Một trực thăng của hải quân thuộc Bộ tư lệnh Chiến khu miền Đông Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tham gia tập trận quân sự ở vùng biển quanh Đài Loan vào ngày 8-8 - Ảnh: REUTERS
Trong khi một bên tiếp tục duy trì sức ép, bên kia có vẻ như đang kiên nhẫn chờ đợi mọi chuyện rồi cũng sẽ êm và trở lại bình thường. Một trò chơi chiến thuật không thường thấy của người Mỹ trong vấn đề Đài Loan.
Kiên nhẫn chờ "biển lặng"
Đầu tuần này, Bộ tư lệnh Chiến khu miền Đông của Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quanh đảo Đài Loan, bao gồm các hoạt động chống tàu ngầm và tấn công trên biển. Cuộc này diễn ra ngay sau đợt tập trận bắn đạn thật chưa từng có trước đó từ ngày 4 đến 7-8 tại 6 khu vực quanh đảo Đài Loan.
Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn tỏ vẻ lạnh lùng trước màn thị uy sức mạnh của Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8-8 cho biết ông không lo lắng về việc Đài Loan bị tấn công khi nói "tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ làm bất cứ điều gì hơn họ đang làm".
Không có màn phô diễn phối hợp của các nhóm tác chiến tàu sân bay hay tập trận với các đồng minh ở quanh đảo Đài Loan, nhưng phía Mỹ lại có một loạt chỉ trích nhắm vào cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc với đủ ngôn từ đa dạng, từ việc tố cáo Trung Quốc "khiêu khích, vô trách nhiệm và làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm" cho đến việc Mỹ không dễ rơi vào "bẫy kích động" của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông "rất hy vọng Bắc Kinh sẽ không tạo ra một cuộc khủng hoảng hoặc tìm cách ngụy tạo để gia tăng các hành động quân sự gây hấn". Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl cảnh báo: "Tất cả những gì tôi có thể nói là chúng tôi sẽ không cắn câu và nó sẽ không thành công".
Tuy nhiên, vấn đề không phải là phía Trung Quốc có thật sự gây hấn không hay cuộc khủng hoảng sẽ tiếp diễn thế nào. Cách Mỹ phản ứng lần này mới là điều đáng ngạc nhiên nếu so với 3 cuộc khủng hoảng tương tự trước đây vào các năm 1954, 1958 và giữa những năm 1990.
"Hổ giấy" hay "hổ thật"?
Trong thập niên 1950, Mỹ thậm chí còn đe dọa dùng vũ khí hạt nhân đối phó Trung Quốc. Còn ở thập niên 1990, người Mỹ đã gửi một loạt tàu chiến đến khu vực này bao gồm cả 2 nhóm tác chiến tàu sân bay.
Lúc đó, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật và phóng tên lửa vào vùng biển gần Đài Loan để cảnh báo việc nhà lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy thăm trường cũ ở Mỹ. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ lúc đó là William Perry cảnh báo: "Bắc Kinh nên biết sức mạnh quân sự mạnh nhất ở tây Thái Bình Dương là Mỹ". Thập niên 1990 chứng kiến hải quân và không quân Trung Quốc vẫn còn là một lực lượng yếu ớt so với Mỹ và không thể tiến quá xa bờ biển của mình.
Tuy nhiên, sau gần 3 thập niên, người Trung Quốc đang chuẩn bị biên chế tàu sân bay thứ ba của họ và đầy quyết tâm thử thách sự thống trị của Mỹ ở Thái Bình Dương. Người Trung Quốc không còn dễ tổn thương như trước và đang được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc cũng như niềm tin về sự phục hưng của dân tộc Trung Hoa. Bắc Kinh đã mạnh dạn "xé bỏ" một loạt đàm phán và thỏa thuận hợp tác với Washington mà đáng chú ý nhất là thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu và hợp tác quốc phòng.
Sự chênh lệch sức mạnh đã không còn ưu ái nước Mỹ như cách đây gần 30 năm. Ngoài ra, cuộc xung đột Ukraine, những cảnh báo về khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái khiến Washington hiện không thể làm gì khác hơn ngoài việc "lên án" và chờ màn thị uy của Trung Quốc kết thúc.
Nhưng Bắc Kinh cũng rơi vào thế lưỡng nan nếu họ chỉ sử dụng "võ mồm" để phản đối chuyến thăm của bà Pelosi. Lúc đó, Trung Quốc sẽ gửi một thông điệp sai rằng họ đang mềm yếu hay chỉ là "con hổ giấy". Tuy nhiên, ông Tập cũng rất cần sự ổn định lúc này và đó là lý do vì sao ông không muốn xung đột xảy ra khi chỉ tập trận "vừa đủ" nhưng cũng cần "dạy" cho Đài Loan "một bài học".
Do đó, Trung Quốc cần phải tăng mối đe dọa của họ tới mức đủ mang tính răn đe nhằm ngăn chặn các hành động lặp lại của Đài Loan và Mỹ trong tương lai. Một mũi tên bắn nhiều con chim. Hành động tập trận liên tiếp của Trung Quốc không chỉ nhằm gửi thông điệp tới Mỹ và Đài Loan, mà còn tới các nước khác trong khu vực về sức mạnh của Trung Quốc.
Đây cũng là dịp mà các quốc gia Đông Nam Á chứng kiến một sự thay đổi hay chuyển dịch lớn nhất của sức mạnh trong khu vực, khi Mỹ không thể áp đặt sức mạnh quân sự của họ hoàn toàn như cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan 1995 - 1996.
Thâm ý của Washington?
Về mặt quan hệ quốc tế, Mỹ đang tìm cách "giảm nhẹ" ý nghĩa chuyến thăm của bà Pelosi và muốn tạo ra ấn tượng với quốc tế là Trung Quốc đang phản ứng thái quá. Khi không muốn đẩy căng thẳng lên cao theo chiến thuật "bên miệng hố chiến tranh" như trước đây, Washington muốn dùng vị thế "đạo đức" để chỉ trích Bắc Kinh đang là tác nhân khiêu khích, gây mất ổn định khu vực. Liệu bằng việc để Trung Quốc thoải mái gây sức ép với Đài Loan, Mỹ muốn tạo ra tâm lý e sợ trong các quốc gia nhỏ và vừa trong khu vực về sức mạnh quân sự của Trung Quốc cũng như hoài nghi về khẩu hiệu "phát triển hòa bình" của quốc gia này?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận