gia của LHQ, lịch sử thế giới chưa từng chứng kiến điều gì tương tự.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận