Theo Hãng tin AFP, cuộc bầu cử Quốc hội được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức sớm ba năm so với kế hoạch để định hình lại bối cảnh chính trị, nhưng kết quả lại khiến Pháp không có phương hướng rõ ràng để thành lập chính phủ mới vào thời điểm chỉ còn ba tuần trước lễ khai mạc Thế vận hội Paris.
Thủ tướng Gabriel Attal dự kiến nộp đơn từ chức lên ông Macron vào ngày 8-7, nhưng ông cũng đã tuyên bố sẵn sàng ở lại trong vai trò tạm quyền khi những tuần bất ổn chính trị đang đến gần.
Tình huống chưa từng có này đang diễn ra đúng lúc ông Macron dự kiến ra nước ngoài gần hết thời gian trong tuần để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington.
"Đây có phải là cuộc khủng hoảng lớn nhất của nền Cộng hòa thứ năm?", ông Gael Sliman, người đứng đầu Công ty thăm dò Odoxa, đặt câu hỏi. "Ông Emmanuel Macron muốn tình hình rõ ràng hơn bằng việc giải tán Quốc hội, nhưng giờ chúng ta đang trong tình trạng hoàn toàn bất định. Một màn sương dày đặc".
Quốc hội chia rẽ
Sau khi giành chiến thắng vòng một ngày 30-6 với tỉ lệ rõ ràng, kết quả bỏ phiếu ngày 7-7 là một sự thất vọng lớn đối với Đảng Tập hợp quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen, mặc dù đảng của bà có khả năng giành được số ghế lớn nhất từ trước đến nay trong Quốc hội.
Liên minh trung dung của ông Macron sẽ có ít ghế Quốc hội hơn trước khoảng vài chục người, nhưng vẫn trụ vững hơn mong đợi và thậm chí có thể kết thúc ở vị trí thứ hai.
Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) - được thành lập vào tháng trước sau khi ông Macron kêu gọi bầu cử - đã tập hợp những người từ các đảng Xã hội, Xanh, Cộng sản và Cánh tả Pháp (LFI) vốn chia rẽ sâu sắc trước đây vào cùng một nhóm.
Dự đoán của các cơ quan thăm dò chính cho thấy NFP sẽ trở thành khối lớn nhất trong Quốc hội mới với từ 177 đến 198 ghế, liên minh của ông Macron có từ 152 đến 169 ghế và RN có từ 135 đến 145 ghế.
Điều đó có nghĩa không nhóm nào gần đạt được 289 ghế cần thiết để có đa số tuyệt đối và vẫn chưa rõ làm thế nào để thành lập chính phủ mới.
Ông Macron, người vẫn chưa lên tiếng công khai về các dự đoán, đang kêu gọi "thận trọng và phân tích kết quả".
Nghị sĩ Clementine Autain kêu gọi liên minh NFP tập trung trong ngày 8-7 để quyết định một ứng cử viên phù hợp cho vị trí thủ tướng.
Hỗn loạn
Lãnh đạo cánh tả Jean-Luc Melenchon, người đứng đầu gây tranh cãi của liên minh NFP, yêu cầu phe cánh tả được phép thành lập chính phủ.
Chỉ một tuần trước, một số cuộc thăm dò cho thấy RN có thể giành được đa số tuyệt đối với việc Jordan Bardella, phó tướng 28 tuổi của bà Le Pen, sẽ trở thành thủ tướng.
Ông Bardella đã bày tỏ sự tức giận, bằng cách gọi các liên minh bầu cử địa phương giúp phe cánh tả và trung dung gom phiếu chống RN là một "liên minh ô nhục".
Ông nói rằng điều đó đã ném "nước Pháp vào vòng tay của cánh tả cực đoan Jean-Luc Melenchon".
Bà Le Pen, người muốn phát động chiến dịch tranh cử tổng thống lần thứ tư vào năm 2027, tuyên bố: "Làn sóng đang dâng lên. Nó chưa dâng cao đủ lần này, nhưng nó tiếp tục dâng lên và do đó chiến thắng của chúng ta chỉ bị trì hoãn".
Ở vòng bỏ phiếu đầu tiên, có hơn 200 thỏa thuận bỏ phiếu chiến lược giữa các ứng viên trung dung và cánh tả tại các khu vực nhằm ngăn RN giành đa số tuyệt đối.
Diễn biến này được ca ngợi là sự trở lại của "Mặt trận Cộng hòa" chống cực hữu lần đầu tiên được triệu tập khi cha của bà Le Pen, ông Jean-Marie, đối đầu với ông Jacques Chirac trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống năm 2002.
Câu hỏi hiện tại đối với nước Pháp là liệu liên minh NFP có thể thành lập một chính phủ ổn định trong khi bị cản trở bởi khối RN vẫn còn số ghế đáng kể trong Quốc hội hay không.
"Có thể sẽ mất nhiều tuần để giải quyết tình trạng hỗn loạn trong khi chính phủ đường nhiệm xử lý công việc hiện nay", Công ty phân tích rủi ro Eurasia Group cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận